Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam: Cần 140 tỷ USD để thoát nghèo (15/12)

06/08/2010 - 236 Lượt xem

Vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong những năm tới và VN kỳ vọng có thể giải ngân được 11 tỷ USD.

Tăng trưởng cao đi cùng rủi ro

Vấn đề cốt yếu của cuộc đối thoại tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam sáng 14/12 là củng cố niềm tin cho các nhà tài trợ và giới đầu tư nói chung, đưa ra những biện pháp thiết thực để VN có thể vượt qua mọi thách thức trong những năm tới, trở thành nước có mức thu nhập trung bình vào năm 2010.

Vì thế không chỉ ngợi ca những thành tựu phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, đặc biệt là sự kiện VN gia nhập WTO, tổ chức thành công Hội nghị APEC…, đại diện các nhà tài trợ quốc tế còn thẳng thắn bày tỏ lo lắng về những vấn đề như lạm phát, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cải cách hệ thống ngân hàng, thực hiện các cam kết quốc tế…

Đại diện Liên Hợp Quốc (LHQ) cho rằng: “Sự thay đổi về kinh tế cũng kèm theo nhiều rủi ro. VN cần thận trọng quá trình phát triển hệ thống tài chính nhằm bảo đảm nền kinh tế có thể huy động các nguồn vốn đầu tư, đồng thời bảo vệ người dân tránh khỏi những rủi ro”.

Theo LHQ, tình trạng xuống cấp của môi trường có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng kinh tế bền vững, đặc biệt ở những nước đông dân như VN. Bất bình đẳng giới gia tăng cũng được LHQ xem là mối nguy cơ ảnh hưởng tới sự đổi mới nhanh chóng về kinh tế của Việt Nam. Tốc độ đô thị hoá tăng nhanh tạo ra những thay đổi nhanh chóng của xã hội và từ đó tác động xấu tới nền kinh tế.

Đại diện Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo, nếu Việt Nam không giải quyết triệt để những lo lắng liên quan tới tiến trình cổ phần hoá DNNN, cải cách ngân hàng, thực thi luật pháp về đầu tư… sẽ ảnh hưởng tới niềm tin của giới doanh nghiệp châu Âu, không riêng gì nhà tài trợ.

Đại diện đến từ Thụy Sĩ đặt câu hỏi, liệu VN có đủ nguồn lực để thực hiện mục tiêu thoát khỏi danh sách nước nghèo vào năm 2010 mà vẫn kiểm soát nợ nần ở mức an toàn? Xung quanh việc thực hiện kế hoạch phát tiển kinh tế xã hội 2006 – 2010, đại diện của hơn 600 tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGO) có quan hệ với VN hiến kế rằng Chính phủ VN cần tăng cường tạo môi trường cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Về thời kỳ hậu WTO, theo đại diện NGO, Chính phủ VN cần sử dụng những khả năng hiện có về tính mềm dẻo để thực hiện các cam kết WTO và giám sát chặt chẽ tác động của việc gia nhập tổ chức này đối với người nghèo…

Giải tỏa bức xúc

Hầu hết bức xúc, hoài nghi của nhà tài trợ, đầu tư quốc tế đã được các quan chức VN đề cập tới, trong đó vụ tham nhũng PMU18 là tâm điểm. Báo cáo với các nhà tài trợ, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết, mặc dù vẫn trong quá trình điều tra, nhưng hiện đã có 17 tổ chức, 40 cá nhân liên quan đến vụ PMU18 bị kỷ luật.

Đặc biệt, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT chính thức đề nghị trước mắt sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoàn trả vốn vay của JBIC cho việc PMU18 mua 4 xe sai chủng loại với số tiền 4,126 tỷ đồng.

Việc Bộ GTVT thẳng thắn thừa nhận “có thiếu sót” trong những sự vụ cụ thể như dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18; thể hiện quyết tâm điều chỉnh cơ chế quản lý để sử dụng nguồn vốn ODA có hiệu quả hơn, giảm thất thoát…được các nhà tài trợ quốc tế hoan nghênh.

Vấn đề cải cách DNNN chậm đang gây nhiều quan ngại cho giới tài trợ và đầu tư nước ngoài đã được đại diện Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DNNN giải toả phần nào. Theo Ban chỉ đạo, riêng năm 2006, VN đã cổ phần hoá 420 DN và kế hoạch năm tới là 600 DN với mục tiêu đến cuối năm 2009 sẽ hoàn thành việc sắp xếp lại DNNN.

Điều khiến các nhà tài trợ, đầu tư quốc tế tin tưởng là VN đã đề ra những giải pháp cụ thể để đảm bảo thực hiện mục tiêu trên. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh mang tới cho các nhà tài trợ thông điệp về việc “tăng cường công khai, minh bạch trong hệ thống tài chính” VN; cam kết cải cách hệ thống chính sách thuế và hải quan, cải cách doanh nghiệp, tăng cường quản lý tài sản công và mở rộng hoạt động tài chính đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế về tài chính.

Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng góp phần củng cố lòng tin cho các nhà tài trợ khi cho biết Chính phủ VN đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể trong cuộc chiến chống tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm.

Phát biểu của lãnh đạo Bộ Tư pháp, GD&ĐT, TN&MT…cũng được hầu hết đại diện của 50 nhà tài trợ quốc tế đánh giá cao và bày tỏ tin tưởng vào những cam kết của các bộ ngành VN.

T.Đ

Phát hiện sai phạm hơn 7.000 tỷ đồng, gần 10 triệu USD

Trong thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 25 cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội với quy mô lớn, đến nay đã kết thúc 14 cuộc, còn 11 cuộc dự kiến kết thúc trong năm nay. Kết quả bước đầu phát hiện tổng sai phạm trị giá gần 859 tỷ đồng, gần 5,5 triệu USD, hơn 120.000 euro.

Các bộ ngành từ đầu năm 2006 đến nay đã tiến hành 346 cuộc thanh tra, kiểm tra và đã phát hiện sai phạm về kinh tế hơn 6.267 tỷ đồng, gần 4,2 triệu USD, hơn 395.000 euro.

Các địa phương thời gian qua đã phát hiện sai phạm về kinh tế trị giá gần 362 tỷ đồng, 1.898 ha đất, thu hồi ngân sách, cho tập thể hàng trăm tỷ đồng, hàng trăm ha đất. Như vậy, qua thanh tra, kiểm tra, tổng cộng đã phát hiện sai phạm hơn 7.000 tỷ đồng và gần 10 triệu USD.

Nguồn: tienphongonline.com.vn, ngày 15/12/2006