Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Luật Thuế thu nhập cá nhân: Mức thuế tối thiểu 5% chưa hợp lý (6/11)

06/08/2010 - 251 Lượt xem

Biểu thuế luỹ tiến quy định mức tối thiểu chịu thuế là 5% đối với thu nhập tính thuế bình quân 5 triệu đồng/tháng. Bà bình luận gì về con số này?
- Tôi đã xem một loạt biểu thuế thu nhập cá nhân của các nước thì đúng là nhiều nước cũng quy định 5%, nhưng cũng có những nước có 1% thôi.

Tuy nhiên, các nước khác VN ở chỗ thu nhập bình quân đầu người của họ cao hơn rất nhiều.VN thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn 600USD/năm mà cũng mức thuế suất như vậy thì theo tôi là cao.

Malaysia thu nhập hơn 2.000USD/năm mà thuế suất này có 1%. Nhật Bản mức thu nhập rất cao, nhưng cũng chỉ có 5%. So sánh như vậy để thấy mức tối thiểu 5% ở VN cần cân nhắc thêm.

Cùng với sự phát triển kinh tế, xu hướng là chuyển dần nguồn thu từ thuế gián thu sang thuế trực thu. Thuế thu nhập cá nhân là một nguồn trực thu. Vậy đặt ra mức thu thấp thì có đảm bảo xu hướng đó không?

- Theo tôi, Luật Thuế thu nhập cá nhân này mới là sự tập dượt chứ không phải để đảm bảo nguồn thu từ thuế thu nhập. Mục đích của việc ra đời luật này, thứ nhất là để đưa đủ các luật thuế cần phải có trong nền kinh tế; thứ hai là để nhân dân tập dượt và thể hiện trách nhiệm của mình với Nhà nước.

Luật này không phải đưa ra một lần là thôi, không sửa đổi nữa. Quan điểm của tôi là luật trước mắt cần phù hợp với mặt bằng xã hội hiện tại, còn khi xã hội phát triển sẽ cân nhắc điều chỉnh. Chính sách thuế cũng như "vặt lông ngỗng". Nếu vặt được lông mà ngỗng không kêu thì mới là chính sách tốt.

Việc đặt ra các mức thuế tuỳ thuộc vào góc độ của người đi thu hay người nộp thuế, nhưng tôi cho rằng người nộp thuế là đại đa số. Chúng ta phải hài hoà lợi ích của Nhà nước và của người dân.

Có ý kiến cho rằng, ở nước ngoài cũng đánh thuế gửi tiết kiệm và theo giải trình thì mức thu cũng rất thấp. YÁ kiến của bà thế nào?
- Bản chất tiết kiệm ở nước ngoài và ở VN khác nhau.

Ở nước ngoài, tiền gửi tiết kiệm của họ thực chất là khoản tiền thừa, không dùng đến và được sử dụng như một khoản đầu tư. Đã đầu tư thì phải đóng thuế là đúng. Tôi muốn nhấn mạnh ở điểm này, vì hệ thống an sinh xã hội của họ rất tốt và cuộc sống của người dân được đảm bảo.

Chẳng hạn như bảo hiểm y tế ở nước ngoài sẽ chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh. Ở VN thì bảo hiểm chỉ chi trả một phần chi phí. Ở VN, tiền gửi tiết kiệm phần lớn là khoản tích luỹ để đảm bảo cuộc sống trong tương lai chứ không phải đầu tư.

Còn nói có người gửi đến vài trăm triệu tiết kiệm thì cũng chỉ là một vài cá nhân không còn nguồn thu nhập khác nên phải tích lại từ trẻ đến già để lo cuộc sống sau này. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây là hai bản chất khác nhau của khoản gửi tiết kiệm.

Theo tôi, phải sau đây chục năm nữa mới nên áp dụng thu thuế từ khoản này. Khi đó lương bổng khá hơn, lạm phát ổn định, các chính sách an sinh xã hội được cải tiến.

- Xin cảm ơn bà.

Quan điểm của tôi là không nên đánh thuế lãi tiết kiệm. Hay đúng hơn là lúc này chưa nên áp dụng. Vì sao? Hiện ngân hàng vẫn là kênh huy động vốn chính của nền kinh tế. Việc đánh thuế vào lãi gửi tiết kiệm có thể làm thiếu hụt nguồn tiền gửi từ dân.

Mặc dù nguồn tiền vẫn vào ngân hàng nhưng sẽ vào ít hơn vì được san sẻ sang các hình thức tích lũy khác, chẳng hạn mua vàng, mua ngoại tệ hoặc "chôn chặt" ở các hiện vật như đất chứ không được luân chuyển.

Theo tôi hãy cố gắng huy động hết nguồn lực của xã hội vào ngân hàng và "rót" cho nền kinh tế. (Bà Dương Thu Hương - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Ngân sách của QH)

Hoàng Nguyên

Nguồn: http://www.laodong.com.vn, ngày 6/11/2006