VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Áp thuế suất 5% với phân bón, để xử lý những bất cập trong chính sách

29/10/2024 - 208 Lượt xem

Đối với nội dung chuyển mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%, Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đã phân tích kỹ lưỡng tập trung vào mặt hàng phân bón.

Cụ thể, thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với nhóm mặt hàng phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế GTGT số 71/2014/QH13, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế. Việc sửa đổi chính sách vào thời điểm đó có thể chưa đánh giá được hết các tác động đối với ngành sản xuất trong nước, cụ thể: số thuế GTGT đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí đã làm giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng cao; Phân bón nhập khẩu được hưởng lợi do đang chịu thuế 5% được chuyển sang không chịu thuế và vẫn được hoàn toàn bộ thuế GTGT đầu vào.

 

ap thue suat 5 voi phan bon de xu ly nhung bat cap trong chinh sach hinh 1

Điều này đã gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn đến doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, nhất là trong bối cảnh của xu thế cung vượt cầu trên thị trường phân bón thế giới giai đoạn 2015-2020 (trước thời điểm dịch Covid-19), giá phân bón trên thị trường thế giới giảm mạnh, làm giá thành phân bón sản xuất trong nước không thể cạnh tranh với giá nhập khẩu, các doanh nghiệp trong nước đều có mức tăng trưởng âm, một số đơn vị lỗ, có nguy cơ phá sản.

Nếu việc sửa Luật Thuế GTGT lần này không khắc phục bất cập nêu trên thì ngành sản xuất phân bón trong nước tiếp tục phải chịu sự phân biệt đối xử so với tất cả các ngành sản xuất khác khi bị nằm ngoài phạm vi áp dụng thuế GTGT và có rủi ro bị quay lại tình trạng suy giảm và ngừng sản xuất như giai đoạn 2015-2020.

Điều này đi trái với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã được đề ra tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế như công nghiệp năng lượng, cơ khí, chế tạo, luyện kim, hoá chất, phân bón, vật liệu...”. Về lâu dài, sự phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu có thể làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực quốc gia, làm suy yếu ngành sản xuất trong nước đang từng bước phát triển trở lại và cạnh tranh với các nước trong khu vực.

ap thue suat 5 voi phan bon de xu ly nhung bat cap trong chinh sach hinh 2

Đại biểu Đặng Bích Ngọc phát biểu.

Do đó, để xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón, cần thiết đưa các nhóm mặt hàng này quay lại diện chịu thuế GTGT 5% như dự thảo Luật Chính phủ đã trình để bảo đảm bình đẳng trong đối xử về thuế GTGT như tất cả các ngành sản xuất khác trong nước.

Tham gia cho ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã tổ chức khảo sát, làm việc với các cơ quan liên quan của tỉnh và thống nhất với đề xuất của Chính phủ chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế 5%.

Đại biểu phân tích, phân bón là loại vật tư nông nghiệp quan trọng số một đối với sản xuất nông nghiệp của nước ta, chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành của trồng trọt, trong khi ngành trồng trọt hiện nay đang chiếm 64% đến 68% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp. Thuế GTGT đối với nhóm mặt hàng phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế giá trị gia tăng số 71 chuyển từ diện chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế đã tác động rất lớn đối với ngành sản xuất phân bón trong nước.

Do đó đại biểu tán thành những giải trình của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cho rằng, việc sửa đổi Luật thuế GTGT lần này không khắc phục bất cập nêu trên thì ngành sản xuất phân bón trong nước tiếp tục phải chịu sự phân biệt đối xử so với tất cả các ngành sản xuất khác khi bị nằm ngoài phạm vi áp dụng thuế GTGT và có rủi ro bị quay lại tình trạng suy giảm và ngừng sản xuất như giai đoạn 2015-2020. Khi mặt hàng phân bón được áp thuế VAT đầu ra, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ VAT đầu vào, từ đó giảm áp lực khi đầu tư. Do đó, nếu chuyển đổi chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón từ diện miễn thuế sang áp dụng thuế suất sẽ có lợi cho 3 nhà, nhà nước, doanh nghiệp, nông dân, giảm sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu.

ap thue suat 5 voi phan bon de xu ly nhung bat cap trong chinh sach hinh 3

Các đại biểu tại phiên họp.

Nữ Đại biểu Quốc hội cung cấp thêm thông tin, các nước trên thế giới đều áp dụng thuế GTGT đối với ngành phân bón. Ví dụ, Trung Quốc là quốc gia sản xuất và tiêu thụ phân bón lớn nhất thế giới hiện đang áp dụng thuế GTGT ở mức 11% với phân bón, đồng thời nước này cũng ban hành một số chính sách miễn giảm thuế tiêu thụ doanh nghiệp cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ, phân vi sinh, phân bón thân thiện với môi trường và những doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển hoặc sử dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Tương tự, đối với Nga - đất nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới cũng đang áp dụng thuế suất GTGT đối với ngành phân bón nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.

Đại biểu nhấn mạnh, ngành phân bón đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do vậy, cần có các chính sách thuế hỗ trợ phát triển ngành phân bón theo hướng phát triển bền vững kết hợp hài hòa giữa các sắc thuế trực thu và gián thu trong hệ thống thuế như thuế GTGT, thuế bảo vệ môi trường, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thiên An

Nguồn: https://www.congluan.vn/ap-thue-suat-5-voi-phan-bon-de-xu-ly-nhung-bat-cap-trong-chinh-sach-post319050.html