Tin nổi bật
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN
31/07/2024 - 25 Lượt xem
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU sau 4 năm thực thi đã giúp trao đổi thương mại hai bên tăng trưởng tích cực. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN...
Bộ Công Thương cho biết sau 4 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực (01/8/2020 - 01/8/2024), tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng lên và Việt Nam trở thành quốc gia có thị phần lớn nhất so với các nước trong khu vực ASEAN xuất khẩu vào EU. EVFTA giúp nhiều nhà nhập khẩu EU biết tới các nhà cung ứng Việt Nam hơn.
Năm 2023, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên EU đạt 72,3 tỷ USD, giảm 5,3% so với năm 2022, thặng dư thương mại đạt 34,3 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước EU năm 2022 đạt 46,8 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước EVFTA đạt 15,4 tỷ USD, giảm 8,6% so với năm 2021.
Nhiều mặt hàng quan trọng của Việt Nam xuất khẩu sang EU tiếp tục tăng, như thủy sản tăng 29,5%, rau quả tăng 34,2%, giày dép tăng 49,7%, dệt may tăng 43,4%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 85,2%... Các thị trường xuất khẩu chính là Hà Lan, Đức, Italia, Bỉ, Pháp…
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU tháng 6/2024 đạt trên 4,28 tỷ USD, tăng 7,85% so với tháng 5/2024 và tăng 19,54% so với tháng 6/2023.
Tính chung 6 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt trên 24,69 tỷ USD, tăng 15,37% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu sang đa số các thị trường chủ lực trong khối EU đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hà Lan đạt trên 6,14 tỷ USD, chiếm 24,88% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang EU, tăng 27,12% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng tháng 6/2024 kim ngạch đạt gần 1,15 tỷ USD, tăng 13,59% so với tháng 5/2024 và tăng 35,46% so với tháng 6/2023.
Đứng thứ 2 là thị trường Đức đạt gần 3,82 tỷ USD, chiếm 15,46%, tăng nhẹ 3,27%. Chỉ tính tháng 6/2024, kim ngạch đạt trên 634,96 triệu USD, tăng 7,73% so với tháng 5/2024 và tăng 7,13% so với tháng 6/2023.
Đứng thứ 3 là thị trường Italia đạt gần 2,53 tỷ USD, chiếm 10,23%, tăng 9,23%; riêng tháng 6/2024 kim ngạch đạt 385,97 triệu USD, tăng 0,6% so với tháng 5/2024 và tăng 4,27% so với tháng 6/2023.
Xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha đạt gần 1,97 tỷ USD, chiếm 7,96%, tăng 20,68%; riêng tháng 6/2024 kim ngạch đạt 308,19 triệu USD, tăng 7,51% so với tháng 5/2024 và tăng 3,38% so với tháng 6/2023.
Bộ Công Thương nhận định, thương mại song phương hai bên ngày càng sôi động nhờ Hiệp định EVFTA. Người tiêu dùng trong nước ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với các sản phẩm đa dạng, chất lượng cao từ châu Âu với giá thành hợp lý hơn.
Ngược lại, các ngành hàng có lợi thế của Việt Nam xuất khẩu sang EU như dệt may, da giày, lĩnh vực vận chuyển đã tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động Việt Nam. Người lao động cũng có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng các yêu cầu mới từ EVFTA.
Không chỉ vậy, khảo sát của VCCI (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp hiểu về EVFTA cao hơn so với các FTA khác. Gần 50% doanh nghiệp từng hưởng những lợi ích cụ thể từ EVFTA, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng 16,7% vào năm 2022 và gần 20% năn 2023.
Đáng chú ý, tỷ lệ tận dụng ưu đãi C/O mẫu EUR.1 ở mức cao. Theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2023, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 là 35,2% kim ngạch xuất khẩu, tương đương kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O là 15,4 tỷ USD, tăng 26,1% so với năm 2022.
Một số nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu EUR.1 cao như thủy sản (89,2%), rau, quả (88,3%), gạo (tận dụng hết hạn ngạch 80.000 tấn gạo EU dành cho Việt Nam hàng năm).
Đặc biệt, giày dép là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU với kim ngạch xuất khẩu 4,8 tỷ USD có tỷ lệ cấp C/O ưu đãi EUR.1 lên tới gần 100%. Mới nhất, quý 1/2024, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 là 34,3%.
Tại buổi làm việc vào ngày 30/7 với ông Josep Borrell Fontelles, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC), Đại diện cấp cao của Liên minh Châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, hai bên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả Hiệp định EVFTA.
Đồng thời, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị EC sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam trên cơ sở ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được của Việt Nam trong phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không đúng quy định (IUU) và EU thúc đẩy các nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) để đưa hợp tác kinh tế song phương phát triển tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên.
Nguồn: vneconomy.vn