VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Đông Nam Á: “Mảnh đất vàng” cho thực phẩm của tương lai?

17/05/2024 - 45 Lượt xem

Khái niệm thực phẩm tương lai đề cập đến các sản phẩm thực phẩm sáng tạo an toàn để ăn, có thể truy xuất nguồn gốc và thân thiện với môi trường, đáp ứng các xu hướng mới nổi liên quan đến sức khỏe và hạnh phúc…

Năm ngoái, thị trường Mỹ bắt đầu cho bán thịt gà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, trong khi Singapore đã cấp phép bán lẻ thịt nhân tạo từ cách đây 3 năm. Mới đây, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc lần đầu tiên đã tạo ra gạo thịt bò bằng cách nuôi cấy tế bào gốc mỡ và cơ xương bò trong hạt gạo… Dữ liệu từ Grand View Research cho thấy, thị trường thịt nuôi cấy dự kiến tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 51,6% trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2030.

Còn tại EU, những thông tin gần đây đã chỉ rõ thịt heo đang mất dần sức hút. Tiêu thụ thịt heo của EU dự kiến giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 thập niên trong năm nay và trong vòng 2 năm tới. Sản lượng thịt heo ở khu vực này sẽ giảm khoảng 1/10. Đơn cử như tại Đức, ngành chế biến thịt heo hiện tại điêu đứng khi người tiêu dùng ngán thịt heo. Riêng thị trường xúc xích Đức có thể sẽ suy giảm 1/3. Trong số hơn 100 nhà sản xuất xúc xích ở nước này, nhiều nhà sản xuất sẽ bỏ cuộc hoặc bị thâu tóm. 

Tại Singapore, chính phủ cùng với các bên liên quan đã chuẩn bị để đáp ứng tính bền vững cho nhu cầu dinh dưỡng của người dân trong tương lai bằng “chiến lược 30x30”, đặt mục tiêu tự sản xuất 30% lương thực vào năm 2030. Theo đó, chiến lược kêu gọi tất cả người dân cùng tham gia và chính phủ sẵn sàng dành các khoản tài trợ. Tuy nhiên, mới đây theo các nhà thực phẩm tương lai của Singapore, chỉ trong 17 năm nữa, tức vào năm 2040, người Singapore có thể ăn thịt in 3D không đến từ chăn nuôi, có thông tin về cấu trúc phân tử của thực phẩm rõ ràng.

Theo CNA, trong báo cáo có chủ đề Snack To The Future mới đây, cùng với các chuyên gia trong ngành khoa học, công nghệ đổi mới, ông Yip Hon Mun, cố vấn cấp cao về công nghệ thực phẩm bền vững, cho biết, ngoài các loại thịt thay thế từ thực vật mà chúng ta đã thấy trong siêu thị và trên thực đơn, còn có thịt nuôi cấy bằng cách sử dụng tế bào động vật. Ông Yip dự đoán rằng, thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm như vậy có thể sẽ được chấp nhận rộng rãi hơn vào năm 2040 khi công nghệ trưởng thành hơn và giá cả trở nên hợp lý hơn.

Trong các phòng thí nghiệm ở Singapore, các nhà khoa học đề xuất thực đơn cho tương lai là thịt (đạm động vật phát triển từ tế bào gốc) để đạt được muc tiêu đạo đức và tránh được một số bệnh lý như tăng hay rối loạn biến dưỡng chất béo cao gây bệnh lý tim mạch hay xơ vữa động mạch. Nhưng các nhà khoa học Âu - Mỹ lại cho rằng, khi họ làm như vậy trong phòng thí nghiệm hay trang trại, họ phải dùng kích thích tố tăng trưởng và một số hóa chất khác để tăng năng suất nên đôi khi sẽ có hại cho người tiêu dùng.

Các nhà khoa học Âu - Mỹ cho rằng, thực phẩm tương lai nên là các thực phẩm có khả năng kháng viêm sưng. Thức ăn kháng viêm sưng: tất cả thức ăn không làm hư hại tế bào cơ thể, thường thuộc về thực vật - rau củ quả, nhất là ở dạng tươi sống vì còn giữ được nhiều sinh tố chống viêm (A, C, D, E, K2...) và những chất chống oxy hóa là polyphenols và flavonoides. Đó có thể là thịt thực vật hay các thực phẩm bổ sung, hoặc protein thay thế từ côn trùng.

 

Thực phẩm hữu cơ cũng được cho là một phần của thực phẩm tương lai.

Theo trang tin CNBC của Mỹ, các chuyên gia cho rằng việc giảm tiêu thụ thịt động vật và các sản phẩm từ sữa động vật có thể là “chìa khóa” giúp khu vực Đông Nam Á vượt qua cuộc khủng hoảng khí hậu. Trong một báo cáo công bố mới đây, Công ty Asia Research Engagement (ARE) có trụ sở ở Singapore khuyến nghị, để ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu, từ nay đến năm 2030, các quốc gia Đông Nam Á cần giảm sản lượng thực phẩm protein động vật và chuyển sang các loại protein thay thế.

ARE dự báo đến năm 2060, các loại protein thay thế protein động vật có thể sẽ chiếm hơn 50% lượng thực phẩm protein ở Đông Nam Á và các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, công ty này lưu ý: “Để đạt được điều này sẽ đòi hỏi nguồn vốn chuyên dụng cũng như cam kết của ngành thực phẩm châu Á, các nhà đầu tư và ngân hàng đối với sự phát triển bền vững."

Cũng theo báo cáo, các thị trường chính cho thực phẩm tương lai để hướng tới mục đích bền vững bao gồm Đông Nam Á 43%, tiếp theo là Mỹ 14%, Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh 11% và Trung Quốc 10,3%.  Ông Visit Limlurcha, Chủ tịch Hiệp hội thương mại thực phẩm tương lai Thái Lan, cho biết những loại thực phẩm này có giá trị cao hơn nhờ sự phục hồi kinh tế, giúp tăng niềm tin của người tiêu dùng cũng như mối quan tâm của người tiêu dùng về sức khỏe hiện cũng được nâng cao hơn ở cả thị trường trong nước và quốc tế sau đại dịch.

Tại Thái Lan, phân khúc phổ biến nhất của thực phẩm tương lai là thực phẩm chức năng và thành phần chức năng, trị giá 128 tỷ baht, tăng 1%, chiếm 89,5% tổng kim ngạch xuất khẩu thực phẩm tương lai. Tiếp theo là protein thay thế với giá trị 6,5 tỷ baht, tăng 1% và chiếm 4,6% tổng kim ngạch xuất khẩu thực phẩm tương lai, tiếp theo là thực phẩm y tế và cá nhân hóa, trị giá 6,3 tỷ Baht, tăng 4% và chiếm 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thực phẩm hữu cơ được định giá 1,96 tỷ baht, giảm 13% và chiếm 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu thực phẩm tương lai.

Xu hướng thực phẩm năm 2024 mang đến cơ hội đầy hứa hẹn vì phù hợp với xu hướng tiêu dùng tập trung vào sức khỏe và tính bền vững. Ông Visit cho biết các sản phẩm thực phẩm tương lai phổ biến được bán trên thị trường sẽ bao gồm thực phẩm có nguồn gốc thực vật và đồ uống có nguồn gốc thực vật (như sữa đậu nành, sữa óc chó, sữa hạnh nhân, sữa gạo lứt…) cùng với đồ uống chức năng và thực phẩm cá nhân hóa như thực phẩm dành cho người già.

Hiện phân khúc thực phẩm mới của Thái Lan đang tập trung vào các sản phẩm thực phẩm được chế biến bằng công nghệ tiên tiến. Các chuyên gia cho biết, cho dù có nguồn gốc từ thực vật, từ quá trình lên men hay được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, thì các protein thay thế đều bảo đảm đủ chất cho con người và quan trọng đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Theo một báo cáo của Boston Consulting Group vào năm 2022, cứ mỗi một USD đầu tư vào việc sản xuất các sản phẩm thay thế thịt và sữa sẽ giúp giảm lượng khí nhà kính nhiều hơn bảy lần so với xây các tòa nhà xanh và thậm chí hơn 11 lần so với phát triển ô tô không phát thải.

Nguồn: vneconomy.vn