VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

5 yếu tố cốt lõi để phát triển thương mại điện tử bền vững

07/12/2023 - 126 Lượt xem

Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam liên tục trong 15 năm qua, trung bình đạt 20%/năm và tốc độ tăng trưởng nằm trong nhóm top 10 trên toàn thế giới.... Tuy nhiên, để duy trì điểm sáng này, cần hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý...

Tại “Hội nghị Phát triển thương mại điện tử bền vững” ngày 1/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thời gian qua thương mại điện tử Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc ở mức 16-30%/năm. Dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, thương mại điện tử cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics thương mại điện tử còn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường; niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến,...

Do đó, trong giai đoạn tới, ông Hải cho rằng cần có những giải pháp giúp cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam phát triển bền vững, tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các chủ thể trong hoạt động thương mại điện tử.

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chỉ ra 5 yếu tố để phát triển thương mại điện tử bền vững.

Thứ nhất: Phải duy trì một tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử tích cực, ổn định. Thiếu một trong hai yếu tố tăng trưởng tích cực, hoặc ổn định thì không có sự bền vững trong phát triển thương mại điện tử.

Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam liên tục trong 15 năm qua trung bình đạt 20%/năm và tốc độ tăng trưởng nằm trong nhóm top 10 trên toàn thế giới, bà Oanh cho rằng để duy trì điểm sáng này cần hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, thường xuyên tuyên truyền để đảm bảo tính thực thi pháp luật hiệu quả trong doanh nghiệp và xã hội.

Bên cạnh hành lang pháp lý, các chính sách phát triển cũng cần được xây dựng và triển khai. Các bên liên quan như doanh nghiệp lớn trong ngành, doanh nghiệp hạ tầng cần chung tay với cơ quan quản lý nhà nước, gương mẫu, đi đầu, hỗ trợ cho các doanh nghiệp từng bước ứng dụng thương mại điện tử để giúp cả xã hội đều có thể Go Online, sử dụng lợi thế của thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai: Cân bằng và hài hòa lợi ích các bên liên quan từ doanh nghiệp sản xuất, nền tảng thương mại điện tử, đơn vị dịch vụ chuyển phát, thanh toán, người tiêu dùng… Thu hẹp dần khoảng cách, tiến tới cân bằng sự phát triển thương mại điện tử giữa các vùng miền.

Đồng thời, đảm bảo liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử. Điều này có nghĩa là việc đầu tư, phát triển các hạ tầng hỗ trợ như logistics, hạ tầng công nghệ, cũng như các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho người lao động cần chú trọng phát huy tính liên kết vùng, lợi thế vùng nguyên liệu, nguồn lao động tại khu vực chứ không chỉ mạnh địa phương nào địa phương đó phát triển.

Phát triển chuỗi liên kết và cung ứng trong vùng sẽ tạo ra được sức mạnh tổng thể cho sản phẩm địa phương có đủ sức cạnh tranh khi tham gia vào thị trường thương mại điện tử.

Thứ ba: Phát triển xanh. Thương mại điện tử là lĩnh vực có thể đóng góp nhiều vào việc tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu rác thải độc hại cho môi trường. Với việc tối ưu hoá quy trình kinh doanh, quy trình giao vận, thương mại điện tử sẽ giảm một lượng lớn khí thải phương tiện ra môi trường, đồng thời tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ hao phí.

Cùng với người tiêu dùng, các sàn thương mại điện tử, các nền tảng số có thể khuyến khích các sản phẩm xanh, ưu tiên sử dụng các sản phẩm bảo vệ môi trường bao gồm từ vật chứa cho đến các sản phẩm được mua bán.

Bằng hệ thống công nghệ thông tin, các doanh nghiệp cũng có thể hình thành các quy trình kiểm soát, đánh giá việc thực hiện các quy trình xanh, nâng cao nhận thực của toàn hệ thống về bảo vệ môi trường.

Thứ tư: Phát triển thương mại điện tử bền vững không thể thiếu yếu tố niềm tin.

Trước hết là niềm tin của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào hệ sinh thái thương mại điện tử. Các doanh nghiệp nhỏ cần có niềm tin thị trường để họ có thể sáng tạo mà không bị doanh nghiệp lớn chèn ép, cạnh tranh không lành mạnh

Với người tiêu dùng, họ cần có niềm tin vào chất lượng hàng hóa, tin rằng quyền lợi của họ được bảo vệ khi tham gia mua sắm trên thị trường thương mại điện tử. Trong 10 năm qua, mặc dù thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã phát triển rất nhanh về lượng, nhưng người tiêu dùng vẫn e ngại “chất lượng kém so với quảng cáo”, “không tin tưởng đơn vị bán hàng”, “khó kiểm định chất lượng hàng hoá”.

Để tạo được niềm tin cho doanh nghiệp và người tiêu dùng cần hoàn thiện pháp luật cạnh tranh trên môi trường thương mại điện tử; hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm; xây dựng các quy tắc, chuẩn mực kinh doanh trên môi trường mạng.

Thứ năm: Nguồn nhân lực. Ước tính của Bộ Công Thương, hiện chỉ có 30% nhân lực tại các công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử được đào tạo chính quy. Như vậy, có tới 70% nhân sự thương mại điện tử ở những đơn vị này được tuyển dụng từ những chuyên ngành đào tạo khác như thương mại, kinh doanh, công nghệ thông tin… Đồng nghĩa với nhu cầu về nhân lực thương mại điện tử còn rất lớn, nếu không đảm bảo thì rất khó duy trì sự bền vững của thương mại điện tử.

“Cùng với chủ trương chuyển đối số toàn diện từ Chính phủ, các hạ tầng số có liên quan như dịch vụ logistics thông minh, thanh toán điện tử, hoá đơn điện tử, hợp đồng điện tử, xác thực định danh điện tử đều đang có những bước chuyển mình… đây là thời điểm chín muồi để chúng ta cùng chung tay tiến hành một cuộc chuyển đổi toàn diện cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam”, bà Oanh nhấn mạnh.

Nguồn: vneconomy.vn