Các loại hình doanh nghiệp
Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin trách nhiệm xã hội của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
05/09/2024 - 42 Lượt xem
GIỚI THIỆU
Trong thời gian gần đây, vai trò của TNXH doanh nghiệp đang là vấn đề nổi cộm được cộng đồng quan tâm. Dưới áp lực từ sự phát triển bền vững và các yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt từ phía cộng đồng và các bên liên quan, việc các doanh nghiệp niêm yết tập trung vào TNXH trở thành một phần không thể thiếu của chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, cách mà các doanh nghiệp niêm yết thực hiện TNXH có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ở nước ngoài và trong nước, đã có một số nghiên cứu về CBTT TNXH được thực hiện, tuy nhiên những nhân tố được sử dụng và khai thác đa số là Quy mô doanh nghiệp, Khả năng sinh lời, Đòn bẩy tài chính, còn những nhân tố khác, như: Quy mô hội đồng quản trị, Công ty kiểm toán, Ngành nghề kinh doanh, Tuổi doanh nghiệp… chưa được nghiên cứu nhiều. Với những hạn chế đã có ở các nghiên cứu trước và sự khuyến khích thực hiện nghiên cứu về mức độ CBTT TNXH của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam ở nhiều ngành khác nhau, mục đích của nghiên cứu này là tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ CBTT TNXH của các công ty niêm yết tại Việt Nam.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Trách nhiệm xã hội
Có thể nhận thức rằng cụm từ “TTXH” lần đầu tiên chính thức xuất hiện là trong cuốn sách “TTXH của doanh nhân” (Social Responsibilities of the Businessman) của Bowen (1953) nhắc đến rằng, TTXH là nghĩa vụ nên làm và phải làm của người làm kinh tế kinh doanh trong việc đề xuất và thực hiện các nghị quyết ban hành, chính sách không làm tổn hại đến quyền và lợi ích của người khác, cộng đồng xã hội. Một khái niệm về TTXH đượ Carroll (1979) viết trong nghiên cứu của ông rằng TTXH là bao gồm tất cả các vấn đến liên quan đến kinh tế, pháp luật, đạo đức của một tổ chức mà xã hội kỳ vọng tại mỗi thời điểm nhất định. Khái niệm này ngày càng được sử dụng thường xuyên và rộng rãi trong các nghiên cứu của giới học thuật hiện nay cũng như là những buổi dự thảo về vấn đề TTXH của doanh nghiệp.
Công bố thông tin trách nhiệm xã hội doanh nghiệp
Công bố TTXH doanh nghiệp được hiểu là “quá trình CBTT về tác động của các tổ chức kinh tế lên cộng đồng và môi trường cho những nhóm lợi ích đặc biệt trong xã hội” (Gray và cộng sự, 1995).
Việc CBTT về TNXH ngày nay thường được thực hiện thông qua một loại báo cáo đặc biệt của doanh nghiệp được gọi là "Báo cáo bền vững/Báo cáo phát triển bền vững/Báo cáo TNXH/Báo cáo môi trường”. Trong Thông tư 96/2020/TT-BTC về CBTT trên TTCK, một điểm mới được nhấn mạnh là yêu cầu các doanh nghiệp đại chúng phải CBTT liên quan đến phát triển bền vững. Thông tư này quy định rõ ràng về việc trao đổi thông tin về quản lý nguồn nguyên vật liệu, tiêu thụ năng lượng và nước, nhằm thúc đẩy việc tiết kiệm năng lượng. Cũng trong phạm vi này, các chính sách về phúc lợi và điều kiện làm việc cũng được nêu rõ, nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động, cũng như trách nhiệm đối với cộng đồng địa phương. Điều này được coi là một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong việc xây dựng một thị trường tài chính bền vững. Qua các báo cáo thường niên, các mục tiêu phát triển bền vững, sự tuân thủ pháp luật về bền vững môi trường và cách thức quản lý tác động và rủi ro liên quan đến môi trường và xã hội sẽ được các doanh nghiệp làm rõ, từ đó thể hiện được triển vọng phát triển dài hạn của họ.
Quy mô doanh nghiệp
Quy mô doanh nghiệp là một khái niệm tương đối và phụ thuộc rất nhiều vào lĩnh vực, ngành nghề doanh nghiệp đang hoạt động. Mỗi tập hợp đặc điểm riêng biệt sẽ xác định mỗi phân loại quy mô doanh nghiệp. Quy mô công ty càng lớn sẽ càng nhận được sự chú ý từ công chúng và đặc biệt là sự liên quan tới pháp lý. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn thường có nhiều tác động đến cộng đồng xã hội nên phải đối mặt với các thử thách về việc CBTT TNXH nhiều hơn.
Ngành nghề kinh doanh
Ngành nghề kinh doanh là những ngành nghề được xác định bởi chủ sở hữu từ việc thành lập có mục đích và thực thi chiến lược phát triển doanh nghiệp. Tại Việt Nam, ngành nghề kinh doanh được phân loại đa dạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, thu hút phần lớn sự quan tâm từ cộng đồng, giúp Nhà nước dễ dàng trong quản lý kinh tế - xã hội, đồng thời tạo thành những chuẩn mực riêng cho mỗi loại hình doanh nghiệp. Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gây tác động nhiều đến môi trường thường CBTT TNXH nhiều hơn so với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ít tác động đến môi trường. Điều này phù hợp với lý thuyết tính hợp pháp bởi lẽ khi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có tác động nhiều đến môi trường thì việc công bố càng nhiều thông tin liên quan đến môi trường sẽ đảm bảo yêu cầu của pháp luật.
Quy mô hội đồng quản trị
Quy mô hội đồng quản trị thường được đo lường bằng số lượng thành viên trong hội đồng và đôi khi bằng cách xem xét phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của nó. Quy mô này có thể khác nhau tùy thuộc vào loại tổ chức, kích cỡ và mục tiêu kinh doanh. Đối với những công ty có quy mô hội đồng quản trị càng lớn, thì họ càng có chuyên môn ở nhiều lĩnh vực khác nhau, khi đó sẽ có người thấy được lợi ích đem lại từ việc thực hiện tốt TNXH góp phần tạo nên sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp sẽ tăng cường thực hiện và CBTT TNXH càng nhiều ra công chúng, vì thế Quy mô hội đồng quản trị đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy CBTT TNXH.
Khả năng sinh lời
Khả năng sinh lời là khả năng của doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận để duy trì trong dài hạn và phát triển trong ngắn hạn, đây cũng là chỉ số quan trọng đánh giá mức độ thành công của doanh nghiệp, các nhà đầu tư thường dùng sử dụng như một công cụ để xác định tài chính doanh nghiệp xem có nên đầu tư cổ phiếu vào một doanh nghiệp cụ thể không. Có ý kiến cho rằng khả năng sinh lời có ảnh hưởng cùng chiều đến mức độ CBTT TNXH bởi lẽ khi khả năng sinh lời cao thì người quản lý có điều kiện để thực hiện tốt hơn TNXH. Mục đích của việc CBTT TNXH là cung cấp cho nhà đầu tư một dấu hiệu về năng lực thực hiện TNXH của công ty.
Đòn bẩy tài chính
Đòn bẩy tài chính là một công cụ hỗ trợ và cho phép nhiều nhà đầu tư vay vốn để có thêm nhiều cơ hội đầu tư quý giá với mong muốn và hy vọng lợi nhuận được tối ưu hóa, dự kiến rằng giá trị tài sản sẽ tăng vượt cả chi phí vay, đồng thời đem lại khoản lợi tức cao hơn. Hiện tại, tác động của đòn bẩy tài chính đối với việc CBTT TNXH trong doanh nghiệp còn gây ra nhiều tranh cãi.
Công ty kiểm toán
Công ty kiểm toán là một trong những loại hình công ty có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, với mong muốn có một đơn vị độc lập cung cấp các dịch vụ nhằm minh bạch số liệu, thông tin về tài chính phục vụ cho quyết định của người sử dụng thông tin. Hiện tại, trên thế giới và Việt Nam, những công ty quy mô lớn thường có xu hướng sử dụng dịch kế kiểm từ các doanh nghiệp Kiểm toán uy tín chất lượng hàng đầu. “Big Four” là bốn mạng lưới dịch vụ chuyên nghiệp lớn nhất thế giới: Deloitte, EY, KPMG và PwC, đây là bốn mạng lưới kiểm toán toàn cầu lớn nhất được đo bằng doanh thu. Phần lớn các cuộc kiểm toán của doanh nghiệp CBTT TNXH nhiều cũng như nhiều cuộc kiểm toán của các doanh nghiệp tư nhân được thực hiện bởi bốn mạng lưới này.
Trên cơ sở các nghiên cứu trước, các giả thuyết nghiên cứu được đưa ra như sau:
H1: Quy mô doanh nghiệp ảnh hưởng tích cực đến mức độ CBTT TNXH của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
H2: Quy mô hội đồng quản trị ảnh hưởng tích cực đến mức độ CBTT TNXH của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
H3: Ngành nghề kinh doanh ảnh hưởng tích cực đến mức độ CBTT TNXH của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
H4: Khả năng sinh lời ảnh hưởng tích cực đến mức độ CBTT TNXH của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
H5: Đòn bẩy tài chính ảnh hưởng tiêu cực đến mức độ CBTT TNXH của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
H6: Công ty kiểm toán ảnh hưởng tích cực đến mức độ CBTT TNXH của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Phương pháp nghiên cứu
Đo lường biến phụ thuộc - Mức độ CBTT TNXH
Trong nghiên cứu này, trên cơ sở của Hướng dẫn báo cáo phát triển bền vững của GRI (Global reporting Initiative) và những quy định trong Thông tư số 96/2020/TT-BTC của BTC ban hành Hướng dẫn CBTT trên TTCK, các tác giả xây dựng danh mục thông tin TNXH và thực hiện nghiên cứu, gồm có 17 mục thông tin được chia thành 3 nhóm thông tin chính sau:
i) Thông tin về môi trường: Gồm 11 mục thông tin;
ii) Thông tin về người lao động: Gồm 4 mục thông tin;
iii) Thông tin về trách nhiệm cộng đồng, xã hội: Gồm 2 mục thông tin
Mức độ CBTT TNXH của công ty được thông qua chỉ số sau:
Điểm chỉ báo được tính cụ thể như sau: 0 điểm - Không công bố; 1 điểm - Các chỉ báo được công bố nhưng chưa đầy đủ và không có số liệu (định tính); 2 điểm - Các chỉ báo được công bố có số liệu (định lượng) nhưng có dung lượng ngắn; 3 điểm - Các chỉ báo được công bố đầy đủ nội dung và có số liệu (định lượng).Thông qua cách đo lường trên, điểm tối đa mà doanh nghiệp đạt được trong một năm là 51.
Xây dựng bảng chỉ tiêu được thể hiện ở Bảng 1.
Bảng 1: Danh mục chỉ tiêu CBTT TNXH
Khía cạnh |
Chỉ tiêu |
Thông tin về môi trường |
Tổng phát thải khí nhà kính (GHG) trực tiếp và gián tiếp |
Các sáng kiến và biện pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính |
|
Tổng lượng nguyên vật liệu được sử dụng để sản xuất và đóng gói các sản phẩm và dịch vụ chính của tổ chức trong năm |
|
Báo cáo tỉ lệ phần trăm nguyên vật liệu được tái chế được sử dụng để sản xuất sản phẩm và dịch vụ chính của tổ chức |
|
Năng lượng tiêu thụ trực tiếp và gián tiếp |
|
Năng lượng tiết kiệm được thông qua các sáng kiến sử dụng năng lượng hiệu quả |
|
Các báo cáo sáng kiến tiết kiệm năng lượng (cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng tái tạo); báo cáo kết quả của các sáng kiến này |
|
Nguồn cung cấp nước và lượng nước sử dụng |
|
Tỷ lệ phần trăm và tổng lượng nước tái chế và tái sử dụng |
|
Số lần bị xử phạt vi phạm do không tuân thủ luật pháp và các quy định về môi trường |
|
Tổng số tiền do bị xử phạt vi phạm do không tuân thủ luật pháp và các quy định về môi trường |
|
Thông tin về người lao động |
Số lượng lao động, mức lương trung bình đối với người lao động |
Chính sách lao động nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và phúc lợi của người lao động |
|
Hoạt động đào tạo người lao động - Số giờ đào tạo trung bình mỗi năm, theo nhân viên và theo phân loại nhân viên |
|
Hoạt động đào tạo người lao động- Các chương trình phát triển kỹ năng và học tập liên tục để hỗ trợ người lao động đảm bảo có việc làm và phát triển sự nghiệp |
|
Thông tin về trách nhiệm cộng đồng, xã hội |
Các hoạt động đầu tư cộng đồng và hoạt động phát triển cộng đồng khác, bao gồm hỗ trợ tài chính nhằm phục vụ cộng đồng |
Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các chuẩn mực báo cáo quốc tế trong việc báo cáo Phát triển bền vững |
Nguồn: Thông tư 96/2020/TT-BTC – Hướng dẫn CBTT trên thị trường chứng khoán
Đo lường các biến độc lập
Trên cơ sở các nghiên cứu trước đó, nhóm tác tác giả đề xuất bao gồm 6 biến độc lập: (1) Quy mô doanh nghiệp, (2) Quy mô hội đồng quản trị, (3) Ngành nghề kinh doanh, (4) Khả năng sinh lời, (5) Đòn bẩy tài chính, (6) Công ty kiểm toán (Bảng 2).
Bảng 2: Tổng hợp các biến độc lập
Tên |
Diễn giải |
Cách đo |
Dấu kỳ vọng |
Nguồn |
FIRMSIZE |
Quy mô doanh nghiệp |
Logarit tự nhiên của tổng tài sản |
+ |
Khan và cộng sự (2013) |
BOARDSIZE |
Quy mô hội đồng quản trị |
Tổng số lượng thành viên trong Hội đồng quản trị |
+ |
Ahmed Haji (2013) |
INDUSTRY |
Ngành nghề kinh doanh |
Biến giả: 1 - Doanh nghiệp thuộc nhóm ngành thu hút nhiều sự quan tâm từ cộng đồng (Công nghiệp, Xây dựng, Vận tải, Thương mại, Nông lâm thủy sản, Khai khoáng, Y tế) 0 - Doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành còn lại |
+ |
Hackston và cộng sự (1996) |
ROA |
Khả năng sinh lời |
Tỷ lệ Lợi nhuận chưa thuế trên Tổng tài sản |
+ |
Mahadeo và cộng sự (2011) |
LEV |
Đòn bẩy tài chính |
Tỷ lệ Tổng nợ trên Tổng tài sản |
- |
Appuhami và Tashakor (2017) |
BIG4 |
Công ty Kiểm toán |
Biến giả bằng 0 nếu công ty kiểm toán không nằm trong Big4, bằng 1 nếu nằm trong Big4 |
+ |
Kilic và cộng sự (2015) |
Nguồn: Nhóm nghiên cứu tự phân tích và tổng hợp từ những nghiên cứu trước đây
Mô hình nghiên cứu đề xuất
Từ các giả thuyết và mô hình nghiên cứu sơ bộ được trình bày ở trên, các tác giả đưa ra mô hình chi tiết như sau:
CSRDI = β0 + β1FIRMSIZE + β2BOARDSIZE + β3INDUSTRY + β4ROA + β5LEV + β6BIG4 + εi
Phương pháp nghiên cứu
Nguồn dữ liệu được lấy từ báo cáo thường niên, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và báo cáo phát triển bền vững của 62 doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán HNX từ năm 2018 đến năm 2023. Nhóm tác giả sử dụng phần mềm STATA 18 để phân tích thống kê mô tả, phân tích hệ số tương quan và phân tích hồi quy (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Thống kê mô tả
Kết quả thống kê mô tả cho thấy, mức độ CBTT TNXH của các doanh nghiệp trung bình đạt 0.7636 điểm với giá trị tối thiểu là 0 và tối đa là 1.53 điểm. Điều này cho thấy các doanh nghiệp tuy rằng đã quan tâm hơn đến trách nhiệm công bố thông tin nhưng thực tế mức độ công bố thông tin chưa cao. Trung bình, các doanh nghiệp đã công bố thông tin về TNXH nhưng chưa đầy đủ và không có số liệu (định tính). Quy mô hội đồng quản trị của các doanh nghiệp được nghiên cứu đạt giá trị trung bình 5.7688, cho thấy tổng số lượng thành viên trong HĐQT trung bình là trên 5 thành viên. Phân tích ngành nghề kinh doanh cho thấy 96.77% số doanh nghiệp được nghiên cứu thuộc nhóm ngành thu hút nhiều sự quan tâm từ cộng đồng (Công nghiệp, Xây dựng, Vận tải, Thương mại, Nông lâm thủy sản, Khai khoáng, Y tế). Ngoài ra, 43.28% doanh nghiệp được kiểm toán bởi một công ty Big4. Bên cạnh đó, giá trị trung bình của khả năng sinh lời ROA và đòn bẩy tài chính LEV lần lượt là 14.38% và 44.39%.
Bảng 3: Phân tích thống kê mô tả
Variable |
Obs |
Mean |
Std. dev. |
Min |
Max |
CSRDI |
372 |
0.7636 |
0.3184 |
0.00 |
1.53 |
FIRMSIZE |
372 |
12.1606 |
0.6047 |
9.91 |
13.54 |
BOARDSIZE |
372 |
5.7688 |
1.3599 |
3.00 |
9.00 |
INDUSTRY |
372 |
0.9677 |
0.1769 |
0.00 |
1.00 |
ROA |
372 |
0.1438 |
0.6615 |
-0.26 |
12.74 |
LEV |
372 |
0.4439 |
0.5425 |
0.04 |
10.13 |
BIG4 |
372 |
0.4328 |
0.4961 |
0.00 |
1.00 |
Nguồn: Nhóm nghiên cứu tổng hợp và phân tích từ phần mềm Stata 18
Phân tích tương quan Pearson
Bảng 4: Kết quả hệ số tương quan
Variables |
CSRDI |
FIRMSIZE |
BOARDSIZE |
INDUSTRY |
ROA |
LEV |
BIG4 |
CSRDI |
1 |
||||||
FIRMSIZE |
-0.039 |
1 |
|||||
BOARDSIZE |
0.149*** |
0.139*** |
1 |
||||
INDUSTRY |
0.202*** |
-0.207*** |
-0.031 |
1 |
|||
ROA |
-0.106** |
-0.206*** |
0.022 |
0.011 |
1 |
||
LEV |
-0.174*** |
-0.064 |
0.047 |
-0.002 |
0.898*** |
1 |
|
BIG4 |
0.049 |
0.379*** |
-0.111** |
-0.025 |
-0.045 |
-0.048 |
1 |
* p<0.1, ** p<0.05, *** p<0.01 |
Nguồn: Nhóm nghiên cứu tổng hợp và phân tích từ phần mềm Stata 18
Bảng 4 cho thấy có mối tương quan giữa biến phụ thuộc CSRDI và 4 biến độc lập bao gồm BOARDSIZE, INDUSTRY, ROA và LEV. Tuy nhiên, hệ số Sig. giữa biến phụ thuộc và biến độc lập FIRMSIZE và BIG4 đều lớn hơn 0.1, không có ý nghĩa thống kê hay không có mối tương quan; vì vậy, 2 biến độc lập này bị loại khỏi mô hình.
Kết quả hồi quy
Kết quả hồi quy (Bảng 5) cho thấy giá trị R – squared thể hiện mức độ phù hợp của mô hình nghiên cứu, giải thích nhân tố phụ thuộc đạt 11.14% trong nghiên cứu. Kết quả có Prob > F = 0.0000 < 5%: Kết quả mô hình có thể suy rộng cho tổng thể mẫu, đồng nghĩa với việc số liệu mẫu khảo sát mang tính đại diện cho tổng thể mẫu. Kiểm định F với giá trị sig < 5%, có nghĩa rằng mô hình có ý nghĩa thống kê.
Hệ số Sig. (P-value, P>/t/) của các nhân tố độc lập BOARDSIZE, INDUSTRY, ROA, LEV đều nhỏ hơn 5%, có thể kết luận các biến độc lập trên có mối quan hệ với biến phụ thuộc CSRDI và ngược lại. Với hệ số góc Coef., có hương trình hồi quy và đánh giá mức độ tác động như sau:
CSRDI = 0.272 + 0.040*BOARDSIZE + 0.366*INDUSTRY + 0.128*ROA – 0.247*LEV + εi
Biến độc lập INDUSTRY tác động mạnh nhất đến biến phụ thuộc CSRDI vì hệ số hồi quy là cao nhất (0.366) và theo chiều hướng dương (tức là khi biến độc lập INDUSTRY tăng 1 đơn vị thì biến phụ thuộc CSRDI tăng 0.366 đơn vị). Theo sau đó là các biến độc lập ROA; BOARDSIZE với hệ số hồi quy lần lượt là 0.128 và 0.040 và theo chiều hướng dương (tức là khi biến độc lập ROA và BOARDSIZE tăng 1 đơn vị thì biến phụ thuộc CSRDI tăng lần lượt 0.128 và 0.040 đơn vị). Biến độc lập LEV có tác động nghịch chiều đến biến phụ thuộc CSRDI với hệ số hồi quy -0.247 (tức là khi biến độc lập LEV tăng 1 đơn vị thì biến phụ thuộc CSRDI giảm 0.247 đơn vị).
Bảng 5: Kết quả hồi quy
Nguồn: Nhóm nghiên cứu tổng hợp và phân tích từ phần mềm Stata 18
Kết quả kiểm định các khuyết tật
Kết quả kiểm định các khuyết tật của mô hình cho thấy, mô hình hồi quy có hiện tượng tự tương quan và phương sai sai số thay đổi. Để khắc phục các khuyết tật này, các tác giả đã sử dụng mô hình FGLS.
Bảng 6: Kết quả mô hình FGLS
Nguồn: Nhóm nghiên cứu tổng hợp và phân tích từ phần mềm Stata 18
Kết quả (Bảng 6) cho thấy, hệ số p-value của các nhân tố độc lập BOARDSIZE, INDUSTRY, ROA, LEV đều < 1%, có thể kết luận các biến độc lập trên có mối quan hệ với biến phụ thuộc CSRDI và ngược lại. Tổng cộng 4 biến BOARDSIZE, INDUSTRY, ROA, LEV có ý nghĩa thống kê. Với hệ số Coef., có phương trình hồi quy và đánh giá mức độ tác động như sau:
CSRDI = 0.259 + 0.031*BOARDSIZE + 0.418*INDUSTRY + 0.095*ROA – 0.212*LEV + εi
Biến độc lập INDUSTRY tác động mạnh nhất đến biến phụ thuộc CSRDI vì hệ số hồi quy là cao nhất (0.418) và theo chiều hướng dương (tức là khi biến độc lập INDUSTRY tăng 1 đơn vị, thì biến phụ thuộc CSRDI tăng 0.418 đơn vị).
Biến độc lập ROA và BOARDSIZE với hệ số hồi quy lần lượt là 0.095 và 0.031 theo chiều hướng dương (tức là khi biến độc lập ROA và BOARDSIZE tăng 1 đơn vị, thì biến phụ thuộc CSRDI tăng lần lượt 0.095 và 0.031 đơn vị). Biến độc lập LEV có tác động nghịch chiều đến biến phụ thuộc CSRDI, với hệ số hồi quy (-0.212) (tức là khi biến độc lập LEV tăng 1 đơn vị, thì biến phụ thuộc CSRDI giảm 0.212 đơn vị).
KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý QUẢN TRỊ
Kết luận
Nghiên cứu đã chỉ ra có tổng số 4/6 biến độc lập ảnh hưởng đến biến phụ thuộc mức độ CBTT TNXH của các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam, trong đó 3/6 biến độc lập ảnh hưởng tích cực (Quy mô HĐQT, Ngành nghề kinh doanh, Khả năng sinh lời) và 1/6 biến độc lập ảnh hưởng tiêu cực (Đòn bẩy tài chính) đến mức độ CBTT TNXH. Trong đó, biến Ngành nghề kinh doanh có mức độ ảnh hưởng cao nhất, sau đó là các biến Khả năng sinh lời và Quy mô Hội đồng quản trị, cuối cùng là biến Đòn bẩy tài chính.
Hàm ý quản trị
Đối với các công ty niêm yết, bài nghiên cứu sẽ giúp các công ty nhìn nhận về TTXH cũng như vận dụng mối quan hệ giữa các nhân tố và mức độ CBTT TTXH phù hợp để phát triển doanh nghiệp một cách bền vững và tự nguyện công bố các hoạt động TTXH. Kết quả cho thấy quy mô HĐQT càng lớn thì mức độ CBTT TNXH càng nhiều; vì vậy, để cải thiện mức độ CBTT TNXH, các doanh nghiệp niêm yết nên mở rộng quy mô HĐQT. Bộ nguyên tắc Quản trị công ty theo Thông lệ tốt nhất của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (2019) cũng cho rằng, HĐQT nên là số lẻ và có tối thiểu năm thành viên. Số lượng này có thể khác nhau tuỳ thuộc vào ngành hoạt động, quy mô, mức độ phức tạp của công ty, cũng như chu kỳ hoạt động của công ty, và những ủy ban nào cần được thành lập. Ngoài ra, cải thiện khả năng sinh lời có thể giúp tăng cường CBTT TNXH. Ví dụ cụ thể như tiết kiệm chi phí từ việc cung ứng các kỹ thuật giảm thiểu khí thải sẽ giúp doanh nghiệp có được giá cả cạnh tranh hơn; từ đó, khả năng sinh lời được cải thiện.
Đối với các cơ quan chính sách, kết quả nghiên cứu cho thấy thực trạng CBTT TNXH của các công ty niêm yết còn rất thấp. Một trong những nội dung cơ bản nhằm hướng doanh nghiệp CBTT TNXH là phải có danh mục thông tin cụ thể và hướng dẫn thực hiện chi tiết yêu cầu công bố đối với từng chỉ tiêu. Ngoài ra, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần có sự gắn kết giữa việc ban hành quy định và thực hiện quy định, đặc biệt là tăng cường kiểm tra giám sát đối với các công ty có tác động ảnh hưởng đến môi trường. Khi có sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng buộc các doanh nghiệp phải CBTT TNXH mặc dù không muốn, đặc biệt là các thông tin liên quan đến môi trường./.
Tài liệu tham khảo
-
Ahmed Haji, A. (2013), Corporate social responsibility disclosures over time: evidence from Malaysia, Managerial auditing journal, 28(7), 647-676.
-
Appuhami, R., Tashakor, S. (2017), The impact of audit committee characteristics on CSR disclosure: An analysis of Australian firms, Australian Accounting Review, 27(4), 400-420.
-
Bowen, H. R. (2013), Social responsibilities of the businessman, University of Iowa Press.
-
Bộ Tài chính (2020), Thông tư 96/2020/TT-BTC hướng dẫn về CBTT trên thị trường chứng khoán.
-
Gray, R., Kouhy, R., Lavers, S. (1995), Corporate social and environmental reporting: a review of the literature and a longitudinal study of UK disclosure, Accounting, auditing & accountability journal, 8(2), 47-77.
-
Hackston, D., Milne, M.J (1996), Some determinants of social and environmental disclosures in New Zealand companies, Account. Audit. Account. J., 9, pp. 77–108.
-
Khan, A., Muttakin, M. B., Siddiqui, J. (2013), Corporate governance and corporate social responsibility disclosures: Evidence from an emerging economy, Journal of business ethics, 114, 207-223.
-
Kiliç, M., Kuzey, C., Uyar, A. (2015), The impact of ownership and board structure on Corporate Social Responsibility (CSR) reporting in the Turkish banking industry, Corporate Governance, 15(3), 357-374.
-
Mahadeo, J. D., Oogarah-Hanuman, V., Soobaroyen, T. (2011), A longitudinal study of corporate social disclosures in a developing economy, Journal of Business Ethics, 104, 545-558.
-
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Công ty Tài chính Quốc tế (2013), Sổ tay Báo cáo Phát triển Bền vững dành cho các công ty Việt Nam.
Ngày nhận bài: 23/8/2024; Ngày phản biện: 28/8/2024; Ngày duyệt đăng: 04/9/2024 |