Hội nhập kinh tế quốc tế
'Sai lầm' kinh tế Đức kéo châu Âu đi xuống
18/09/2024 - 127 Lượt xem
Quan điểm không tăng nợ công để kích thích kinh tế của Đức được một số chuyên gia cho là sai lầm và kéo theo cả châu Âu đi xuống.
Sau quý I giảm 0,1%, kinh tế Đức quý II không tăng trưởng so với cùng kỳ 2023, theo Văn phòng thống kê liên bang nước này. Tính trong 8 quý gần nhất, kinh tế Đức tăng trưởng âm 3 quý, mức giảm mạnh nhất là 0,3% vào quý III/2023, tích cực nhất là tăng 1,7% hồi quý III/2022.
Theo Le Monde, kinh tế Đức đang trì trệ, với mô hình suy yếu về mặt cấu trúc nhưng có tài chính công lành mạnh. Thâm hụt ngân sách của họ dự kiến chỉ 1,9% và nợ công là 63% GDP năm nay. Đây là điều kiện thuận lợi để tăng chi tiêu công nhằm kích thích kinh tế.
Tuy nhiên, về mặt chính trị, điều này là không thể. Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner từ chối nới lỏng hầu bao. Ông có hiến pháp để làm căn cứ cho quan điểm của mình. Năm 2009, Đức đưa vào hiến pháp quy định thâm hụt ngân sách tối đa là 0,35% GDP, trừ trường hợp suy thoái.
"Đây là một sai lầm lịch sử", Isabella Weber, nhà kinh tế tại Đại học Massachusetts, cho biết. Theo ông, lập trường tài chính của Đức là lý do quan trọng khiến đất nước phục hồi kém sau đại dịch. Kể từ quý IV/2019 đến nay, tăng trưởng của Đức chỉ 0,3%, kém xa Pháp (3,8%) và Mỹ (9,4%).
Việc không có kế hoạch kích thích kinh tế càng gây thiệt hại vì cuộc khủng hoảng kinh tế của Đức không phải là tạm thời. "Tất nhiên, một số yếu tố chỉ là tạm thời, nhưng tăng trưởng đã đi ngang kể từ năm 2018, tăng trưởng năng suất kém, dân số giảm và có tình trạng đầu tư không đủ lớn vào các khu vực tư lẫn công", Nils Redeker, Phó giám đốc Trung tâm Jacques-Delors, tổ chức nghiên cứu trụ sở tại Berlin nhận định.
Thêm vào đó là các ngành công nghiệp chính hoạt động kém, đặc biệt là sản xuất ôtô đang vật lộn với quá trình chuyển đổi khó khăn sang xe điện. Đáng ngại hơn, "sai lầm" kinh tế này đang kéo cả châu Âu xuống cùng, theo các chuyên gia.
"Đức là cơ sở công nghiệp của châu Âu", Redeker nói. Đầu tàu kinh tế suy yếu thì toàn bộ lục địa già sẽ phải gánh chịu hậu quả. Vào quý II, tăng trưởng eurozone và cả châu Âu đều 0,2% so với quý I, yếu hơn ước tính trước đó của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat).
Hơn nữa, thặng dư thương mại của Đức không phải là dấu hiệu của khả năng cạnh tranh mà do suy giảm trong nhập khẩu của nước này. "Khi Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu mà vẫn duy trì chính sách thắt lưng buộc bụng thì cũng gây hại cho phần còn lại của EU do thiếu cầu", Isabella Weber cho biết.
Mọi người đi bộ tại phố mua sắm Kurfuerstendamm ở Berlin ngày 18/12/2023. Ảnh: Reuters
Berlin cũng đang cản trở tiến trình đề xuất tăng chi tiêu trong EU. Trong đại dịch, Thủ tướng Đức khi ấy là Angela Merkel đã phê duyệt khoản vay chung của châu Âu trị giá 750 tỷ euro. Đây là lần đầu tiên và thể hiện bước đi thiết yếu trong việc điều chỉnh ngân sách của các quốc gia eurozone. Tuy nhiên, điều hiếm hoi này được diễn ra vì bà Merkel trong nhiệm kỳ cuối và đại dịch là một tình huống đặc biệt. Ngày nay, liên minh cầm quyền tại Đức không nghĩ đến những ý tưởng tương tự.
Trong nội bộ, để có thể tăng chi tiêu mà không vi hiến, chính phủ Đức cố gắng lách luật bằng cách tạo ra các quỹ riêng, đặc biệt là cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Nhưng kế hoạch của họ bất thành. Tòa án hiến pháp Đức đã chặn cách tiếp cận này vào tháng 11/2023.
Đến giữa tháng trước, Chính phủ liên minh của Đức mới đạt được thỏa thuận về giảm mục tiêu thâm hụt ngân sách năm 2025, từ 17 tỷ euro xuống còn 12 tỷ euro. Thỏa thuận này nhằm cứu vãn kế hoạch chi tiêu sau khi các đề xuất trước đó không thành công.
Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner thậm chí còn mong muốn giảm thâm hụt xuống 9 tỷ euro. Ông nhấn mạnh rằng tất cả biện pháp đã đưa ra đều phù hợp với hiến pháp và "cơ chế hạn chế nợ" vẫn được tôn trọng. Ông còn kỳ vọng mức thâm hụt ngân sách có thể được thu hẹp thêm trước tháng 11.
Các cuộc bầu cử lập pháp sẽ được tổ chức tại Đức trong năm tới. Chuyên gia Redeker tin rằng vấn đề ngân sách sẽ là một trong những cuộc tranh luận chính của chiến dịch. "Có sự đồng thuận lớn giữa các nhà kinh tế rằng phanh nợ không có ý nghĩa gì", ông nhắc lại quan điểm.
Trước tình hình bế tắc chi tiêu công, cần hai phần ba nghị sĩ quốc hội đồng ý để xóa bỏ quy định trần nợ công trong hiến pháp. Tuy nhiên, kịch bản này cũng không khả thi trong tình hình các lực lượng chính trị hiện tại.
Trong khi đó, "sai lầm" vẫn tiếp diễn. Theo Viện nghiên cứu kinh tế thế giới Kiel, GDP của Đức dự kiến giảm 0,1% vào năm 2024, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp sụt giảm.
Phiên An (theo Le Monde, Reuters, Eurostat)
Nguồn: https://vnexpress.net/sai-lam-kinh-te-duc-keo-chau-au-di-xuong-4793981.html