VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Cách mạng công nghiệp 4.0

Quá trình ứng dụng chuyển đổi số đối với doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam - Cơ hội và thách thức

04/09/2024 - 116 Lượt xem

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo động lực cho việc ứng dụng chuyển đổi số của doanh nghiệp ngày càng phát triển, nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. Bản chất của chuyển đổi số là tích hợp của số hoá, siêu kết nối và dữ liệu lớn (big data); chuyển đổi số hiện nay đã xuất hiện trong tất cả các lĩnh vực và ngành kinh tế; từ vĩ mô đến vi mô; từ sản xuất đến phân phối; từ công nghiệp, nông nghiệp, đặc biệt đối với lĩnh vực bán lẻ. Tại thị trường Việt Nam, ngành bán lẻ có sự phát triển ấn tượng trong những năm gần đây do chính phủ, doanh nghiệp đang rất quan tâm đến ứng dụng chuyển đổi số để thay đổi mô hình kinh doanh, hướng đến nhu cầu thị trường trong điều kiện mới và những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, ngành bán lẻ Việt Nam hiện nay có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% vào GDP của cả nước, được đánh giá là một trong số ngành quan trọng nhất trong hoạt động phát triển kinh tế của cả nước. Bên cạnh đó, Chính phủ đang rất quan tâm đến việc ứng dụng chuyển đổi số với ba trụ cột là: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Theo đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp như các chính sách về chi ngân sách nhà nước, thuế, tín dụng, cải thiện môi trường… Những yếu tố trên cho thấy tiềm năng ứng dụng chuyển đổi số của doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam là rất lớn.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế tại thị trường Việt Nam hiện nay, mức độ nhận biết và đón nhận thương mại điện tử chủ yếu được ghi nhận đông đảo nhất ở nhóm người tiêu dùng trẻ độ tuổi từ 18-23, còn lại vẫn tập trung ở mô hình thị trường truyền thống. Ghi nhận sự phát triển ổn định của mô hình bán lẻ truyền thống như: Chợ, cửa hàng tạp hoá và hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi… vẫn đã và đang không ngừng mở rộng quy mô và có sự tham gia của các chuỗi bán lẻ nước ngoài, tạo ra sức cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước, hình thành môi trường bán lẻ sôi động, giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Bài nghiên cứu tập trung phân tích thực trạng, xác định cơ hội và thách thức và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động ứng dụng chuyển đổi số của doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam hiện nay.

1. THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP BÁN LẺ TẠI VIỆT NAM

Trên thực tế, việc áp dụng chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp thực hiện kinh doanh truyền thống hiệu quả rõ rệt. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2016 doanh thu trực tuyến giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) đạt khoảng 5 tỷ USD, đến năm 2020 đạt 11,8 tỷ USD và đạt 13,7 tỷ USD vào năm 2021, chiếm 6% doanh thu bán lẻ của cả nước. Cũng theo khảo sát, doanh nghiệp đã triển khai đa dạng các kênh bán hàng trực tuyến như website của doanh nghiệp, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok…), sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Ebay, Tiki..), thiết bị di động. Cũng theo thống kê của Bộ Công Thương, tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử bán hàng và trên các website ở nước ta hằng năm đạt trên 30% với quy mô 10 tỷ USD, tương đương 4,6 GDP và dự báo đến năm 2025 tăng trưởng gấp 4 lần, đạt 35 tỷ USD, tương đương 10% GDP.

Theo báo cáo thường niên Chuyển đổi số năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có khoảng 870 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 97% doanh nghiệp ở quy mô nhỏ và vừa. Theo đó, xét về nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp theo nghiệp vụ thì chuyển đổi số trải nghiệm khách hàng và bán hàng đa kênh chiếm tỷ lệ cao nhất, với 43,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát. Đây là một nhu cầu tất yếu, xét trong điều kiện sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, bán hàng đa kênh sẽ giúp doanh nghiệp có thể tối ưu hoá hoạt động kinh doanh, đồng thời khi áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực bán lẻ cũng giúp doanh nghiệp và khách hàng tương tác tốt hơn, giúp nhà sản xuất và người tiêu dùng tiếp cận một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất và tiết kiệm chi phí nhất.

Hình 1: Đánh giá hiệu quả hoạt động bán lẻ qua hình thức trực tuyến

qua-trinh2c.jpg

Hình 1 cho thấy, mạng xã hội được đánh giá là kênh đem lại hiệu quả cao nhất cho hoạt động bán lẻ, thông qua kênh trực tuyến là mạng xã hội với 37% đánh giá của doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2016-2021, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội để kinh doanh đã tăng từ 34 lên 41%. Tiếp theo là website và ứng dụng di động, với đánh giá lần lượt là 23 và 22%. Con số này được rút ra dựa trên khảo sát thực tiễn hiện nay 72% dân số sử dụng điện thoại thông minh, 68% người tiêu dùng giải trí thông qua phần mềm trực tuyến, 70% thuê bao sử dụng mạng di động (4G, 5G).

Một trong những vấn đề quan trọng được đặt ra với doanh nghiệp hiện nay khi ứng dụng chuyển đổi số để đạt kết quả cao và lâu dài khi Chính phủ tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do với các nước đối tác đó là kết hợp chuẩn hoá quy trình sản xuất, quy trình doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ nhằm tái cấu trúc hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp trên thị trường. Ví dụ điển hình cho sự thành công của doanh nghiệp bán lẻ Việt trong việc tích hợp chuyển đổi số đó là hệ sinh thái “Point of life” của Masan – tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Khởi đầu là doanh nghiệp chuyên sản xuất nước tương, nước mắm tại Việt Nam và chiếm khoảng 70% thị phần còn dư địa để tăng trưởng vào năm 2019, đến nay, tầm nhìn chiến lược với lộ trình 10 năm được đánh dấu bằng thương vụ sát nhập VinCommerce (nay là WinCommerce), thành lập The CrownX và chuyển hoá thành nền tảng “Point of life” và đã đạt kết quả kinh doanh tích cực. Trong các giao dịch gần đây của Masan, thương vụ nhóm nhà đầu tư dẫn đầu bởi Alibaba, Baring Private Equity Asia đầu tư 400 triệu USD vào The CrownX đã được giới phân tích ghi nhận là một đòn bẩy lớn đến cả ngành tiêu dùng – bán lẻ của Việt Nam tăng tốc, đây cũng là chương đầu tiên trong hành trình “Point of Life” mà Masan xây dựng. Cụ thể, ngay từ bước đầu tiên trong quá trình tái cấu trúc hoạt động bán lẻ, Masan cho đóng cửa hơn 700 điểm kinh doanh không hiệu quả, tái cấu trúc chuỗi cung ứng, tinh gọn danh mục hàng hoá, đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên lợi ích của doanh nghiệp. Kết quả bước đầu ghi nhận, việc triển khai đồng bộ, nhất quán và xuyên suốt tái thiết toàn bộ hệ thống chuỗi bán lẻ, chỉ sau một năm, WinCommerce đã đạt EBIDTA hoà vốn trong quý IV/2020 và đạt 5,5% tăng trưởng vào quý III/2021. Việc nhanh chóng biến các điểm mua sắm truyền thống thành điểm đến đa tiện ích, xuyên suốt từ trực tiếp đến trực tuyến đã mang lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp với 1.100 tỷ đồng trong năm 2021 so với mức lỗ 1.234 tỷ đồng của năm 2020.

Có thể thấy, trong những năm gần đây, ngành bán lẻ của Việt Nam đã có những chuyển biến rõ rệt về quy mô, tổ chức và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó nổi bật nhất là quá trình ứng dụng chuyển đổi số của doanh nghiệp. Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này, hàng loạt các chủ trương, chính sách, khuôn khổ pháp lý có sự điều chỉnh nhất định với bộ luật, quy tắc, thông tư nghị định của Chính phủ đã được đặt ra nhằm phát triển chuyển đổi số trong nước. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong ngành bán lẻ tại Việt Nam không chỉ có cơ hội mà còn chứa đựng nhiều thách thức khiến cho doanh nghiệp, Chính phủ và người tiêu dùng bắt buộc phải đổi mới để thích nghi.

2. CƠ HỘI TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA DOANH NGHIỆP BÁN LẺ TẠI VIỆT NAM

Được ghi nhận là một thị trường sôi động với nhu cầu mua sắm bán lẻ rất cao, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên, riêng đối với ngành bán lẻ vẫn ghi nhận có sự tăng trưởng. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thị trường bán lẻ của Việt Nam hiện nay liên tục được mở rộng, nằm trong top 3 nước ASEAN (gồm Thái Lan, Indonesia và Việt Nam) về quy mô bán lẻ và thương mại điện tử. Để tiếp tục nắm giữ vị thế này, ngành bán lẻ của Việt Nam cần nắm vững những cơ hội của mình trên thị trường.

Một là, nhận thức rõ về chủ trương cụ thể của Đảng, Chính phủ về cuộc cách mạng 4.0 và chuyển đổi số được nêu rõ tại Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng CNTT, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, tháng 1/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế mới cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp. Cụ thể, dự án USAID LinkSME và Bộ Kế hoạch Đầu tư đã hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu cho 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm cải thiện chiến lược kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất bằng cách áp dụng quá trình chuyển đổi số, các giải pháp truy xuất nguồn gốc xuất xứ và thương mại điện tử. Bên cạnh việc hỗ trợ cho doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số, Chính phủ đề ra chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực vươn ra toàn cầu. Theo chương trình, mục tiêu đến năm 2030, dịch vụ công trực tuyến được cung cấp 100% trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động với 100% hồ sơ công việc tại cấp bộ, 90% hồ sơ công việc cấp huyện và 70% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng, hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm, giảm 30% thủ tục hành chính, mở dữ liệu cho tổ chức, doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiến hành thực hiện thủ tục nhanh chóng, dễ dàng, tiết kiệm.

Hai là, sự quan tâm và niềm tin của người tiêu dùng vào mua bán trực tuyến. Bán lẻ - lĩnh vực phụ thuộc chính vào thói quen và sức mua của người tiêu dùng, có sự biến đổi liên tục trong thời gian gần đây do chịu tác động bởi nhiều yếu tố như thiên tai, dịch bệnh và trải nghiệm mới so với hoạt động mua – bán truyền thống. Cơ cấu dân số trẻ, cũng là tập khách hàng lý tưởng được hướng đến trong quá trình chuyển đổi số trong ngành bán lẻ, bởi sự nhanh nhạy và có khả năng học hỏi công nghệ tốt, sẵn sàng thay đổi trải nghiệm mua sắm. Họ dễ bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội, video ngắn, chương trình phát trực tiếp (livestream bán hàng); thói quen chia sẻ sản phẩm để đạt được các giao dịch với mức giá hấp dẫn thông qua mua chung. Dân số Việt Nam với gần 100 triệu người với 72% dân số sử dụng điện thoại thông minh, 68% người dân giải trí thông qua phần mềm trực tuyến, 70% thuê bao di động sử dụng mạng Internet (3G hoặc 4G). Theo thống kê của tập đoàn Miniwatts Marketing, Việt Nam hiện xếp thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng mạng Internet đông nhất thế giới. Đặc biệt, khi áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động bán lẻ, điều mà người tiêu dùng hướng đến hiện nay không chỉ dừng lại ở vấn đề “mua – bán” đơn thuần mà hơn thế là trải nghiệm về công nghệ mới mà họ đòi hỏi ở nhà cung cấp dịch vụ. Vấn đề đặt ra với doanh nghiệp hiện nay không còn là cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, mà cạnh tranh về chất lượng trải nghiệm mua sắm của khách hàng.

Ba là, hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng được quan tâm và phát triển. Hiện nay, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động kinh doanh đã không còn quá xa lạ đối với nhiều doanh nghiệp bán lẻ, có thể kể tới một số ứng dụng như Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) – trí tuệ nhân tạo con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hoá các hành vi thông minh như con người, AI đã nâng cao trải nghiệm của khách hàng của nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ. Ứng dụng công nghệ internet vạn vật (IoT) – kết nối thiết bị kỹ thuật số với con người nhằm nhận diện khuôn mặt, xây dựng giỏ mua sắm, quản lý hàng hoá tại chuỗi bán lẻ thông qua quét mã QR… Ngoài ra, xu hướng mua sắm và thanh toán “không chạm” với số lượng các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thanh toán điện tử tăng mạnh trong thời gian gần đây cùng sự “cơi nới” của môi trường pháp lý báo hiệu tiềm năng của hoạt động này.

3. THÁCH THỨC TRONG QUÁ TRÌNH ỨNG DỤNG CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA DOANH NGHIỆP BÁN LẺ TẠI VIỆT NAM

Bên cạnh những cơ hội, các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ hiện nay vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi số, cụ thể:

Một là, chính sách nhà nước và nguồn lực tài chính chưa đáp ứng kịp thời cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp bán lẻ. Mặc dù Chính phủ đưa ra rất nhiều chính sách thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp, tuy nhiên mặt trái là tạo ra sự chồng chéo, phức tạp giữa quy định; khâu vận hành và thực hiện nhiệm vụ Chính phủ số còn dàn trải, cồng kềnh khiến công tác phối hợp và triển khai chính sách còn gặp hạn chế. Mặt khác, sự phát triển như vũ bão của công nghệ hiện nay khiến cho quy định hiện hành không bắt kịp sự thay đổi của nền kinh tế nói chung và ứng dụng chuyển đổi số nói riêng. Bên cạnh đó, các dự án chuyển đổi số có thể tốn rất nhiều kinh phí đầu tư, trong khi tiềm lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế. Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong năm 2021 cho thấy, có đến 55,6% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng chi phí ứng dụng công nghệ là hạn chế lớn nhất, bao gồm chi phí đầu tư cho hệ thống công nghệ, đào tạo nhân lực, chi phí giám sát an ninh mạng nhằm bảo mật thông tin cho doanh nghiệp…

Hai là, hạn chế về năng lực và nhân lực của doanh nghiệp khi chưa đáp ứng đúng và đủ trong việc khai thác công nghệ phục vụ cho quá trình chuyển đổi số. Không chỉ dừng lại ở việc đổi ngôi từ thương mại truyền thống sang thương mại điện tử, việc “chuyển đổi” là một bước tiến lớn của doanh nghiệp khi đưa các thông tin, quy trình, công việc, dữ liệu của mình lên “môi trường số”. Đây là một quy trình lâu dài, tốn kém và phức tạp, đặc biệt với các doanh nghiệp đã vận hành theo phương thức truyền thống trong thời gian dài. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Công Thương khi tiến hành khảo sát các doanh nghiệp cho thấy, gần 70% lãnh đạo doanh nghiệp nhận thấy tổ chức bộ máy nhân sự còn thiếu kỹ năng kỹ thuật số cần thiết; 30% doanh nghiệp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có kỹ năng về công nghệ thông tin; 60% doanh nghiệp đối mặt với khó khăn về vốn đầu tư; 52,3% doanh nghiệp gặp khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh...

Ba là, quá trình chuyển đổi không đồng bộ của doanh nghiệp bán lẻ dẫn đến hiệu quả chuyển đổi số không đạt kết quả tối đa. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều công cụ, phần mềm kỹ thuật hiện đại hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ, tuy nhiên do hạn chế về nhân lực và tiềm lực kinh tế, doanh nghiệp bán lẻ gặp hạn chế trong việc khai thác tiềm năng công nghệ hiện đại trong quá trình vận hành. Trường hợp không nắm vững kỹ thuật, không sử dụng hoặc sử dụng tràn lan sẽ dễ dẫn đến nhiều chuỗi bán lẻ chưa thực sự tiến hành chuyển đổi số đồng bộ. Điều này khiến hiệu quả bán lẻ thấp, nhiều khâu hoạt động vẫn hoạt động thủ công gây lãng phí về nguồn vốn, lộ lọt thông tin, lao động trì trệ, quản lý rắc rối.

Bốn là, trở ngại trong quá trình thay đổi tập quán, thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Sai lầm thường thấy của doanh nghiệp đó là tập trung đầu tư vào quá trình chuyển đổi số, thay đổi hình thức bán hàng mà không tìm hiểu rõ nhu cầu của người mua hàng. Quá trình chuyển đổi số được hình thành và phát triển đồng bộ với nhu cầu của khách hàng, nếu doanh nghiệp không thể mang lại cho khách hàng những sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, trải nghiệm theo yêu cầu, mọi chiến lược chuyển đổi số của doanh nghiệp đều được coi là thất bại. Trong giai đoạn chuyển đổi số, sự thay đổi về thói quen, tập quán trong hoạt động mua sắm của người tiêu dùng là nút thắt quan trọng mà doanh nghiệp cần nghiên cứu tháo gỡ. Khó khăn của doanh nghiệp là ứng dụng quá trình chuyển đổi số để thoả mãn nhu cầu của khách hàng một cách tối đa, thay đổi toàn diện bức tranh của ngành bán lẻ trong nước.

4. GIẢI PHÁP

Một là, từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý của nhà nước, hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp bán lẻ trong hoạt động chuyển đổi số. Nhiệm vụ cấp thiết của các bộ, ban, ngành, địa phương là cần tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây phục vụ kết nối, quản lý nguồn lực, nhân lực, thông tin một cách an toàn, linh hoạt, ổn định và hiệu quả. Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án nhằm phát triển Chính phủ điện tử, áp dụng công nghệ (AI, VR/AR, IoT..) đối với các dịch vụ hành chính công nhằm chuyển đổi số toàn diện các mặt công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước tới doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách và cơ chế cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp, ví dụ hình thành mạng lưới tư vấn chuyển đổi số và tổ chức mạng lưới tổ công nghệ số cộng đồng để có đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp triển khai; hoặc thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 50% nếu thuê, mua các nền tảng, giải pháp chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông chứng nhận, công bố. Đây là những hoạt động thiết thực cần được Chính phủ quan tâm và nhân rộng để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.

Hai là, phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Duy trì năng lực cạnh tranh, liên tục đổi mới sáng tạo là tôn chỉ đặt ra cho các doanh nghiệp khi tiến hành chuyển đổi số. Để đáp ứng được yêu cầu trên, doanh nghiệp cần chú trọng vào việc bồi dưỡng nhân sự trẻ về công nghệ số; chế độ thu hút nhân tài là các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số của ngành; chế độ tài trợ và cố vấn của các doanh nhân số trong lĩnh vực bán lẻ đến từ các doanh nghiệp tiên phong và gặt hái được thành công; khuyến khích và dần nâng cao kỹ năng mềm cho người lao động về chuyển đổi số.

Ba là, tạo mô hình chuỗi giá trị nhằm thay đổi hoạt động mua sắm của người tiêu dùng (digital value chain). Nikki Baird – Phó chủ tịch về đổi mới bán lẻ của Aptos đã đưa ra một định nghĩa mang tính cách mạng về chuyển đổi số ngành bán lẻ trên tạp chí Forbes rằng: “Chuyển đổi số trong bán lẻ là chuyển dịch từ mô hình kinh doanh tập trung vào sản phẩm theo mô hình chuỗi cung ứng, sang tập trung vào khách hàng theo mô hình chuỗi giá trị số trên dữ liệu”. Tức là, thay vì hình thức mua bán truyền thống là mua rẻ - bán đắt từ nhà cung ứng tới khách hàng, ngành bán lẻ hiện đại tập trung vào khách hàng theo mô hình chuỗi giá trị số (Digital value chain) nhằm đem lại giá trị và hiệu quả đầu tư, dịch vụ mới, lợi ích mới, thay đổi cách tương tác với khách hàng, từ đó từng bước đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong đó, một số công nghệ mới có tính ảnh hưởng mạnh mẽ đến lĩnh vực bán lẻ như thực tế tăng cường (AR) hay thực tế ảo (VR) – giúp khách hàng có thể trải nghiệm hoạt động mua sắm hàng hoá một cách thuận tiện và phù hợp ngay trên các thiết bị di động thông minh. Ngoài ra, khi AR đưa vào hoạt động tại hệ thống siêu thị có thể giúp người dùng quét giá và mã vạch sản phẩm để đẩy nhanh quá trình thanh toán, tránh những trải nghiệm không tốt cho khách hàng như mất thời gian trong quá trình chờ đợi. Trí tuệ nhân tạo (AI) - gia tăng ứng dụng vào ngành bán lẻ giúp giảm chi phí vận chuyển, cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng, cá nhân hoá trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng. Doanh nghiệp bán lẻ cần hiểu và nắm bắt những công nghệ mới để ứng dụng vào hoạt động kinh doanh giúp giải quyết tối đa các vấn đề về tài chính, kiểm soát chất lượng hàng hoá, tài chính doanh nghiệp cũng như quá trình thanh toán, phục vụ và tương tác với khách hàng.

Bốn là, tập trung vào nhu cầu nhằm thay đổi thói quen, tư duy mua sắm của người tiêu dùng. Đại dịch COVID xuất hiện đã thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng từ trực tiếp sang trực tuyến. Vậy, doanh nghiệp cần có những hành động nhanh chóng và cụ thể để biến hành vi tiêu dùng thành thói quen tiêu dùng. Theo một số các khảo sát của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, các doanh nghiệp này đã áp dụng những chiến lược giải toả lo ngại của khách hàng về giá cả hay thời gian giao hàng để khuyến khích mua sắm tiêu dùng trực tuyến thường xuyên hơn. Ngoài ra, các ngân hàng cũng tích cực chuyển đổi bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt để cung cấp những giải pháp tài chính tối ưu cho khách hàng nhằm rút ngắn thời gian thanh toán, gia tăng tỷ lệ khách hàng thanh toán online.

5. KẾT LUẬN

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thị trường bán lẻ của Việt Nam trong những năm gần đây đã và đang được đánh giá là thị trường sôi động và giàu tiềm năng phát triển. Sự quan tâm và tích cực chuyển đổi của cả 3 đối tượng là Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng đã tạo ra những thành quả nhất định trong công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, sự chuyển mình của các xu hướng thương mại bán lẻ thời đại mới và sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng hiện nay đòi hỏi ngành bán lẻ của Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực, nhân lực để tiếp cận kỹ thuật mới, giành được nhiều cơ hội để bứt phá tăng trưởng trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thông tin chính trị và cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nuraan Daniels, Osden Jokonya (2020). Factors affecting Digital Transformation in the Retail Supply Chain. International Conference in Management, Business, Economics and Accounting (ICMBEA);

2. Werner Reinartz, Nico Wiegand, Monika Imschloss (2019). The impact of digital transformation on the retailing value chain. International Joumal of Research in Marketing 36 (2019) 350 – 306;

3. Debasish, R. (2018). Impact of analytics and digital technologies on supply chain performance. AIMA Journal of Management & Research, 12(1);

4. Ghobakhloo, M., Hong, T. S., Sabouri, M. S., & Zulkifli, N., (2012). Strategies for Successful. Information Technology Adoption in Small and Medium-Sized Enterprises. Information, 3(1), 36-67;

5. Swaminathan, J. M., & S. R. Tayur. (2003) “Models for Supply Chains in e-Business.” Management Science, 49, 1387–1406;

6. Van Ark, B., et al, (2016), “Navigating the New Digital Economy: Driving Digital Growth and Productivity from Installation to Deployment”. Conference Board, New York;

7. Rana Mostaghel, Pejvak Oghazi, Vinit Parida, Vahid Sohrabpour (2022). Digitalization driven retail business model innovation: Evaluation of pastand avenues for future research trends. Journal of Business Research 146 (2022) 134 – 145;

8. Burstr¨om, T., Parida, V., Lahti, T., & Wincent, J. (2021). AI-enabled business-model innovation and transformation in industrial ecosystems: A framework, model and outline for further research. Journal of Business Research, 127, 85–95;

9. Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, ngày 06/01/2022;

10. Vũ Ngọc Trâm Anh (2022). Chuyển đổi số ngành bán lẻ: xu hướng và giải pháp. https://magenest.com/vi/chuyen... ngày 12 tháng 8 năm 2022 ;

11. Chử Bá Quyết (2021). Nghiên cứu khám phá các nhân tố ảnh hưởng đến chuyển đổi số thành công của doanh nghiệp ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng, số 233 tháng 10. 2021 ;

12. Bộ Kế hoạch & Đầu tư: Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2021, ngày 12/01/2022;

13. Tuấn Sơn (2022). Point of life: Nền móng vững chắc để Masan tiếp tục tăng trưởng. https://vneconomy.vn/point-of-... ngày 24/2/2022;

14. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

15. Chính phủ (2019), Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

ThS. Đỗ Thị Lan Anh

Nguồn: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 14 năm 2023