VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Cách mạng công nghiệp 4.0

Không có các sản phẩm về dữ liệu và phân tích dữ liệu, sẽ không thể nói về tài chính số

26/07/2024 - 18 Lượt xem

Công nghệ phát triển đã thúc đẩy các dịch vụ tài chính số, tạo môi trường hỗ trợ thuận tiện hơn trong việc cấp vốn cho các doanh nghiệp. Nhưng tất cả đều đang vướng ở khâu dữ liệu...

Bà Phạm Thị Thanh Huyền, Cán bộ Quản lý Chương trình Phát triển cơ sở hạ tầng tài chính tại Việt Nam và Campuchia, IFC, World Bank Group, nhận định thị trường dữ liệu và phân tích dữ liệu đóng vai trò quan trọng như một nền tảng cho ngành tài chính. Nếu không có sự phát triển và vận hành trơn tru của thị trường dữ liệu, sẽ rất khó để ngành tài chính hoạt động hiệu quả.

GIẢI QUYẾT KHÓ KHĂN TRONG CÂU CHUYỆN THÔNG TIN BẤT CÂN XỨNG

Theo bà Huyền, hệ thống báo cáo tài chính và kiểm toán của các doanh nghiệp hiện nay chưa hoàn thiện, gây e ngại cho các ngân hàng khi thẩm định gói vay dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Nếu có một hệ thống báo cáo tài chính và kiểm toán tốt, việc tài trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn”, đại diện IFC khẳng định, đồng thời nhấn mạnh rằng trong trường hợp này, dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thành các báo cáo tài chính và kiểm toán tốt, đặc biệt là các hệ thống chia sẻ thông tin tín dụng và chia sẻ dữ liệu về các doanh nghiệp.

“Khả năng tiếp cận tín dụng đầy đủ không thể xảy ra một cách độc lập. Thị trường tín dụng cần có một cơ sở hạ tầng tài chính tốt, trong đó cần giải quyết khó khăn về thông tin bất cân xứng. Không có các sản phẩm về dữ liệu và phân tích dữ liệu, sẽ không thể nói về tài chính số”, bà Phạm Thị Thanh Huyền khẳng định.

Bà Huyền cho biết thực tế hiện nay tại Việt Nam, nhu cầu của các ngân hàng trong việc tiếp cận dữ liệu khách hàng ngày càng cao. Mặc dù có nhiều bên cung cấp dữ liệu, nhưng câu hỏi về chất lượng dữ liệu vẫn là một vấn đề.

Cách thu thập thông tin của mỗi ngân hàng về từng khách hàng lại khác nhau, dẫn đến thông tin không nhất quán. Do đó, cần đảm bảo chất lượng dữ liệu, thực hiện đánh giá sâu và phân tích các giao dịch của doanh nghiệp với các bên mua và bán để đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Ngọc Bồng Lai, Giám đốc Phát triển Giải pháp, Nền tảng dịch vụ số và QLTC doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), dữ liệu là một vấn đề gây đau đầu cho nhiều doanh nghiệp và quốc gia, trong đó điểm khó khăn nhất chính là việc thu thập và xử lý dữ liệu sao cho đến cuối cùng, cái thu được từ dữ liệu là những thông tin có giá trị.

“Nếu chúng ta chỉ thu thập dữ liệu thô thì sẽ không có ý nghĩa gì, điều quan trọng là phải chuyển đổi dữ liệu thô đó thành những ‘insight’ về khách hàng, thành những thông tin có giá trị”, đại diện Techcombank cho biết.

Thực tế, do các vấn đề về thông tin bất đối xứng, nên nếu chỉ nhìn vào những dữ liệu truyền thống, các ngân hàng chưa chắc đã có những đánh giá chính xác về tình trạng sức khỏe tài chính của khách hàng, bởi vì những dữ liệu này thường không bao gồm thông tin tài chính chi tiết và toàn diện.

Ông Damien Jacotine, Giám đốc thương mại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, S&P Global Market Intelligence, nhấn mạnh sự phát triển của công nghệ trong những năm gần đây đã thúc đẩy các dịch vụ tài chính số.

“Sự xuất hiện của các dịch vụ tài chính số đã tạo ra môi trường hỗ trợ thuận tiện hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tiếp cận nguồn vốn tài chính”, đại diện S&P Global Market Intelligence khẳng định.

XÂY DỰNG KHUÔN KHỔ PHÁP LÝ PHÙ HỢP ĐỂ CHIA SẺ DỮ LIỆU THEO NGÀNH

Tất cả các dịch vụ tài chính hiện nay đều trong giai đoạn chuyển đổi số. Tài chính số đã trở nên phổ biến và không còn là những trường hợp ngoại lệ nữa. Nhưng tài chính số sẽ không thể phát triển mạnh nếu như không có một môi trường kinh doanh thuận lợi và nền tảng dữ liệu phát triển.

“Đối với tài chính số dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một trong các nền tảng thị trường cần phải chú trọng phát triển chính là ngành dữ liệu và phân tích dữ liệu”, đại diện IFC cho biết.

Hoạt động cho vay dựa trên dữ liệu và phân tích dữ liệu sẽ giúp các tổ chức cho vay phát triển và mở rộng sản phẩm dịch vụ cho nhiều khách hàng hơn, bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các đối tượng khách hàng khó tiếp cận dịch vụ tài chính.

Về lâu dài, đại diện IFC đưa ra ý tưởng tất cả các công ty dữ liệu và phân tích dữ liệu khách hàng cá nhân cần được cấp phép, thành lập, công nhận hoặc liệt kê trong một danh sách trắng. Các doanh nghiệp có cơ sở dữ liệu chuyên sâu có thể thành lập các công ty con của mình để cung cấp dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu.

 

Nếu không có sự phát triển và vận hành trơn tru của thị trường dữ liệu, sẽ rất khó để ngành tài chính hoạt động hiệu quả.  

Bên cạnh đó, trong hoạt động thu thập và phân tích dữ liệu, vấn đề tuân thủ quy định pháp luật về thu thập và bảo vệ dữ liệu là rất quan trọng. Hiện tại, mảng dữ liệu tại Việt Nam chưa phát triển đầy đủ và nhận thức của người sử dụng dữ liệu cũng chưa cao. Dữ liệu chính xác và đúng đắn sẽ giúp việc vay vốn nhanh chóng và tốt hơn. 

Theo khuyến nghị của IFC, Việt Nam nên xây dựng một khuôn khổ pháp lý phù hợp để chia sẻ dữ liệu theo ngành. Đặc biệt trong ngành tài chính, cần có quy định rõ ràng về dữ liệu để ngành tài chính số phát triển. IFC cũng khuyến nghị nâng cao quản trị và xử lý dữ liệu, đặc biệt trong trường hợp dữ liệu bị rao bán.

Hiện tại, Việt Nam chưa có cơ quan đầu mối để tạo ra một cơ sở nền tảng công nghệ chung cho dữ liệu, để các công ty dữ liệu có thể kết nối và truy xuất dữ liệu. Nếu có một nền tảng như vậy, ngân hàng sẽ tiết kiệm được nguồn lực nội bộ trong việc quản lý dữ liệu. 

Kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực đã cho thấy rõ điều này. Tại Thái Lan, các ngân hàng Thái Lan đã được ban hành hướng dẫn về quản lý dữ liệu cá nhân cho các định chế tài chính. Cũng như vậy, ông Jimmy Nguyễn, Phó Giám đốc, Chuyên gia Sản phẩm Tín dụng (ASEAN), S&P Global Market Intelligence, cho biết Singapore có một nền tảng chung về dữ liệu, được gọi là "common data infrastructure".

Tại đây, các ngân hàng kết nối vào hệ thống này sẽ có thể lấy dữ liệu từ đó mà không cần mất thời gian vào việc quản lý dữ liệu riêng của từng khách hàng. Điều này giúp các ngân hàng tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa quá trình quản lý dữ liệu.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết cơ quan này đang chịu áp lực lớn từ các ngành, địa phương và hiệp hội ngành nghề doanh nghiệp, đặc biệt là về việc xây dựng và triển khai các dòng vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điều đáng nói, dữ liệu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khá phân mảnh, dẫn đến việc khó khăn trong quá trình thẩm định và cấp vốn. Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp hiệu quả để cải thiện chất lượng dữ liệu và tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp.

Nguồn: vneconomy.vn