VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tổng hợp

Một số điểm sáng kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2023

04/08/2023 - 95 Lượt xem

Tình hình kinh tế – xã hội thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng hầu hết các nền kinh tế lớn tăng trưởng thấp do tổng cầu suy giảm, chính sách tiền tệ thắt chặt, xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na phức tạp hơn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng. Trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; giảm thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; tăng lương cơ sở từ 01/7 để bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, các ngành, lĩnh vực tháng 7/2023 đã có nhiều khởi sắc, một số điểm sáng về phát triển kinh tế – xã hội nước ta trong tháng 7 và 7 tháng năm 2023 như sau:

 (1) Tiến độ gieo cấy lúa mùa đạt kết quả tích cực, chăn nuôi phát triển ổn định. Nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan do áp dụng mô hình nuôi tôm chất lượng cao hiệu quả.

Tính đến 15/7/2023, cả nước gieo cấy được 1.194,4 nghìn ha lúa mùa, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi trong tháng phát triển tương đối ổn định, trong đó: Số đàn lợn cuối tháng Bảy tăng 2,8% so với cùng thời điểm năm trước; gia cầm tăng 2,1%; bò tăng 0,8%. Sản lượng nuôi trồng thủy sản trong tháng Bảy ước tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 7 tháng năm 2023 tăng 3,1%, trong đó tôm tăng 4%.

 (2) Sản xuất công nghiệp tháng Bảy đã khởi sắc hơn[1]. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 năm 2023 ước tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành trọng điểm tăng cao: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 23,3%; sản xuất kim loại tăng 15,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 15,3%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 14,4%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 12,2%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 11,4%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 10,9%; dệt tăng 10,8%.

Hình 1: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2023
 so với cùng kỳ năm trước của một số ngành trọng điểm (%)

(3) Hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động và tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, vận chuyển hành khách tăng 15,8% và luân chuyển tăng 27,6%; vận chuyển hàng hóa tăng 15,3% và luân chuyển tăng 12,7%.

Hình 2. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
7 tháng các năm 2019-2023

Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm 2023 ước xuất siêu 15,23 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,34 tỷ USD). Trong đó một số mặt hàng xuất siêu: Điện thoại và linh kiện 23,7 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 5,9 tỷ USD; thủy sản 3,4 tỷ USD; rau quả 2,1 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 1,9 tỷ USD.

  Hình 3: Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa
                 7 tháng các năm 2019-2023

(4) Hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh mẽ nhờ đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm nhằm thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7/2023 ước đạt hơn 1 triệu lượt người, gấp 2,9 lần cùng kỳ năm trước; tính chung 7 tháng năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 6,6 triệu lượt người, gấp 6,9 lần.

(5) Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2023 ước đạt 41,3% kế hoạch, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 39,7% và tăng 12,3%), thể hiện kết quả nỗ lực của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư công nhằm tạo động lực tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng từ những khó khăn chung của kinh tế thế giới.

(6) Thu hút vốn đầu tư nước ngoài có những tín hiệu tích cực, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 7 tháng năm 2023 đạt 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước (3 tháng đầu năm giảm 19,3%; 4 tháng đầu năm giảm 1,2%; 5 tháng đầu năm giảm 7,3%; 6 tháng đầu năm giảm 4,3%). Số dự án cấp mới tăng 75,5%, vốn đầu tư đăng ký cấp mới tăng 38,6% cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Hình 4. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam
     tính đến ngày 20/7 các năm 2019-2023 (Tỷ USD)

(7) Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp và giữ xu hướng giảm dần. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2023 tăng cao nhất với 4,89%, đến tháng 7/2023 tăng 2,06% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 7 tháng năm 2023, CPI tăng 3,12%.

Hình 5. Tốc độ tăng/giảm CPI của tháng 7 và 7 tháng
các năm 2019-2023 (%)

(8) Công tác bảo đảm an sinh xã hội được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Tai nạn giao thông, giảm cả về số vụ và số người bị tai nạn. Chính phủ đã hỗ trợ hơn 18,2 nghìn tấn gạo cho gần 204,7 nghìn hộ với hơn 1,2 triệu nhân khẩu. Số vụ tai nạn giao thông trong 7 tháng năm nay giảm 9,3% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 5,9%; số vụ va chạm giao thông giảm 17,2%); số người chết giảm 9,4%; số người bị thương nhẹ giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước.

[1] So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Ba giảm 2%; tháng Tư giảm 2,4%; tháng Năm tăng 0,5%; tháng Sáu tăng 1,8%; tháng Bảy ước tăng 3,7%.

 

Nguồn: Tổng cục Thống kê