VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tổng hợp

Xu hướng giảm dần của lạm phát trong 7 tháng năm 2023

04/08/2023 - 98 Lượt xem

Trong 7 tháng năm 2023, giá hàng hóa trên thị trường quốc tế có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố kinh tế, chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và xung đột quân sự Nga – Ucraina, chính sách tiền tệ thắt chặt dẫn đến sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước và tăng trưởng chậm lại, lạm phát tuy có xu hướng giảm những vẫn ở mức cao. Các nhân tố địa chính trị, kinh tế tạo sức ép khác nhau lên giá dầu trong 7 tháng năm 2023 như: Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) sau họp ngày 02/4/2023 tiếp tục giảm sản lượng khai thác dầu tương đương hơn 3,7% nhu cầu thế giới; lệnh cấm nhập khẩu của Liên minh châu Âu đối với sản phẩm dầu và các nhiên liệu tinh chế của Nga; tâm lý lo ngại lạm phát và chính sách thắt chặt tiền tệ ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế toàn cầu, Trung Quốc gỡ bỏ hầu hết các hạn chế xuất nhập cảnh, tăng đầu tư công và triển vọng tiêu thụ dầu tại Trung Quốc tăng.

Trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm ổn định lại và hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá hàng hóa tăng giảm đan xen.

Tình hình lạm phát thế giới trong những tháng đầu năm 2023 tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Lạm phát của khu vực đồng Euro tháng 6/2023 tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Anh tăng 7,9%; Đức và I-ta-li-a cùng tăng 6,4%; Pháp tăng 4,5%. Lạm phát của Mỹ tháng 6/2023 tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, FED tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Tại Châu Á, lạm phát tháng 6/2023 của Thái Lan tăng 0,23%; Hàn Quốc tăng 2,7%; In-đô-nê-xi-a tăng 3,52%; Phi-lip-pin tăng 5,4%; Lào tăng 28,64%. So với các quốc gia, Việt Nam không thuộc nhóm nước có mức lạm phát cao khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2023 tăng 2,06% so với cùng kỳ năm trước.

CPI bình quân 7 tháng năm 2023 chỉ tăng 3,12% so với cùng kỳ năm 2022; lạm phát cơ bản tăng 4,65% so với cùng kỳ năm trước, đều giảm so với các mức tương ứng là 3,29% và 4,74% của 6 tháng đầu năm 2023. Mặc dù vậy, CPI tháng 7 tăng 0,45% so với tháng trước; tăng 1,13% so với tháng 12/2022 và tăng 2,06% so với cùng kỳ năm trước.

Tốc độ tăng CPI bình quân các tháng có xu hướng giảm dần, là dấu hiệu tích cực cho thấy CPI bình quân năm 2023 đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%.

Hình 1: Tốc độ tăng CPI bình quân các tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước (%)

So với cùng kỳ năm trước, CPI các tháng từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm dần. Trong đó, CPI tháng Một tăng cao nhất với 4,89%, đến tháng Sáu chỉ tăng 2%,  tháng Bảy tăng ở mức thấp 2,06%. Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới làm cho chỉ số giá nhóm giao thông so với cùng kỳ năm trước liên tục giảm, từ mức giảm 0,18% trong tháng 2/2023 đã giảm mạnh 9,29% trong tháng 7/2023.

Hình 2: Tốc độ tăng CPI các tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước (%)

CPI tháng 7 và bình quân 7 tháng tiếp tục giảm, cho thấy xu hướng ổn định, tuy nhiên dự báo một số yếu tố sẽ tác động đến CPI những tháng cuối năm 2023 như sau:

– Dịch vụ du lịch trong năm 2023 sẽ tăng trưởng trở lại do nhu cầu của người dân tăng cao. Giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc tăng theo quy luật vào thời điểm đầu năm và cuối năm do nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các lễ hội. Thiên tai và dịch bệnh diễn ra trong năm có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực và thực phẩm cục bộ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

– Giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang ở mức cao trong khi Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.

– Ở chiều ngược lại, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá dầu thế giới. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, giá dầu Brent trong năm nay có thể ở mức 80 USD/thùng, Do đó, dự báo giá xăng dầu trong nước bình quân năm 2023 giảm sẽ tác động làm giảm CPI.

Để kiểm soát lạm phát năm 2023 đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào một số giải pháp sau:

– Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

– Chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

– Đối với mặt hàng xăng dầu, cần phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, không để xảy ra gián đoạn nguồn cung.

– Cần kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu.

– Quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.

– Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đặc biệt cần đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.

– Tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát./.

 

Nguồn: Tổng cục Thống kê