VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tổng hợp

Doanh thu dịch vụ tăng mạnh trong mùa cao điểm du lịch hè 2023

02/08/2023 - 73 Lượt xem

Tháng Sáu, tháng Bảy là những tháng cao điểm của mùa du lịch hè nên doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tăng cao so với các tháng trước. Chỉ riêng trong tháng 7/2023, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành cả nước ước đạt 60 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với tháng trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 395,8 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 16,3% và du lịch lữ hành tăng 53,6%.

Hình 1: Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hànhcác tháng năm 2023

­­

Doanh thu hoạt động dịch vụ, du lịch tăng cao do số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế liên tục tăng trong mùa cao điểm. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7/2023 ước đạt hơn 1 triệu lượt người, tăng 6,5% so với tháng trước và gấp 2,9 lần cùng kỳ năm trước; tính chung 7 tháng năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 6,6 triệu lượt người, gấp 6,9 lần. Như vậy, chỉ sau 7 tháng, ngành du lịch Việt Nam đã đạt 83% kế hoạch cả năm về đón khách quốc tế, nhiều khả năng sẽ sớm hoàn thành mục tiêu và còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng khi bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm.

Khách nội địa[1] tháng 7/2023 ước đạt 12,5 triệu lượt, trong đó có 8,3 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng số khách nội địa trong 7 tháng năm nay ước đạt 76,5 triệu lượt người; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng.

Hình 2: Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch nội địa
các tháng năm 2023
(Nghìn lượt người)

Hoạt động dịch vụ và du lịch tháng Bảy và 7 tháng năm 2023 của nhiều địa phương[2] ghi nhận sự tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước.

Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội tháng Bảy ước đạt 388 nghìn lượt người, tăng 4% so với tháng trước và tăng 52,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách du lịch nội địa ước đạt 153 nghìn lượt người, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; khách quốc tế ước đạt 235 nghìn lượt người, tăng 4,8% và gấp 2,2 lần. Tính chung 7 tháng năm 2023, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 2.609 nghìn lượt người, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước, trong đó khách du lịch nội địa ước đạt 925 nghìn lượt người, tăng 14,5%; khách quốc tế ước đạt 1.684 nghìn lượt người, gấp 4,9 lần. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống của Hà Nội tháng 7/2023 ước đạt 8,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% và tăng 31,6%. Tính chung 7 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 55,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2022 (dịch vụ lưu trú tăng 24,9%; dịch vụ ăn uống tăng 8,8%); doanh thu du lịch lữ hành đạt 10,7 nghìn tỷ đồng, tăng 89,7%.

Tháng 7 luôn là tháng cao điểm nhất về du lịch của Quảng Ninh. Để thu hút khách du lịch, các doanh nghiệp, khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh đã nâng cao chất lượng dịch vụ và cơ sở hạ tầng, đồng thời chủ động liên kết với các đơn vị lữ hành lớn của Việt Nam tập trung khai thác thị trường trong nước với du khách phía Nam và mở rộng thị trường khách quốc tế. Công suất phòng tại khách sạn 3 – 5 sao ước đạt trên 90%; các cơ sở lưu trú khác ước đạt trên 80%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống của Quảng Ninh tháng 7/2023 ước tính tăng 39% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành tăng 132,7%. Tính chung 7 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống của Quảng Ninh tăng 40,6% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành tăng 82,5%. Tổng lượt khách du lịch đến Quảng Ninh tháng Bảy ước đạt 1,94 triệu lượt khách, nâng tổng số khách du lịch đến địa phương 7 tháng năm 2023 đạt 10,8 triệu lượt khách, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2022.

Hoạt động du lịch, dịch vụ của Hải Phòng tiếp tục đà tăng trưởng với doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 7/2023 ước đạt 261,7 tỷ đồng, tăng 6,4% so với tháng trước và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 1,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% và tăng 10%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 52,3 tỷ đồng, tăng 67,7% và tăng 31,27%. Tính chung 7 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 1,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 11,6 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 165,2 tỷ đồng, tăng 68,1%. Trong tháng 7/2023, các cơ sở lưu trú và lữ hành Thành phố đã phục vụ 1,1 triệu lượt khách, tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế đạt gần 91 nghìn lượt, tăng 2,6% và giảm 8,9%. Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành phục vụ ước đạt 4,7 triệu lượt, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế đạt gần 584,1 nghìn lượt, tăng 94,8%.

Hoạt động du lịch Đà Nẵng đang từng bước được phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Các sự kiện, lễ hội liên tục được tổ chức, góp phần thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm như: Lễ hội Tận hưởng mùa hè 2023-Wow Đà Nẵng; Bà Nà Wow Summer Festival; Lễ hội ẩm thực và bia 2023 B’festival; Tuần lễ văn hóa Hàn Quốc, Pháp; Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng… Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 7/2023 ước đạt 2,2 nghìn tỷ đổng, tăng 6,3% so với tháng trước và tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,4 tỷ đồng, tăng 5,2% và tăng 78,3%. Tính chung 7 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt gần 13 nghìn tỷ đồng, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 8,6 tỷ đồng, gấp 3,5 lần. Số lượt khách do các cơ sở lưu trú của Thành phố phục vụ trong tháng 7/2023 ước đạt gần 782 nghìn lượt, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 78,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng số lượt khách do các cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 4,3 triệu lượt người, tăng 110,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 1,1 triệu lượt người; gấp 7,7 lần cùng kỳ năm trước; khách trong nước ước đạt 3,2 triệu lượt người, tăng 66,7%.

Trong mùa cao điểm tháng 7/2023, tại Bình Định diễn ra hàng loạt chương trình, lễ hội để quảng bá và xúc tiến cho du lịch, do đó hầu hết các ngành dịch vụ có tốc độ tăng cao hơn so với tháng trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 7/2023 ước đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,5% so với tháng trước và tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 100,4 tỷ đồng, tăng 28% và tăng 149,1%. Tính chung 7 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt gần 8 nghìn tỷ đồng, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 270,1 tỷ đồng, tăng 122,3%. Hiện nay, Quy Nhơn – thủ phủ du lịch của Bình Định được đánh giá là địa điểm du lịch có cảnh quan đẹp, con người thân thiện, giá dịch vụ ăn uống thấp nhưng thiếu các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn. Do đó, chi tiêu của khách du lịch còn hạn chế, đồng nghĩa với doanh thu hoạt động du lịch của Bình Định đạt thấp, không bằng các địa phương khác có tiềm năng du lịch như vậy.

Ngay từ đầu năm nay, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn ra khá sôi động, đặc biệt là du lịch. Tần suất các chuyến bay quốc tế từ những thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ma-lai-xi-a, Thái Lan… được duy trì ổn định. Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh du lịch cũng triển khai nhiều chương trình mới lạ và đặc sắc khám phá đại dương để thu hút du khách, nhờ đó doanh thu dịch vụ và du lịch tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 7/2023, doanh thu du lịch của Khánh Hòa ước đạt 5,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so tháng trước và gấp 2,8 lần cùng kỳ năm trước; phục vụ 1.250 nghìn lượt khách, tăng 8,7% so với tháng trước và gấp 3,1 lần cùng kỳ năm trước, trong đó có 245 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 1,9% và gấp 7,7 lần. Tính chung 7 tháng năm 2023, doanh thu hoạt động du lịch của Khánh Hòa ước đạt 19 nghìn tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước; số lượt khách lưu trú ước đạt 4 triệu lượt người, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế đạt 995,6 nghìn lượt người, gấp 13,1 lần.

Hoạt động dịch vụ Thành phố Hồ Chí Minh mùa du lịch hè diễn ra sôi động với nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu kết hợp với các sản phẩm du lịch đặc trưng ở từng quận, huyện để thu hút du khách. Trong tháng Bảy, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt gần 10 nghìn tỷ đồng, tăng 5,0% so với tháng trước và tăng 42,1% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 1,3 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% và tăng 106,1%. Tính chung 7 tháng năm 2023, doanh thu lưu trú và ăn uống đạt 60,7 nghìn tỷ đồng, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước (doanh thu lưu trú tăng 42,1%, doanh thu ăn uống tăng 35,7%); doanh thu du lịch lữ hành đạt 6,1 nghìn tỷ đồng, tăng 82,6%.

Tháng Bảy nằm trong mùa du lịch hè của Cần Thơ nên nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, lễ hội đã được tổ chức nhằm thu hút khách du lịch. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong tháng ước đạt 1,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 49,93 tỷ đồng, tăng 10,8% và tăng 87,7%. Tính chung 7 tháng năm 2023, doanh thu lưu trú, ăn uống ước đạt 9 nghìn tỷ đồng, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 213,2 tỷ đồng, tăng 33,4%.

Năm 2023, du lịch Việt Nam đề ra mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng. Đến thời điểm này có thể nói kỳ vọng về lượng khách có thể đạt được. Tuy nhiên ngành du lịch Việt Nam cũng đang đối diện với nhiều thách thức khi nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga – Ukraine, dẫn đến khách du lịch hầu hết thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, ngành du lịch đang chuyển đổi, đang phát triển nên chất lượng còn hạn chế, chủ yếu cung cấp các sản phẩm dịch vụ hiện đang có mà chưa chú trọng đáp ứng sản phẩm, dịch vụ mà du khách cần. Sự liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ du lịch còn hạn chế; mức chi tiêu của khách du lịch hằng năm tăng chậm, phần lớn chi tiêu là dành cho các dịch vụ như ăn uống, đi lại, lưu trú. Một trong những chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian tới là “Phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực, có tính liên kết cao, bổ trợ lẫn nhau, đồng thời chủ động trước những tình huống đột xuất, bất ngờ. Phát triển du lịch trong giai đoạn mới phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế nhưng cũng đa dạng, độc đáo, riêng có; kiên định mục tiêu nhưng phải hết sức linh hoạt, thích ứng, đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số”.

[1] Nguồn: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

[2] Nguồn: Báo cáo của các Cục Thống kê.

 

Nguồn: Tổng cục Thống kê