Số liệu thống kê
Số liệu kinh tế – xã hội các quốc gia thành viên ASEAN giai đoạn 2000-2020
29/05/2023 - 85 Lượt xem
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8 tháng 8 năm 1967 trên cơ sở Tuyên bố Băng-cốc. Sau 55 năm tồn tại và phát triển, ASEAN đã trở thành một tổ chức hợp tác khu vực liên Chính phủ bao gồm 10 quốc gia thành viên: Bru-nây, Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, Lào, Ma-lai-xi-a, Mi-an-ma, Phi-li-pin, Thái Lan, Việt Nam và Xin-ga-po. ASEAN là một thực thể chính trị – kinh tế quan trọng ở châu Á – Thái Bình Dương và là đối tác không thể thiếu trong chính sách khu vực của các nước lớn và các trung tâm quan trọng trên thế giới.
Năm 2015 đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử ASEAN khi Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN họp tại thủ đô của Ma-lai-xi-a ngày 22 tháng 11 đã ra Tuyên bố Kuala Lumpur 2015, chính thức thành lập “Cộng đồng Kinh tế ASEAN”, có hiệu lực thực thi từ ngày 31 tháng 12 năm 2015. Cùng với Cộng đồng An ninh – Chính trị ASEAN và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN là một trong ba trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020.
Sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN là bước ngoặt thể hiện sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á và cũng làm xuất hiện nhu cầu ngày càng tăng liên quan đến thông tin thống kê khu vực. Những đặc trưng riêng biệt cũng như sự đa dạng của các quốc gia thành viên ASEAN liên quan đến nhân khẩu học, y tế, giáo dục, sự liên kết khu vực trong thương mại, đầu tư và du lịch và các lĩnh vực khác được khắc họa rõ nét thông qua các con số thống kê.
Để phục vụ nhu cầu của các đối tượng sử dụng thông tin thống kê trong nghiên cứu và so sánh quốc tế, Tổng cục Thống kê đã sưu tầm, biên soạn và trân trọng giới thiệu cuốn “Số liệu kinh tế – xã hội các quốc gia thành viên ASEAN giai đoạn 2000 – 2020”.
Cuốn sách bao gồm 5 phần:
Phần 1. Tổng quan tình hình kinh tế – xã hội khu vực ASEAN giai đoạn 2000 – 2020;
Phần 2. Giải thích thuật ngữ, nội dung và phương pháp tính một số chỉ tiêu thống kê;
Phần 3. Số liệu thống kê kinh tế – xã hội các quốc gia thành viên ASEAN;
Phần 4. Xếp hạng các quốc gia thành viên theo một số chỉ tiêu cơ bản;
Phần 5. Tổng quan và số liệu về tình hình kinh tế – xã hội của từng quốc gia thành viên.
Hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp các thông tin bổ ích đối với đông đảo độc giả. Các ý kiến đóng góp xin gửi về Vụ Thống kê nước ngoài và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số 54 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội. Điện thoại +84 4 73 046 666, thư điện tử hoptacquocte@gso.gov.vn.
Nguồn GSO.GOV.VN