Nông nghiệp - Nông thôn - Nông dân
Khơi thông luồng vốn cho nông nghiệp
29/03/2023 - 92 Lượt xem
(Chinhphu.vn) - Ngày 28/3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có cuộc làm việc với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng Chính sách xã hội về đẩy mạnh chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn.
Tại cuộc họp, các bên đã cam kết phối hợp chặt chẽ nhằm phát huy tối đa vai trò của mỗi bên trong việc triển khai thành công các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Điển hình là hỗ trợ Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025; nâng cao hiệu quả, năng suất và chất lượng nông lâm, thủy sản để đạt tiêu chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đồng thời có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, trong quá trình triển khai đưa Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đi vào thực tiễn cuộc sống, Bộ đã có nhiều kế hoạch hành động, trong đó có sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội, đặc biệt là các tổ chức tín dụng liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt vấn đề, làm thế nào để các hợp tác xã và nông dân có thể tiếp cận nhiều hơn các khoản tín dụng, qua đó tối đa hóa lợi nhuận từ các sản phẩm nông nghiệp. Bộ trưởng dẫn chứng, khoản vay tín dụng để đầu tư lò sấy bảo quản nông sản giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp giảm áp lực cung vượt cầu (do có thể chế biến, bảo quản sản phẩm). Điều này giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp gia tăng hiệu quả sản xuất, đồng thời tham gia vào các chuỗi liên kết và giá trị trong các đề án, chiến lược mà ngành đang triển khai.
"Liên quan đến kinh tế hợp tác, xây dựng vùng nguyên liệu, khuyến nông cộng đồng rất cần nguồn lực của xã hội, đặc biệt là của các tổ chức tín dụng gắn liền với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chúng ta sẽ cùng hành động để đưa những vấn đề mới trong Nghị quyết Tam nông và Chiến lược của Chính phủ, kể cả vấn đề bảo hiểm nông nghiệp vào thực tiễn cuộc sống", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, để chuyển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, quan trọng nhất trong chuỗi sản xuất đó là chế biến và tiêu thụ. Ngân hàng sẵn sàng đầu tư, dành nguồn lực cho phát triển nông nghiệp nông thôn, kể cả các quỹ của ngân hàng cũng mong muốn tài trợ cho những nghiên cứu khoa học, tạo sinh kế cho nông dân. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng nông nghiệp của Agribank cùng các hãng bảo hiểm nước ngoài cũng đang nghiên cứu để thời gian tới có thể áp dụng rộng rãi bảo hiểm trong nông nghiệp.
Ông Phạm Đức Ấn cho biết: Tổng dư nợ của ngân hàng năm 2022 là hơn 1 triệu 440 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm tới 65%. Theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về định hướng phát triển và cơ cấu trong giai đoạn tới, Agribank tiếp tục thực hiện mục tiêu là phát triển nông nghiệp, nông thôn là chính.
Là một trong những ngân hàng gắn bó chặt chẽ với đối tượng cho vay là người nghèo, đối tượng chính sách xã hội, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho rằng, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là việc lồng ghép nguồn vốn tín dụng trong các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cũng như hướng dẫn cho người dân về cách sử dụng vốn còn chưa đồng bộ. Không chỉ có Ngân hàng Chính sách xã hội mà rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành cũng như các cơ quan chức năng ở địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng.
Nguồn baochinhphu.vn