Tổng hợp
Khi thị trường hướng đến một thế giới ‘hậu Fed’, đây là 4 yếu tố định hình lại môi trường đầu tư
28/03/2023 - 84 Lượt xem
Khi chu kỳ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc, thị trường chuẩn bị bước vào một “thế giới hậu Fed”.
Theo DataTrek Research, một năm Fed nỗ lực tăng mạnh lãi suất nhằm chống lại lạm phát dường như đang đến hồi kết thúc. Điều đó đang tạo ra một bối cảnh đầu tư mới.
Người đồng sáng lập Nicholas Colas của DataTrek cho biết: “Thị trường dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Thậm chí, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) tin rằng chúng ta đang ở gần giai đoạn cuối của chu kỳ hiện tại. Chúng ta đang bước vào một thế giới ‘hậu Fed’, nơi các quyết định về chính sách tiền tệ sẽ không còn quá quan trọng đối với tâm lý thị trường”.
DataTrek lưu ý rằng khi Fed giảm tốc độ tăng lãi suất vào cuối năm ngoái và đầu năm nay, S&P 500 đã giảm biến động. Và hiện tại, giữa những lo lắng về hệ thống ngân hàng toàn cầu, các nhà đầu tư đang tin rằng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 5 và bắt đầu cắt giảm sớm nhất là vào tháng 6.
Trong một thế giới hậu Fed, Colas gợi ý 4 yếu tố có thể định hình lại môi trường đầu tư như sau:
- 1. Lợi nhuận trở nên quan trọng hơn
Mặc dù Fed liên tục tăng lãi suất, lợi nhuận của các công ty vẫn rất cao. Điều đó giữ cho S&P 500 ở quanh mức 4.000 điểm thay vì 3.000 điểm.
Trên thực tế, các công ty thuộc S&P 500 sẽ kiếm được 50 USD/cổ phiếu trong quý đầu tiên năm 2023. Mức này cao hơn 22% so với giá mục tiêu hàng quý năm 2018-2019.
Theo DataTrek, trong năm nay, lợi nhuận của các công ty trong S&P 500 có thể giảm khoảng 10%, xuống mức 200 USD/cổ phiếu.
- 2. Ngành và cổ phiếu giảm tương quan
Ông Colas cho biết các ngành và cổ phiếu bắt đầu hoạt động độc lập với nhau hơn. Điều này làm giảm biến động giá chung của thị trường. Đó là lý do vì sao thước đo mức độ sợ hãi của Phố Wall, tức chỉ số biến động CBOE (VIX), đã giảm xuống gần mức trung bình dài hạn là 20.
VIX vượt mốc 30 sẽ báo hiệu mức biến động cao, trong khi giá trị của thước đo giảm xuống dưới 20 sẽ thể hiện sự ổn định.
- 3. Đồng USD yếu là điều tích cực với thị trường chứng khoán ngoài Mỹ
Đồng USD đang yếu hơn so với các loại tiền tệ lớn khác, vì chu kỳ thắt chặt lãi suất của Fed có thể sớm hoàn tất và lợi suất của Mỹ đang ổn định. Chỉ số USD từ đầu năm đến nay đã giảm khoảng 0,4%.
Ông Colas cho biết: “Đồng bạc xanh suy yếu báo hiệu rằng các nhà đầu tư đang tìm thấy những cơ hội tốt hơn ở bên ngoài nước Mỹ”.
Sức mạnh của đồng USD có xu hướng ảnh hưởng đến doanh thu của các công ty Mỹ trên thị trường quốc tế. Những gì mà các công ty kiếm được ở nước ngoài sẽ sụt giảm khi chuyển đổi trở lại USD.
- 4. Các vấn đề khác được chú ý nhiều hơn
Nhà đồng sáng lập DataTrek cho biết quá trình chuyển đổi sang môi trường đầu tư hậu Fed sẽ mất vài tháng nữa. Trong khi đó, chứng chỉ quỹ SPDR S&P Bank ETF và SPDR S&P Regional Banking ETF đã chạm mốc thấp mới vào ngày 24/3.
Vì thế, mặc dù chính phủ đã rất nỗ lực, những chấn động trong ngành ngân hàng Mỹ vẫn là vấn đề trọng tâm mà các nhà đầu tư quan tâm theo dõi.
“Mọi điều mà Bộ trưởng Tài chính Yellen và Chủ tịch Fed Powell đang làm một cách công khai cũng như riêng tư để giúp ngăn chặn những lo ngại của thị trường rõ ràng là không hiệu quả”, Colas nói.
Nguồn cafef.vn