Bài 1: “Cất cánh” sang thị trường châu Âu
Theo Bộ Công thương, EVFTA hiện có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết (99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7 đến 10 năm). Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU thời gian tới.
Kỳ vọng tăng trưởng nhanh và mạnh
Trong những năm qua, mặc dù phải chịu thuế nhập khẩu cao nhưng không ít mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cũng đã thâm nhập được vào thị trường châu Âu và khi EVFTA có hiệu lực, cơ hội xuất khẩu vào thị trường này sẽ còn được đẩy mạnh hơn nữa. Cụ thể như đối với mặt hàng gỗ, EVFTA được coi là “đòn bẩy” mạnh mẽ cho bước nhảy vọt về xuất khẩu gỗ những năm tiếp theo khi mà các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm xuất khẩu sang thị trường EU trong 20 năm qua, đạt kim ngạch hàng trăm triệu USD mỗi năm. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Woodsland Ðỗ Thị Bạch Tuyết chia sẻ: Triển vọng phát triển ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn nhờ sự tác động của EVFTA. Tới đây, hầu hết các sản phẩm gỗ, thủ công mỹ nghệ và nội thất xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sẽ được hưởng mức thuế 0%. Đồng thời, theo cam kết của Hiệp định thì sẽ có thêm nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU.
Đối với lĩnh vực thủy sản, EVFTA được coi như “chìa khóa vàng” để đẩy mạnh tăng trưởng vào thị trường trọng điểm châu Âu - nơi đang chiếm khoảng 17% đến 18% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của nước ta. Hiện, phần lớn thuế suất cơ sở nhập khẩu vào EU của các mặt hàng này là từ 6% đến 22%. Sau khi EVFTA có hiệu lực, 50% số dòng thuế sẽ được cắt bỏ ngay, 50% dòng thuế còn lại xóa bỏ sau từ 3 đến 7 năm… Giám đốc Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn Mai Ngọc Sơn cho biết: Lợi thế của công ty là đã xuất hàng sang EU và nhiều nước trên thế giới từ lâu nên việc được giảm thuế sẽ tăng sức cạnh tranh về giá với các quốc gia xuất khẩu khác, tạo cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ ở EU. Năm 2019, doanh nghiệp xuất khẩu gần 800 tấn tôm đông lạnh sang thị trường này, đạt kim ngạch 4,7 triệu USD. Năm 2020, chúng tôi phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng năm triệu USD.
Riêng mặt hàng gạo, từ trước đến nay, EU chưa phải là thị trường truyền thống và trọng điểm, nhưng với mức tiêu thụ gạo và các sản phẩm từ gạo của thị trường châu Âu đang tăng lên đáng kể trong những năm qua, hiện đạt mức 2,5 triệu tấn gạo/năm, thì EVFTA chính là động lực lớn để gạo Việt khẳng định vị thế tại thị trường này. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gạo sang EU của Việt Nam chỉ đạt 10,7 triệu USD. Một trong những nguyên nhân là do thuế suất mà EU đang áp lên gạo nhập khẩu từ Việt Nam khá cao, cụ thể là thuế tuyệt đối 175 ơ-rô/tấn với gạo xay xát, 65 ơ-rô /tấn với gạo tấm, 211 ơ-rô /tấn lúa. Còn tới đây, theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80 nghìn tấn gạo (thuế 0%) đối với gạo xay xát và gạo thơm, thì cơ hội xuất khẩu cho gạo Việt Nam là khá rõ nét. Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh nông sản Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) Đỗ Văn Thông cho rằng: EVFTA sẽ tạo điều kiện tốt cho các mặt hàng gạo chất lượng cao của nước ta vào EU, đồng thời là cơ hội để gạo Việt đạt được giá bán cao hơn rất nhiều so với xuất sang các thị trường truyền thống khác. Với thị trường này, hiện công ty đang xuất khẩu khoảng 1.200 tấn/năm, và dự kiến sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Hưởng lợi từ EVFTA cũng phải kể đến lĩnh vực xuất khẩu rau quả khi EU cam kết xóa bỏ 94% trong số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả ngay khi Hiệp định có hiệu lực, trong đó có nhiều sản phẩm Việt Nam có lợi thế. Năm 2019, xuất khẩu rau quả của nước ta đạt hơn 3,7 tỷ USD thì thị trường châu Âu chỉ chiếm 110 triệu USD. Do đó, khi EVFTA có hiệu lực, với lợi thế cạnh tranh, hy vọng ngành hàng này sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc về sản lượng và kim ngạch.
Cơ hội tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp
EVFTA không chỉ mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vào thị trường châu Âu, mà nó còn có giá trị đối với việc nhập khẩu nguyên liệu của các ngành hàng. Giám đốc Công ty gỗ Minh Long Đỗ Minh Cương nhận định: Khi EVFTA có hiệu lực, riêng về nhập khẩu, dự báo có khoảng 80% dòng thuế được giảm sẽ góp phần giảm mạnh giá thành nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp gỗ, dẫn tới giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm gỗ của Việt Nam khi vào thị trường châu Âu. Bên cạnh đó, thuế giảm sẽ thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư từ châu Âu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước hợp tác phát triển về lâu dài. Điều này cũng tạo ra lợi thế đối với một số ngành hàng nhập khẩu nguyên liệu từ châu Âu.
Tuy nhiên, ngoài cơ hội về xuất khẩu và nhập khẩu thông qua lợi thế về thuế thì xét trên bình diện rộng và lâu dài, giá trị mà EVFTA mang lại chính là tạo ra lực đẩy mạnh mẽ để Việt Nam thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình tái cơ cấu toàn diện nền nông nghiệp. Cụ thể là việc thu hút các dự án đầu tư từ các nước châu Âu trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp chuyển giao công nghệ, cách thức tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó nâng cao chất lượng nông sản, đặc biệt giúp nông sản Việt Nam tiến gần hơn tới các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản trong nước, bởi trong thời đại 4.0, khoa học - công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để các ngành hàng đạt giá trị gia tăng cao nhất. Như phân tích của Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên: EVFTA sẽ cho chúng ta cơ hội tăng cường xuất khẩu vào thị trường châu Âu, đồng thời đó là cơ hội nâng tầm các sản phẩm rau quả nói riêng và nông sản nói chung thông qua việc đáp ứng hoàn chỉnh các yêu cầu của đối tác. Trong đó, giá trị thực nhận được chính là giá bán ở mức cao và kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhờ chất lượng sản phẩm chứ không phải phụ thuộc hoàn toàn vào sản lượng như đối với nhiều thị trường truyền thống hiện nay.
Ngoài ra, với việc tham gia vào EVFTA, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ có điều kiện tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nhờ sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia. Đặc biệt, có nhiều điều kiện thuận lợi để tham gia vào môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch hơn nhờ việc cải thiện quy định, chính sách phù hợp theo các điều khoản của EVFTA. Hiện, Bộ Công thương đang nghiên cứu lập tổ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về xuất nhập khẩu sang thị trường EU trong lĩnh vực nông nghiệp với các hướng dẫn cụ thể nhất. Đồng thời nghiên cứu xây dựng sàn thương mại điện tử Việt Nam - EU để đưa hàng hóa Việt Nam nhanh chóng tiếp cận thị trường EU. Sàn thương mại điện tử bao gồm cả khu vực công, dịch vụ hành chính công, cấp C/O điện tử, các thủ tục hải quan thông quan, vấn đề logistics, các hoạt động về chứng thực điện tử, hóa đơn điện tử... Đặc biệt, thông qua những công cụ xúc tiến thương mại và kết nối giao thương hai bên trên nền tảng số thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có điều kiện thực thi hiệu quả hoạt động thương mại điện tử. Bên cạnh đó, cập nhật các chính sách mới nhất của EU nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện đúng, đủ, kịp thời tất cả quy định của EU trong các hoạt động về thương mại nông sản.
(Còn nữa)
EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ hai thế giới nhưng Việt Nam mới chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng nhập khẩu của EU. EVFTA với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã cam kết, nên ngành nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể tiếp cận được thị trường đầy tiềm năng này. Hiện, nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp chiếm khoảng 8,4% trong tổng nhập khẩu của EU. Theo Bộ Công thương, trong 10 năm qua, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang EU tăng trưởng đều nhưng không cao, đạt bình quân 6,7%/năm. Dự báo, xuất khẩu của một số ngành nông sản sẽ tăng đáng kể cho tới năm 2025 nhờ EVFTA, như gạo (tăng thêm 65%), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc, gia cầm (4%)…
Theo baonhandan.com.vn