Nông nghiệp - Nông thôn - Nông dân
Nông nghiệp Việt Nam đứng ở đâu trên bản đồ thế giới?
18/12/2018 - 1199 Lượt xem
Thủ tướng cho rằng đầu tư cho nông nghiệp còn khá thấp, số dân làm nông còn quá cao. Cả nước có 48% dân số làm nông nghiệp nhưng chỉ đóng góp một phần GDP rất nhỏ. Năng suất lao động lĩnh vực này còn thấp, việc tăng năng suất còn chậm.
Ngành nông nghiệp cũng chỉ thu hút một lượng vốn khiêm tốn chiếm 5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp (7.600 doanh nghiệp) trong đó đa phần là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Việc huy động vốn, tiếp cận với các dịch vụ tín dụng, ngân hàng còn hạn chế, chi phí vốn còn cao. Khoảng 1/2 số hộ gia đình nông thôn vẫn không thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng và tín dụng phi chính thức (tín dụng "đen") vẫn còn xuất hiện ở nhiều vùng nông thôn.
Việc áp dụng tiến bộ khoa học trong nông nghiệp nhìn chung còn yếu, công nghệ lạc hậu, tỉ lệ giá trị chất xám trong giá thành sản phẩm nông nghiệp chưa cao, dẫn đến 90% hàng nông sản Việt Nam là xuất nguyên liệu thô, chưa qua chế biến, tỉ lệ thải loại rất cao.
Thủ tướng cũng chỉ ra việc xây dựng thương hiệu nông nghiệp còn yếu kém, mới chỉ có 15% sản phẩm có thương hiệu, thậm chí một số thương hiệu nổi tiếng mất đi do nước ngoài mua lại.
"Thành tích thì chúng ta hoan nghênh nhưng lạc hậu, chậm hơn nông nghiệp một số nước trong khu vực, nhất là so sánh với Thái Lan, thì phải suy nghĩ rất nhiều" - người đứng đầu Chính phủ nói.
Ngoài ra còn tình trạng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu quá mức, không đúng quy định trong nông nghiệp, đặc biệt là việc kiểm soát dư lượng kháng sinh, chất cấm.
Từ phân tích trên, Thủ tướng yêu cầu giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân. Cần khắc phục tinh thần tự ti, ỷ lại, chờ đợi của một bộ phận nông dân.
"Nếu người nông dân còn ỷ lại thì không bao giờ thành công. Ngày xưa khi nói về khoán hộ, khoán 10 là ly kỳ lắm. Giờ nông dân đã tự chủ, cần năng động sáng tạo hơn nữa trong nông nghiệp để tạo ra đột phá, thành quả cao hơn nữa" - Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ mong rằng cần hướng một nền nông nghiệp Việt Nam sạch, an toàn, phục vụ nhu cầu của gần 100 triệu dân và xuất khẩu. Ông nhắc lại vấn đề trong một thập niên tới, hay một vài thập niên ngắn tới đây, Việt Nam đứng ở đâu trên bản đồ nông nghiệp thế giới.
"Liệu chúng ta có thể đứng thứ 15 các nước có nền nông nghiệp phát triển được hay không?", Thủ tướng đặt câu hỏi và cho rằng cần tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp và hội nhập sâu rộng. Nhận diện thật rõ cơ hội và thách thức để đề ra chiến lược mới là việc rất quan trọng..
Đi liền với thị trường, với sản xuất là vấn đề vốn. Thủ tướng yêu cầu hệ thống ngân hàng tiếp tục cung ứng lượng vốn tín dụng với cơ chế cần thiết vào lĩnh vực nông nghiệp...
Nguồn: cafef