VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Có thể tiếp tục phân bổ vốn Chương trình phục hồi

05/05/2023 - 203 Lượt xem

 

Theo dự kiến chương trình phiên họp thứ 23, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thể cho ý kiến về việc tiếp tục phân bổ vốn của Chương trình phục hồi.
 
.
Một phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

 

Theo dự kiến chương trình phiên họp thứ 23 (từ 9-12/5) , Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thể cho ý kiến về việc tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, đây vẫn nằm trong các nội dung dự phòng, với lưu ý nếu chuẩn bị kịp tài liệu.

Trước đó, vào cuối tháng 4/2023, báo cáo tại phiên họp thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết phân bổ vốn chi đầu tư phát triển thuộc Chương trình đã giao chi tiết 161.848,315 tỷ đồng kế hoạch vốn của Chương trình để thực hiện 223 nhiệm vụ, dự án.

Tuy nhiên, nguồn vốn vẫn còn và có khả năng không giải ngân hết kế hoạch vốn của Chương trình, do một số dự án không hoàn thiện thủ tục đầu tư đúng theo thời hạn Quốc hội yêu cầu (trước 31/3/2023), dẫn đến không được tiếp tục phân bổ nguồn vốn của Chương trình.

Vì thế, Chính phủ dự kiến có báo cáo riêng về tình hình thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các khó khăn, vướng mắc và một số kiến nghị tại Kỳ họp thứ năm (khai mạc ngày 22/5 tới).

Trước khi trình Quốc hội, các nội dung của kỳ họp đều phải được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cũng nằm ở danh mục dự phòng trong phiên họp thứ 23 còn có dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) và đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính.

Các nội dung chính thức của phiên họp gồm có việc cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình những tháng đầu năm 2023; báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tham gia ý kiến dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 04/2023; cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có; lập, phân bổ dự toán, quản lý, thanh toán, quyết toán dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cũng nằm trong chương trình phiên họp. 

Đáng chú ý, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (đồng thời xem xét việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023).

Các dự án luật được cho ý kiến gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

 

Nguồn baodautu.vn