VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

PAPI 2022: Hà Nội trỗi dậy, Đà Nẵng tụt hạng, TP.HCM chưa bao giờ lên nhóm thứ nhất

13/04/2023 - 292 Lượt xem

 

Các tỉnh có điểm PAPI 2022 cao là chủ yếu nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
 
Bản đồ PAPI 2022.

 

Quảng Ninh lập cú đúp, sau số 1 PCI 2022, nhận số 1 PAPI 2022

Quảng Ninh trở lại ngôi đầu bảng PAPI 2022 sau 1 năm không xếp hạng do những sai số trong dữ liệu. Năm nay, với số điểm 47,8 điểm, ngôi đầu PAPI có số điểm cao hơn 9 điểm so với địa phương có điểm số thấp nhất (Cao Bằng, 38,8 điểm).

Trong các chỉ số thành phần, Quảng Ninh đứng đầu ở chỉ số công khai, minh bạch trong quyết định (6,37 điểm), kiểm soát tham nhũng (4,58 điểm); thủ tục hành chính công (7,65). Các chỉ số còn lại là tham gia của người dân ở cấp cơ sở, trách nhiệm giải trình với người dân, cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường, quản trị điện tử đều được đánh giá ở nhóm địa phương có điểm số cao nhất.

Hà Nội trỗi dậy, Đà Nẵng tụt hậu, TP.HCM chưa bao giờ lên nhóm thứ nhất

Trong phần công bố PAPI 2022 sáng nay, 12/4, TS. Đặng Hoàng Giang, Nhóm nghiên cứu PAPI dành nhiều lời nhận xét tích cực cho Hà Nội.

“Điểm số tổng hợp PAPI 2022 (không trọng số) của Hà Nội là 43,9 điểm, thuộc nhóm cao nhất của PAPI 2022. Có thể nói, Hà Nội trỗi dậy, Đà Nẵng tụt hạng, ở nhóm trung bình cao, sau nhiều năm nằm trong nhóm cao, TP.HCM chưa bao giờ lên nhóm thứ nhất, vẫn trong nhóm trung bình thấp”, TS. Giang bao quát.

So với lần công bố PAPI 2021, Hà Nội được ghi nhận vượt bậc, thứ hai cả nước, ở chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở; nhưng lại ở nhóm không có nhiều thay đổi ở chỉ số công khai, minh bạch; chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; nhóm giảm điểm ở chỉ số cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường.

TS. Giang cho biết, nhóm có điểm cao là chủ yếu nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Trong khi địa phương ‘thấp’ điểm có tên các địa phương thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, và đồng bằng sông Cửu Long.

Điểm tích cực, theo TS. Giang, khoảng cách trong hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2022 giữa nhóm điểm cao nhất và điểm thấp nhất có xu hướng thu hẹp, có nghĩa là theo đánh giá của người dân, hiệu quả quản trị và hành chính ở nhiều tỉnh/thành phố không tăng so với năm 2021.

"Các tỉnh đều có các cuộc thảo luận về từng chỉ số PAPI của địa phương, với sự tham gia của các cấp cơ sở và đó cũng là một trong những lý do khiến sự cải thiện các chỉ số khá rõ ràng", ông Giang chia sẻ.

Báo cáo PAPI 2022 trình bày kết quả cấp tỉnh ở tám chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; và, Quản trị điện tử.

So sánh điểm cao nhất và thấp nhất ở 8 chỉ số nội dung của PAPI 2021 và PAPI 2022.

 

So với kết quả PAPI năm 2021, 33 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 1 ‘Tham gia của người dân ở cấp cơ sở’; 18 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 2 ‘Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương’ và 30 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 8 ‘Quản trị điện tử’.

Tuy nhiên, 29 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 7 ‘Quản trị môi trường’, 18 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 4 ‘Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công’, và 18 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 6 ‘Cung ứng dịch vụ công’.

Khảo sát PAPI 2022 cho thấy người dân ít biết đến giá đất

Một câu hỏi đã được đưa vào nghiên cứu PAPI năm 2022 để khảo sát người dân về giá đất khi người dân cho rằng bồi thường thu hồi đất còn ở mức quá thấp và đây là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn tới khiếu kiện liên quan tới thu hồi.

Kết quả cho thấy có sự khác biệt lớn giữa giá mua bán quyền sử dụng đất (giá đất) trên thị trường với giá đất do chính quyền địa phương chính thức ban hành. Điều này cho thấy, từ góc nhìn của người dân, chính quyền địa phương chưa tính đến giá thị trường khi xác định giá bồi thường thu hồi đất. Do đó, bảng giá đất ở địa phương cần được cập nhật thường xuyên, thay vì bốn năm một lần, để theo kịp giá giao dịch quyền sử dụng đất trong dân cư vốn vẫn thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là ở khu vực thành thị.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy người dân ít biết đến giá đất.

Có tới 70% số người được hỏi không biết giá đất trên thị trường hoặc không biết giá đất chính thức do địa phương ban hành. Đây có thể là kết quả của sự hạn chế trong nhận thức và thiếu sự tham gia của người dân vào công tác lập kế hoạch sử dụng đất ở địa phương.

Năm nay, 16.117 người tham gia phỏng vấn, được lựa chọn ngẫu nhiên từ tất cả 63 tỉnh thành của Việt Nam, Đây là số lượng người tham gia phỏng vấn lớn nhất trong 14 thực hiện Báo cáo PAPI 2022.
Báo cáo cung cấp dữ liệu và thông tin vô giá về hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp trong hai năm đầu nhiệm kỳ 2021-2026 và đóng góp cho việc xây dựng chính sách, pháp luật quan trọng trong năm 2023.
 
 
Nguồn baodautu.vn