VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20t%E1%BB%A9c

Thuế suất tối thiểu toàn cầu: Lắng nghe để có 'bức tranh' toàn diện

21/03/2023 - 163 Lượt xem

 

(Chinhphu.vn) - Để có cơ sở xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu (GMT) với thu hút đầu tư tại Việt Nam, ngày 20/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức họp đánh giá về tác động của loại thuế này với sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc và sự tham dự của đại diện nhiều hiệp hội, doanh nghiệp FDI cùng các chuyên gia.

Thuế suất tối thiểu toàn cầu: Lắng nghe để có 'bức tranh' toàn diện - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc - Ảnh: VGP/Minh Ngọc

Nếu Việt Nam không thu thêm thuế thì các doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng GMT cũng vẫn phải nộp bổ sung tại các nước khác

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Việt Nam mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) từ năm 1987 với Luật Đầu tư nước ngoài. Một trong những giải pháp quan trọng là sử dụng biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Trong đó, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng.

"Các nghiên cứu của những nhà kinh tế cho thấy không có sự liên hệ theo tỉ lệ thuận hay nghịch về chính sách thu hút đầu tư càng hấp dẫn thì dòng đầu tư nước ngoài sẽ vào nhiều. Nhưng chính sách ưu đãi đầu tư là một trong những công cụ quan trọng để bổ trợ cho những lợi thế so sánh tĩnh của Việt Nam. Nhờ vậy, chúng ta đạt được kết quả khả quan trong hơn 35 năm thu hút FDI", bà Ngọc chia sẻ.

Tháng 10/2021, 136 quốc gia đã tham gia các cuộc đàm phán do OECD tổ chức và đồng ý với Giải pháp cải cách thuế 2 trụ cột, Trong đó, trụ cột 2 về mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% sẽ được áp dụng vào đầu năm 2024 tới đây. Đối tượng là các công ty đa quốc gia có doanh thu hợp nhất toàn cầu hằng năm từ 750 triệu EUR (tương đương khoảng 870 triệu USD) trong ít nhất 2 năm trong giai đoạn 4 năm liền kề trước thời điểm thực hiện nghĩa vụ thuế.

Phân tích của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT chỉ ra rằng Việt Nam đang sử dụng ưu đãi thuế như một công cụ đòn bẩy tài chính để tác động đến xu hướng đầu tư. Các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực: Mức thuế suất phổ thông: 20% (cao hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu); thuế suất ưu đãi: 10%, 15% và 17% tùy theo lĩnh vực, ngành nghề, quy mô và địa bàn đầu tư; thuế suất ưu đãi đặc biệt có các mức 5%, 7% và 9%. Cùng với ưu đãi về thuế suất, pháp luật hiện hành có quy định về việc miễn thuế, giảm 50% thuế suất trong thời gian được miễn, giảm.

Tuy nhiên, khi trụ cột 2 được chính thức áp dụng, các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong thu hút đầu tư. Theo Thứ trưởng, khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, chúng ta hiểu rằng tất cả những ưu đãi trước đây và hiện nay mà Việt Nam dành cho các nhà đầu tư sẽ bị ảnh hướng. Điều này tác động đáng kể đến chính sách, phương tiện, công cụ thu hút đầu tư của Việt Nam.

"Vấn đề đặt ra ở đây là nếu Việt Nam không thu thêm thuế thì các doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng phải nộp bổ sung tại các nước khác. Đây chính là mấu chốt", bà Ngọc đặc biệt nhấn mạnh. 

Do vậy, đại diện lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng cần phải điều chỉnh chính sách ưu đãi thu hút đầu tư thế nào để vừa tương thích với GMT, vừa ít tác động nhất đến các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam. Qua đó, "gia cố" công cụ thu hút nguồn lực đầu tư mới trên tinh thần bảo đảm nhất quán chính sách thu hút đầu tư trong suốt thời gian qua.

Giải quyết các nhóm vấn đề trên cơ sở hài hòa lợi ích

Bàn về phương án cho vấn đề này, đại diện các hiệp hội, các doanh nghiệp FDI, chuyên gia đã chia sẻ một số thông lệ quốc tế và đưa ra đề xuất liên quan đến các nhóm vấn đề như: Cần bổ sung quy định để giữ quyền thu thuế nhằm có dư địa đầu tư hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh; Chính phủ xem xét giải pháp để hỗ trợ nhà đầu tư; cần đánh giá trên phương diện tổng chi phí...

Từ góc độ cơ quan tham mưu, Bộ KH&ĐT lắng nghe và ghi nhận tất các ý kiến để có cái nhìn tổng thể, mức độ đánh giá phải rộng và toàn diện để từ đó bàn cách áp dụng quy chế về GMT nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu của các nước đang phát triển là thu hút đầu tư.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trường hợp Việt Nam thu thuế bổ sung thì sẽ trao đổi kỹ lưỡng, có thể đưa ra các biện pháp hỗ trợ bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư nhưng cũng phải phù hợp với cam kết quốc tế, tránh khiếu kiện giữa cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư.

"Nên nhìn thuế ở một góc độ rộng hơn, không chỉ là tác động đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài mà còn tác động ngay đến các doanh nghiệp Việt Nam đang và sẽ đầu tư ra nước ngoài", bà Ngọc lưu ý.

Đứng từ góc độ của Bộ KH&ĐT, Thứ trưởng cho rằng mức độ đánh giá tác động, ảnh hưởng của việc này phải rộng hơn, toàn diện hơn.

"Không nên chỉ hiểu thuần tuý là cam kết thì phải thực hiện mà nên tiếp cận trên phương diện hài hoà lợi ích giữa các bên. Doanh nghiệp FDI đầu tư, đóng góp phát triển kinh tế tại Việt Nam và Việt Nam có trách nhiệm tạo môi trường đầu tư có hiệu quả. Thời gian phải áp dụng thuế rất gần và chúng ta đều thống nhất nguyên tắc là phải hành động. Đây là nghĩa vụ của các cơ quan thuộc Chính phủ nhưng cần có sự tham gia, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp", Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định./.

 

Nguồn baodautu.vn