VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Hội nhập kinh tế quốc tế

Đầu tư mới ra nước ngoài tăng gấp đôi, đạt hơn 300 triệu USD

29/06/2022 - 167 Lượt xem

 

Trong nửa đầu năm, các doanh nghiệp Việt đã đăng ký đầu tư ra nước ngoài 57 dự án mới, với tổng vốn đăng ký trên 300 triệu USD, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2021.
 

Vốn đăng ký mới tăng, nhưng vốn điều chỉnh giảm mạnh

Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, trong 6 tháng đầu năm, có 57 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt 300,88 triệu USD, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ.

Trong số này, đáng chú ý có 5 dự án lớn mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, là dự án của Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng Vines, đầu tư sang Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan, với tổng vốn đầu tư mỗi dự án hơn 34,68 triệu USD. Chỉ 5 dự án này đã có tổng vốn đăng ký trên 173 triệu USD.

Tuy vốn đầu tư mới tăng mạnh như vậy, song nếu tính chung, thì nửa đầu năm, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh chỉ đạt trên 345,8 triệu USD, bằng 63,2% với cùng kỳ.

Lý do là vì, năm nay, chỉ có 14 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm trên 44,9 triệu USD, bằng 11,1% so với cùng kỳ.

6 tháng năm ngoái, vốn đầu tư ra nước ngoài điều chỉnh tăng khá lớn, do có dự án của Vingroup tại Hoa Kỳ điều chỉnh tăng 300 triệu USD; dự án Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển cao su Đông Dương tại Campuchia tăng 76 triệu USD và 1 dự án của Vinfast tại Đức tăng 32 triệu USD.

Năm nay, riêng các doanh nghiệp có vốn nhà nước có 2 lượt dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 10,75 triệu USD, chiếm tỷ lệ nhỏ (3,1%) tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 6 tháng.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 12 ngành. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 9 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư gần 207,2 triệu USD, chiếm 59,9% tổng vốn đầu tư.

Ngành hoạt động tài chính - ngân hàng, bảo hiểm đứng thứ hai với 4 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư gần 35,34 triệu USD, chiếm 10,2%; tiếp theo là các ngành khai khoáng; bán buôn, bán lẻ; thông tin và truyền thông…

Nếu xét về địa bàn đầu tư, thì có 21 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022. Dẫn đầu là Lào với 3 dự án đầu tư mới và 3 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 65,92 triệu USD, chiếm 19,1% tổng vốn đầu tư.

Đứng thứ hai là Singapore với tổng vốn đầu tư trên 41,1 triệu USD, chiếm gần 11,9% tổng vốn đầu  tư. Tiếp theo lần lượt là Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan…

Như vậy, lũy kế tính đến ngày 20/6/2022, Việt Nam đã có 1.569 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư Việt Nam trên 21,56 tỷ USD. Trong đó, có 139 dự án của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài gần 11,6 tỷ USD, chiếm 53,8% tổng vốn đầu tư cả nước.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (32,3%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,8%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,8%); Campuchia (13,6%); Venezuela (8,5%)…

Các dự án trong lĩnh vực tiêu dùng ở Nga đang có lợi thế lớn

Công bố số liệu về tình hình đầu tư ra nước ngoài nửa đầu năm nay, Cục Đầu tư nước ngoài tiếp tục có những đánh giá về tác động của xung đột Nga - Ukraine đến đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam tại Nga, Ukraine. Tuy nhiên, các đánh giá không có nhiều khác biệt so với các tháng trước đây.

Dự án của TH ở Nga được cho là có lợi thế về thị trường khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra

 

Theo đó, các nhà đầu tư Việt Nam tại Nga do cấm vận của Mỹ và các nước sẽ bị tác động tiêu cực cả ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể là, xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp (thông qua khách hàng châu Âu) vào Nga giảm; nợ đến hạn không thể thu hồi (thông qua ngân hàng), ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp, thiếu hụt vốn để hoạt động kinh doanh; ảnh hưởng đến hoàn thuế đối với doanh nghiệp xuất khẩu…

Chưa kể, việc đồng Ruble mất giá làm tăng chi phí đầu tư hoặc giảm giá trị lợi nhuận chuyển về nước hoặc buộc doanh nghiệp phải chia sẻ khó khăn với khách hàng nếu muốn duy trì mối quan hệ kinh doanh lâu dài.

Chi phí tăng do cước vận chuyển quốc tế tăng (giá dầu tăng) cũng là một vấn đề. Tương tự, việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT) cũng gây khó khăn cho thanh toán và chuyển lợi nhuận về nước.

Tuy nhiên, theo Cục Đầu tư nước ngoài, các dự án trong lĩnh vực sản xuất, hàng tiêu dùng tại Nga sẽ có lợi thế tại thị trường Nga khi hàng hóa của châu Âu và các nước khác gặp nhiều cản trở khi nhập khẩu. Dự án của Tập đoàn TH ở Nga đã được Cục Đầu tư nước ngoài nhắc tới.

Đồng thời, theo Cục Đầu tư nước ngoài, các công ty Việt Nam đang có cơ hội tốt để tiếp cận các dự án tiềm năng của các công ty phương Tây chuyển nhượng hoặc trả lại cho Chính phủ Nga do lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và châu Âu.

Trong khi đó, đầu tư của Việt Nam tại Ukraine có số lượng dự án và mức vốn không cao. Trước tình hình căng thẳng tại khu vực này, Cục Đầu tư nước ngoài đã có văn bản đề nghị các nhà đầu tư báo cáo một số nội dung về tình hình hoạt động đầu tư, kinh doanh ở nước sở tại; số lượng lao động Việt Nam đang làm việc tại Nga và Ukraine cũng như những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải và đề xuất, kiến nghị.

 

Theo baodautu.vn