VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Xử lý các vấn đề liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu: Lựa chọn nào cho Việt Nam?

21/06/2022 - 234 Lượt xem

 

Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng đã được đồng ý thành lập để xử lý các vấn đề liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu. Đây là bước đi nhanh chóng và cần thiết của Việt Nam.
 
Tại Việt Nam, ưu đãi thuế vẫn là công cụ chính sách chính để thu hút FDI. Trong ảnh: Nhà máy của Panasonic tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

 

Sức hấp dẫn trong thu hút FDI có thể giảm sút

Một sự đồng thuận nhìn thấy rõ từ ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo “Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam”, do Tạp chí Nhà đầu tư vừa tổ chức hôm 14/6, đó là dù việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết và có thể sẽ mang lại những lợi ích cho Việt Nam, song cũng vì thế mà rất có thể, Việt Nam sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).

Như Báo Đầu tư từng thông tin, cuối năm ngoái, các thỏa thuận về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đã được thông qua và dự kiến áp dụng vào cuối năm 2023. Theo đó, các công ty có doanh thu toàn cầu từ 750 triệu EUR (tương đương khoảng 870 triệu USD) trở lên sẽ bị áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu là 15%. Nếu công ty hưởng thuế suất hiệu quả thấp hơn mức 15% tại quốc gia đầu tư, thì sẽ phải nộp bổ sung khoản chênh lệch tại chính quốc.

“Tại Việt Nam, ưu đãi thuế vẫn là công cụ chính sách chính để thu hút FDI. Vì vậy, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, sẽ làm hạn chế khả năng của các nước dùng công cụ ưu đãi thuế để cạnh tranh thu hút đầu tư”, bà Nguyễn Thị Minh Hiền, nguyên Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ nói.

Theo bà Hiền, việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu sẽ đặt ra các thách thức đối với việc duy trì tính cạnh tranh của môi trường đầu tư của Việt Nam ở phân khúc trên, gồm các nhà đầu tư có quy mô hoạt động lớn trên toàn cầu. “Số lượng các nhà đầu tư này dù có thể chiếm tỷ trọng nhỏ trong số các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, nhưng sự hiện diện của họ rất quan trọng, bởi họ lôi kéo và dẫn dắt chuỗi cung ứng, đồng thời phần nào định hình cơ cấu vốn và ngành nghề mà các doanh nghiệp FDI chọn đầu tư tại Việt Nam”, bà Hiền lý giải.

Các ví dụ được bà Hiền dẫn chứng là Samsung, Panasonic, Intel… Khi đầu tư lớn tại Việt Nam, họ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, bao gồm các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, với mức ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành là được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 10-15 năm, miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các doanh nghiệp này sẽ phải nộp bổ sung phần thuế chênh lệch về nước đặt trụ sở chính. Như vậy, các biện pháp ưu đãi đầu tư của Việt Nam sẽ bị “vô hiệu hóa”. “Với việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu 15%, những ưu đãi thuế này có thể không còn mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp đa quốc gia”, bà Annett Perschmann-Taubert (Tax Partner PWC) cho hay.

Theo bà Annett Perschmann-Taubert, có 2 tác động chính từ vấn đề này. Đó là nếu Chính phủ Việt Nam không thay đổi quy định trong nước, có thể khiến thất thu thuế, bởi lợi ích thuế dành cho các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cuối cùng có thể quay trở về đất nước của họ. Cùng với đó, Việt Nam có thể để thua trong cuộc đua cạnh tranh thu hút đầu tư, bởi các ưu đãi thuế tại Việt Nam hiện không còn hấp dẫn và các nhà đầu tư có thể lựa chọn các quốc gia khác.

Bởi vậy, điều mà các chuyên gia khuyến nghị, đó chính là “hành động của phía Việt Nam”. “Chính phủ cần có những cách tiếp cận gấp gáp hơn, bởi hiện tại, các tập đoàn quốc tế rất hoang mang, các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu vẫn chưa rõ hình hài, chỉ mới thống nhất về quy tắc. Điều này gây rủi ro rất lớn cho môi trường đầu tư, gây thiệt hại lớn cho những quốc gia nhận đầu tư lớn như Việt Nam”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói.

Ưu đãi thuế được xem là công cụ chính sách chính để thu hút FDI vào các lĩnh vực, các ngành kinh tế quan trọng tại Việt Nam trong thời gian qua.

 

Bài toán gấp gáp

Đúng như ý kiến của ông Đậu Anh Tuấn, cần phải nhanh chóng có biện pháp xử lý vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, bởi đây chính là vấn đề “đại sự” đối với Việt Nam trong thời điểm hiện nay, khi Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 vừa được ban hành. Thế nên, phát biểu tại hội thảo trên, các chuyên gia, bao gồm các đại diện của Big4 Việt Nam và GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, đều cho rằng, Chính phủ cần thành lập Tổ công tác đặc biệt để xử lý vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu.

Điều thú vị ở chỗ, ngay tại Hội thảo, sau khi nghe ý kiến của các chuyên gia, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế (Văn phòng Chính phủ) cho biết, chiều 13/6, ngay trước thời điểm tổ chức Hội thảo “Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc thành lập Tổ công tác đặc biệt liên ngành, bao gồm đại diện các bộ, ngành liên quan cùng đối tượng được điều chỉnh, các chuyên gia, các nhà khoa học để đẩy nhanh quá trình xem xét về việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu.

“Tôi nghĩ, Chính phủ sẽ sớm có chương trình hành động cụ thể, làm việc với nhà đầu tư, các đối tượng được điều chỉnh, cách đặt vấn đề này như thế nào sẽ sớm được rút ra trong thời gian tới”, ông Hùng cho biết.

Rõ ràng, đó là một quyết định rất nhanh chóng và cần thiết của Chính phủ và chắc chắn điều này sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các nhà đầu tư.

“Việt Nam cần ý thức được rằng, phải hành động rất quyết liệt. Trước mắt, nên tập trung tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư, sau đó nghiên cứu để có cơ chế bù đắp một phần hao hụt (nếu có) cho các nhà đầu tư đã, đang và sẽ có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói.

Thậm chí, theo ông Hiếu, trước bài toán “gấp gáp” này, cần có cách làm đặc biệt hơn, hiệu quả hơn, như tổ chức các cuộc họp bất thường của Quốc hội, hay xây dựng một luật để sửa nhiều luật…

Tổ công tác đã có, nhưng điều quan trọng, phải làm như thế nào? Theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, có nhiều vấn đề Việt Nam cần xử lý.

Trước hết là chủ động tham gia cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, tranh thủ cơ hội mới để cùng với đẩy nhanh hơn công cuộc cải cách đang được tiến hành, tạo nên động lực mới thu hút nhiều hơn, có chất lượng hơn vốn FDI theo định hướng tại Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tiếp đó là đối chiếu quy định quốc tế về thuế tối thiểu toàn cầu với chính sách thuế và ưu đãi đầu tư tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các quy định có liên quan để sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định quốc tế.

“Cần nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước đang phát triển áp dụng thuế tối thiểu để cân nhắc có nên áp dụng vào nước ta hay không khi điều chỉnh luật pháp liên quan đến FDI”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói và cho rằng, cũng cần đàm phán lại hợp đồng với doanh nghiệp FDI chịu tác động bởi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu theo nguyên tắc “cùng có lợi”, để loại trừ khả năng chuyển thuế sang nước cư trú của nhà đầu tư nước ngoài…

Lựa chọn nào cho Việt Nam?

Để trả lời câu hỏi “Đâu là lựa chọn tốt nhất cho Việt Nam?” không phải là chuyện đơn giản. Theo thông tin từ ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, quan điểm của Bộ Tài chính là bảo vệ quyền đánh thuế cho Việt Nam. Hiện G20 và EU đang chuẩn bị hướng dẫn thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2023 và Singapore, Hồng Kông đã nhanh chóng nâng thuế suất lên 15% để bảo vệ nguồn thu…

Ông Minh đã nhắc đến phương án tiếp tục tìm giải pháp để ưu đãi đầu tư cho các dự án đang hoạt động để bảo vệ nguồn thu, nhưng biện pháp dài hạn thì vẫn buộc phải nâng thuế suất tối thiểu lên 15%.

Trước bài toán “gấp gáp” này, cần có cách làm đặc biệt hơn, hiệu quả hơn, như tổ chức các cuộc họp bất thường của Quốc hội, hay xây dựng một luật để sửa nhiều luật…

- Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Liên quan đến vấn đề này, bà Hiền đã đề xuất việc áp dụng thuế suất thuế thu nhập tối thiểu nội địa bổ sung, nhằm bảo vệ cơ sở thuế của Việt Nam, song để “bù đắp” cho nhà đầu tư, thì nên nghiên cứu có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ bổ sung cho nhà đầu tư, bao gồm cả hỗ trợ bằng tiền.

Điều này, theo bà Hiền, là không vi phạm các cam kết về ưu đãi đầu tư, không làm phát sinh nghĩa vụ nộp thuế bổ sung tại quốc gia của công ty mẹ, giảm thiểu tác động đến quyền lợi của nhà đầu tư và ngân sách chính phủ, đạt được sự hài hòa lợi ích của cả hai bên.

Bà Annett Perschmann-Taubert cũng nhắc đến phương án này. Theo bà, các quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc, thậm chí cả các quốc gia châu Âu hoặc Mỹ, trước việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, đều đã không chỉ cung cấp ưu đãi thuế để thu hút FDI, mà còn cung cấp hỗ trợ dưới hình thức cấp tiền mặt.

“Việt Nam nên xem xét một cách tiếp cận tương tự và thiết kế lại các cơ chế khuyến khích đầu tư để đảm bảo quyền thu thuế, đồng thời giữ được sức hấp dẫn và tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài. Đây cũng là cơ hội tốt để xem xét lại những khoản đầu tư mà quốc gia muốn tập trung”, bà Annett nói và đưa ra các ví dụ cụ thể mà nhiều nước đang áp dụng.

Chẳng hạn, Trung Quốc cung cấp một số hỗ trợ về nghiên cứu và phát triển để thu hút sự phát triển trong các ngành công nghiệp tiên tiến, hoặc cung cấp các khoản hỗ trợ cho các công ty để giúp các công ty giảm bớt chi phí về điện. Malaysia cũng cung cấp một số nguồn vốn hoặc các khoản vay ưu đãi nhất định để thúc đẩy công nghệ sinh học. Ấn Độ đưa ra các biện pháp khuyến khích liên kết sản xuất để thúc đẩy sản xuất trong nước và thu hút các khoản đầu tư lớn vào sản xuất điện thoại di động.

“Thay vì cung cấp các ưu đãi về thuế, các chính sách hỗ trợ có thể được thiết kế để áp dụng trực tiếp cho các mục tiêu của đầu tư, như hỗ trợ đầu tư vào một số thiết bị, tài sản, nghiên cứu và phát triển, đầu tư vào con người… Những hỗ trợ này sau đó sẽ trực tiếp mang lại lợi ích cho việc đầu tư, cho dù công ty đang ở trong tình trạng lãi hay lỗ”, bà Annett nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, GS-TSKH. Nguyễn Mại đã nhắc đến trường hợp Intel trước đây cũng được Việt Nam hỗ trợ bằng tài chính, nhưng tất nhiên không phải hoàn toàn bằng tiền, mà thông qua sự hỗ trợ cho kinh phí đầu tư đào tạo nhân lực công nghệ cao.

Như vậy, việc hỗ trợ thêm, ngoài các ưu đãi bằng thuế, đã từng được áp dụng. Tuy nhiên thực tế, Intel cho đến nay là trường hợp duy nhất. Theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn đi sau Ấn Độ, Trung Quốc… trong các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư.

Trong khi đó, từ góc độ nhà đầu tư, ông Kim Yong Seok, Giám đốc Đối ngoại của Samsung cho biết, Việt Nam đang quá tập trung vào chính sách ưu đãi đầu tư thông qua thuế. Vì thế, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, thì những chính sách này sẽ không còn hiệu quả nữa.

“Đối với các doanh nghiệp đã và đang đầu tư, chúng tôi khá bất ngờ với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Chính vì vậy, Samsung mong muốn Chính phủ Việt Nam có thể nghiên cứu, ban hành thêm nhiều phương án, biện pháp mới để hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại đây”, ông Kim Yong Seok nói.

 

Theo baodautu.vn