VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Chính sách tài khóa - Chính sách tiền tệ

Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng: Ngân hàng “án binh” chờ hướng dẫn

20/01/2022 - 219 Lượt xem

 

Việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, tương đương tổng dư nợ tín dụng ưu đãi lên tới 2 triệu tỷ đồng, có thể sẽ không dễ dàng và nhanh chóng.
 

Bởi Ngân hàng Nhà nước kiên quyết không hạ chuẩn tín dụng, trong khi ngân hàng thương mại cũng hết sức thận trọng cho vay.

Nguồn lực cho gói hỗ trợ lãi suất đã sẵn sàng, song việc giải ngân còn chờ hướng dẫn cụ thể. Ảnh: Đức Thanh

 

 

Ngân hàng thận trọng “ngóng” cơ chế

Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội gần 350.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022 và 2023, trong đó có gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp có khả năng trả nợ, phục hồi. Theo ước tính của các chuyên gia, với gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, tổng tín dụng ưu đãi bơm ra nền kinh tế trong 2 năm có thể lên tới 2 triệu tỷ đồng.

Thông tin về gói hỗ trợ lãi suất được các doanh nghiệp hết sức kỳ vọng. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May 10 cho hay, nguồn vốn rẻ là điều cần thiết nhất đối với doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi hiện nay. Vì vậy, ông mong mỏi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần triển khai thật nhanh chóng để gói hỗ trợ lãi suất này kịp thời đến với doanh nghiệp.

Dù vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện tại, các ngân hàng thương mại vẫn chưa thể triển khai, mà đang chờ hướng dẫn.

“Triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đây là tiền hỗ trợ từ ngân sách, nguồn cho vay là từ nguồn huy động của người dân, nên cũng phải triển khai rất thận trọng”, ông Hùng nói.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, cơ quan này đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm vào một số đối tượng nhất định, đồng thời soạn thảo thông tư hướng dẫn chi tiết. Các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ là lực lượng chủ lực triển khai gói hỗ trợ này.

Mặc dù chưa có thông tin về điều kiện, đối tượng cho vay hỗ trợ lãi suất, song Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẽ không hạ chuẩn tín dụng, đồng thời Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm.

“Ngân hàng Nhà nước giữ quan điểm không hạ điều kiện cấp tín dụng, đồng thời kiểm soát cung tín dụng hàng năm, bao gồm cả gói hỗ trợ lãi suất. Tôi cho rằng, đây là giải pháp rất đúng đắn, bởi việc này vừa tránh nợ xấu, vừa kiểm soát được lạm phát”, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận xét.

 

Doanh nghiệp và ngân hàng đang rất quan tâm tới tình hình lãi suất cùng thông tin về gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, bởi nguồn vốn rẻ là rất cần thiết với doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi hiện nay. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Gia Nguyễn 

 

Chỉ doanh nghiệp khỏe mới được vay vốn?

Cũng như gói hỗ trợ lãi suất năm 2009, lực lượng ngân hàng thương mại nhà nước sẽ tiếp tục là lực lượng chủ đạo để triển khai gói hỗ trợ năm 2022 - 2023. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhà nước cho hay, nếu đối tượng vay ưu đãi không được quy định rõ ràng, ngân hàng sẽ không dám mạnh tay giải ngân, bởi sợ các hệ lụy phát sinh sau này.

Triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp, chúng tôi mong rằng, Chính phủ và các ngân hàng sẽ rút kinh nghiệm từ bài học năm 2009 để bơm vốn cho đúng các đối tượng ưu tiên, chảy vào sản xuất, thay vì vào kênh đầu cơ như chứng khoán, bất động sản…

- Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)

Liên quan đến đối tượng được vay vốn từ gói hỗ trợ lãi suất, TS. Phạm Thế Anh (Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách) cho rằng, thách thức lớn nhất của gói hỗ trợ lãi suất là cho vay đúng đối tượng và kiểm soát được nợ xấu, nhất là với những khách hàng mới. Chính vì vậy, giải pháp khả thi nhất, theo chuyên gia này, là ngân hàng thương mại sàng lọc khách hàng và hỗ trợ lãi suất cho chính các khách hàng hiện hữu của ngân hàng (đương nhiên là khách hàng đó phải đạt tiêu chí để nhận hỗ trợ).

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, gói hỗ trợ lãi suất sẽ nhắm vào các khách hàng vay mới để kích thích tăng trưởng kinh tế. Cho dù là khách hàng hiện hữu hay khách hàng mới, thì điểm chung là khách hàng phải “khỏe” thì mới đủ điều kiện vay vốn.

Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, TS. Lê Xuân Nghĩa đề xuất, Bộ Tài chính nên là cơ quan phê duyệt đối tượng doanh nghiệp nào được cấp bù lãi suất, bởi Bộ Tài chính rất hiểu “sức khỏe” của doanh nghiệp thông qua tình hình nộp thuế. Khi Bộ Tài chính gửi danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện cấp bù, nếu đủ điều kiện cho vay, các ngân hàng thương mại sẽ cho vay với lãi suất bình thường. Còn phần cấp bù lãi suất, doanh nghiệp nhận tại Bộ Tài chính. Như vậy, ngân hàng mới dám mạnh dạn cho vay và cũng tránh được lo ngại “sân trước - sân sau”.

Việc đưa ra các quy định chặt chẽ về đối tượng cho vay gói hỗ trợ lãi suất có thể khiến quá trình giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng này diễn ra không nhanh chóng, ồ ạt như năm 2009, song sẽ giúp dòng vốn được nắn vào lĩnh vực ưu tiên, đồng thời tạo tác động lan tỏa tích cực tới nền kinh tế.

Nếu được triển khai đúng đối tượng, theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, gói hỗ trợ lãi suất sẽ không chỉ tác động đến các doanh nghiệp được vay vốn, mà còn tác động tích cực đến cả cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, bản thân doanh nghiệp cũng phải tái cơ cấu mô hình kinh doanh.

 

Theo baodautu.vn