VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Chỉ số sản xuất công nghiệp phục hồi rõ nét

30/12/2021 - 337 Lượt xem

 

(Chinhphu.vn) – Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2021 tăng 4,82% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, đồng thời tiếp tục dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với 14,60 tỷ USD, chiếm 60,2% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế

Số liệu được Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố sáng nay (29/12) cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong quý IV/2021 tăng trưởng tích cực ngay sau khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 6,52% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả năm, trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sản xuất công nghiệp ước tính tăng 4,82% so với năm 2020 (quý I tăng 6,44%; quý II tăng 11,18%; quý III giảm 4,4%; quý IV tăng 6,52%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với mức tăng 6,37% (quý I tăng 8,9%; quý II tăng 13,35%; quý III giảm 4,09%; quý IV tăng 7,96%), đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Đề cập đến lý do để ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, bà Phí Thị Phương Nga, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (TCTK) cho biết có 4 nhóm nguyên nhân cơ bản.

Thứ nhất, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đang triển khai đồng bộ, quyết liệt các chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, cũng như khắc phục thiệt hại do dịch COVID-19. Đặc biệt, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ đã được thực hiện đồng bộ tại các địa phương trên cả nước, góp phần giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, trong tháng 10, khi Nghị quyết được ban hành, IIP và ngành chế biến, chế tạo có dấu hiệu phục hồi. Bước sáng tháng 11, 12, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khá, lần lượt là 8,6% và 10,9%.

Thứ hai là nhóm nguyên nhân liên quan đến kim ngạch xuất khẩu tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến ngành chế biến, chế tạo. Sản xuất kim loại năm 2021 tăng 22,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu sắt thép tăng 123,4%; xuất khẩu các sản phẩm từ sắt, thép tăng 29,4%. Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 10,2%; nhóm xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 17,6%.

“Nguyên nhân thứ 3 có thể kể đến là thu hút FDI tăng cao, đặc biệt trong quý IV, cũng là tiền đề quan trọng cho sự tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo”, bà Nga cho biết.

Cụ thể, thu hút FDI cả nước năm 2021 đạt 31,5 tỷ USD, tăng tới 9,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu về mức thu hút FDI trong cả năm, đạt trên 18 tỷ USD và chiếm 58,1% tổng vốn đăng ký.

Nguyên nhân cuối cùng đến từ bản thân các doanh nghiệp. Theo đại diện lãnh đạo TCTK, các doanh nghiệp đã chủ động nhiều phương án ứng phó với dịch COVID-19 bằng cách tổ chức sản xuất linh hoạt, phù hợp với điều kiện, diễn biến của dịch trong từng giai đoạn cụ thể. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu nhưng không kịp sản xuất, nhất là doanh nghiệp tại 19 địa phương phía nam, đã linh hoạt dịch chuyển đơn hàng xuất khẩu cho doanh nghiệp tại tỉnh, thành phố khác. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước để đáp ứng một phần sản xuất, xuất khẩu. 

Doanh nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan về triển vọng 2022

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK cho biết, việc chuyển hướng phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đã có tác động tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Cụ thể, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của TCTK chỉ ra rằng, có tới 75,1% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý IV/2021 so với quý III/2021 tốt lên và giữ ổn định (44,0% tốt lên và 31,1% giữ ổn định), chỉ còn 24,9% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.

Trong số các doanh nghiệp được khảo sát, có 77,4% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý IV/2021 tăng và giữ nguyên so với quý III/2021 (34,0% tăng, 43,4% giữ nguyên), tỉ lệ doanh nghiệp nhận định có đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm là 22,6 %.

Theo lĩnh vực, ngành sản xuất thiết bị điện có tỉ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý IV/2021 so với quý III/2021 tăng cao nhất với 48,0%, ngược lại, ngành sản xuất đồ uống có tỉ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm nhiều nhất với 40,7%.

Dự báo quý I/2022, tình hình tiếp tục khả quan hơn so với quý IV/2021 khi có tới 81,7% doanh nghiệp nhận định tình hình SXKD của doanh nghiệp tốt hơn và giữ ổn định (45,6% tốt hơn, 36,1% giữ ổn định), tỉ lệ doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn giảm xuống chỉ còn 18,3%.

Trong đó, các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2022 khả quan hơn với 83,3% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý IV/2021 (37,2% tăng, 46,1% giữ nguyên), 16,7% doanh nghiệp dự báo giảm.

Thêm vào đó, dự báo sử dụng lao động quý I/2022 so với quý IV/2021 cũng khả quan hơn với 88,2% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên (20,3% tăng, 67,9% giữ nguyên), 11,8% doanh nghiệp dự kiến lao động giảm./.

 

Theo baochinhphu.vn