VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

%C4%90i%E1%BB%83m%20n%C3%B3ng%3A%20T%C3%A1i%20c%E1%BA%A5u%20tr%C3%BAc%20n%E1%BB%81n%20kinh%20t%E1%BA%BF

Tổng nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế có thể lên tới 5,48% GDP

06/12/2021 - 290 Lượt xem

 

Nhóm nghiên cứu Thường trực Ủy ban Kinh tế và các chuyên gia đề xuất gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế 445.760 tỷ đồng cùng với lo ngại về khả năng lỡ nhịp phục hồi.
 
.
TS. Cấn Văn Lực: "Nếu không có chương trình đặc biệt, gói hỗ trợ đặc biệt, Việt Nam có thể lỡ nhịp phục hồi".  Ảnh: Duy Linh

 

TS. Cấn Văn Lực thay mặt nhóm đưa ra đề xuất về các gói chính sách tài khoá, tiền tệ và một số chính sách mới tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021. Thông điệp được gửi đi là, nếu không có gói hỗ trợ đặc biệt, có thể lỡ nhịp phục hồi.

Cụ thể, gói chính sách tài khóa có thể chiếm 4,71% GDP, với giá trị tuyệt đối là 383.200 tỷ đồng. Gói chính sách tiền tệ khoảng 6.100 tỷ đồng, chiếm 0,08% GDP. Gói chính sách an sinh xã hội chiếm 0,16% GDP. Và khoảng 0.46% dành cho các chính sách khác, như giảm tiền điện, nước, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đôi số, tài trợ các dự án nâng cấp, đổi mới công nghệ.... Tổng số các chính sách tài khóa, tiền tệ trên sẽ chiếm khoảng 5,41% GDP, với giá trị tuyệt đối là 439.759 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhóm đề xuất thêm khoản đầu tư của SCIC vào các doanh  nghiệp, với giá trị khoảng 6000 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,07% GDP.

“Như vậy, tổng hợp các chính sách, gói hỗ trợ có thể lên tới 445.760 tỷ đồng, chiếm 5,48% GDP”, TS. Lực nói về tính toán của Nhóm nghiên cứu cho Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế trong 2 năm 2022-2023.

Cơ sở cho các con số này, theo ông Lực, là tính cấp thiết của bối cảnh kinh tế thế giới, Việt Nam và nhu cầu hồi phục của nền kinh tế. 

"Việt Nam có vẻ đang phục hồi theo hình chữ U, thay vì chữ V của thế giới. Nếu không có chương trình đặc biệt, gói hỗ trợ đặc biệt, có thể lỡ nhịp phục hồi, không thực hiện được các chỉ tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã được thông qua", TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Điều quan trọng là dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ còn tương đối khả quan, kinh tế vĩ mô ổn định. Chính sách tiền tệ dư địa ít hơn, lãi suất đã giảm tương đối thấp, áp lực lạm phát tăng, nợ xấu có khả năng tăng lên, nhưng vẫn có thể lãi suất 0,5-1% trong thời gian tới.

"Quan điểm của chúng tôi là gói chính sách cần tác động cả phía cung và cầu, giải pháp khả thi, thực hiện nhanh gọn, hiệu quả và quan trọng là phối hợp tốt với các chính sách, đảm bảo tính tổng lực của gói hỗ trợ", TS. Cấn Văn Lực đề xuất tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021.

Như vậy, với đề xuất của Nhóm nghiên cứu, thâm hụt ngân sách có thể tăng thêm 1 điểm % mỗi năm trong 2022-2023. Các nguồn lực huy động có thể là tiết giảm chi phí, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, phát hành trái phiếu chính phủ, rà soát các quỹ ngoài ngân sách hay sử dụng 1 phần dự trữ ngoại hối nếu cần.

Đối tượng hưởng lợi của gói chính sách trên là người dân, doanh nghiệp, kéo dài trong 2 năm 2022-2023.

 
Đề xuất thực thi:
- Phối hợp nhịp nhàng chính sách (nhất là chính sách tài khóa và chính sách tiện tệ);
- Chấp nhận tăng nợ công, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ và tín dụng trong tầm kiểm soát;
- Tăng bảo lãnh phát hành trái phiếu của Chính phủ cho Ngân hàng chính sách xã hội; có giải pháp tăng vốn cho các ngân hàng thương mại;
- Chú trọng cải tiến hiệu quả, kịp thời khâu thực thi;
- Gắn kết chặt chẽ với Chiến lược phòng, chống dịch;
- Xây dựng lộ trình cụ thể để trung hòa các tác động của chính sách đã nêu trên;
- Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh; kiên quyết tháo gỡ rào cản, vướng mắc nhanh nhất có thể;
Chú trọng triển khai đồng thời các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra trong các kế hoạch, chương trình khác.

 

Theo baodautu.vn