VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Điểm nóng: Cách mạng công nghiệp 4.0

Làm chủ công nghệ lõi để chạy đua trong cách mạng 4.0

06/04/2021 - 292 Lượt xem

 

(Chinhphu.vn) - Trong những cuộc chiến thương mại của nền kinh tế 4.0, tài sản trí tuệ giữ vai trò quyết định tới sự thành công của doanh nghiệp. Là doanh nghiệp công nghệ với yếu tố hạt nhân là ‘tri thức’, Viettel đã đầu tư nhằm làm chủ các công nghệ lõi với mục tiêu gia nhập nhóm dẫn đường trong cuộc cách mạng số của nhân loại.

 

 

Mô hình doanh nghiệp toàn trình

Năm 2020, lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tăng lên 35% so với năm 2019. Trước đó, tại hội thảo Hội thảo “Vai trò của sở hữu trí tuệ với phát triển kinh tế xã hội” diễn ra năm 2019, ông Andrew Ong - Phụ trách Văn phòng khu vực châu Á Thái Bình Dương (WIPO) từng nhận xét: “Các chính sách của Việt Nam đã cho thấy hiệu quả khi số lượng bằng sáng chế nội địa tăng dần qua từng năm”. Những nỗ lực này không chỉ đến từ khối Chính phủ mà từ nhiều năm nay các doanh nghiệp như Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) đã sớm nhận ra và có đầu tư dài hạn, bài bản. 

 “Cùng một linh kiện, nhưng đội ngũ kỹ sư đã dồn trí tuệ của họ vào để tạo ra những giá trị cạnh tranh, như công nghệ cao hơn, có khả năng bán được giá thành tốt hơn. Tri thức được thể hiện bằng bảo hộ quyền SHTT sẽ tạo ra lợi lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm.” – ông Nguyễn Cương Hoàng, Phó tổng giám đốc VHT nêu quan điểm. Nhờ làm chủ công nghệ lõi, VHT sẵn sàng tùy biến để đáp ứng yêu cầu của từng bài toán cụ thể.

Đơn cử như nền tảng công nghệ lõi để triển khai hệ thống trạm thu phí không dừng ePass được đưa vào hoạt động từ cuối tháng 12/2020 thực tế được phát triển từ nền tảng công nghệ lõi vOCS3 – hệ thống được mệnh danh “trái tim nhà mạng”.

Được thiết kế cho hệ thống tính cước viễn thông và đã triển khai tại 11 thị trường với 170 triệu khách hàng, nhưng khi áp dụng cho hệ thống tính cước của trạm thu phí không dừng hay Mobile Money, vOCS 3.0 vẫn chứng tỏ được sự ưu việt. Nếu như hệ thống của các vendor (nhà cung cấp) lớn như Ericsson, LG... sử dụng mô hình dữ liệu cố định, khó thay đổi theo nhu cầu của khách hàng thì công nghệ của VHT lại thể hiện rõ sự linh hoạt.

Khác biệt này đã giúp giải pháp kĩ thuật “Phương thức phân chia dữ liệu ngẫu nhiên trong các hệ thống phân tán đa vi xử lý” của VHT được cấp bằng bảo hộ tại Mỹ, dù theo anh Vũ Đức Chính – thành viên nhóm nghiên cứu, việc bảo hộ hệ cơ sở dữ liệu trên bộ nhớ rất khó tại Mỹ, do lượng sáng chế trong lĩnh vực này cực kỳ nhiều và thường thuộc về các công ty lớn như Oracle, IBM… Thành tựu trên giúp VHT khẳng định rằng khi đã sở hữu công nghệ lõi thì có thể phát triển rất nhiều các hệ thống, công nghệ hữu ích khác.

“VHT tự tin cung cấp dịch vụ trọn gói từ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh cho đến các hoạt động sau bán (bảo hành, bảo dưỡng, bảo trì), hướng tới mô hình của một doanh nghiệp toàn trình. Nghĩa là có thể tùy biến để đáp ứng mọi bài toán cụ thể của khách hàng, xử lý ngay khi có sự cố thay vì phải chờ đợi nếu sử dụng hệ thống của vendor nước ngoài” – anh Vũ Đức Chính cho biết.

Tăng sức cạnh tranh quốc tế

Xác định trở thành hạt nhân trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Việt Nam, với VHT, việc có 28 sáng chế bảo hộ trong nước và 4 sáng chế bảo hộ ở Mỹ bao trùm 3 lĩnh vực quân sự, hạ tầng viễn thông và dân dụng mới chỉ là bước khởi đầu. Mục tiêu của VHT là mỗi năm có thêm 50-70 đơn đăng kí sáng chế trong và ngoài nước.

Cơ sở để VHT đặt ra mục tiêu này bởi họ đã có 10 năm nếm mật nằm gai, chuẩn bị cả về nhân sự, thiết bị… và xây dựng được một quy trình để những nghiên cứu có thể từ phòng lab trở thành sản phẩm mang giá trị cho xã hội, cộng đồng và đất nước. Sáng chế ở VHT bao giờ cũng bắt nguồn từ bài toán thực tế, nghiên cứu vừa thử nghiệm thực tế để đo đếm hiệu quả rồi lại tối ưu ở mức tốt nhất.

Bởi vậy, sau vOCS 3.0, thế hệ 4.0 của hệ thống tính cước thời gian thực đang được đội ngũ kỹ sư hoàn thiện, bổ sung thêm các tính năng như mô hình mạng viễn thông ảo - MVNO (Mobile Virtual Network Operator), Network Slicing, sẵn sàng hỗ trợ tính cước cho các thuê bao IOT/5G giúp tiết kiệm chi phí, hỗ trợ điều hành dễ dàng hơn. Sau khi phiên bản này hoàn thành, Việt Nam sẽ chính thức gia nhập nhóm những quốc gia sản xuất OCS hỗ trợ công nghệ tiến tiến ảo hoá trên thế giới từ đó mở ra cơ hội kinh doanh trên toàn cầu. Với chiến lược toàn trình từ công nghệ mới, khác biệt tới cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất, VHT đã gửi bài thầu tới hơn 30 nhà mạng trên thế giới mà thị trường mục tiêu là các quốc gia châu Á như Indonesia, Philippines, Pakistan...

Năm 2020, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch, nguồn nội lực sau một thập kỷ nuôi dưỡng đã giúp VHT hoàn thành chỉ tiêu doanh thu 101%. Việc sở hữu những công nghệ lõi và được bảo hộ trên thế giới thực sự trở thành ‘key point’ tạo ra sức mạnh cạnh tranh cho bất kỳ công ty, tổ chức nào trong cuộc cách mạng công nghệ cao, nhất là với những công ty như VHT đang hướng đến xuất khẩu. Việc đầu tư bài bản, có trọng tâm trở thành nền móng vững chắc để VHT luôn tự tin đặt ra mục tiêu cao hơn.

“7 năm trước, Việt Nam chỉ là nước đi sau thế giới về 4G nhưng VHT đã mạnh dạn đề xuất nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi 4G dù có thể mua từ rất nhiều nhà cung cấp. Ngày hôm nay nhìn lại mới thấy, nếu không nghĩ đến việc làm chủ công nghệ lõi thì có thể đến 5G chúng ta vẫn phải đi mua và không thể có chuyện chạy đua và lọt top dẫn đầu của thế giới  chỉ sau 6 tháng như ngày hôm nay” – Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Cương Hoàng nhắc lại câu chuyện 4G như một bằng chứng cho thấy tầm nhìn đầu tư dài hạn vào công nghệ và sở hữu trí tuệ đã và đang giúp VHT có được vị thế xứng đáng trong những cuộc đua công nghệ quan trọng trên thế giới.

 

Theo baochinhphu.vn