VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

%C4%90i%E1%BB%83m%20n%C3%B3ng%3A%20C%C3%A1ch%20m%E1%BA%A1ng%20c%C3%B4ng%20nghi%E1%BB%87p%204.0

Doanh nghiệp P2P Lending chờ “đèn xanh” cho Sandbox

25/12/2020 - 572 Lượt xem

 

Fintech cho vay ngang hàng (P2P Lending) có thể được cấp phép hoạt động chính thức sau 1-2 năm tham gia Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox). Đề án này vẫn trong quá trình đệ trình Chính phủ.
 

Theo Dự thảo xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các Fintech được tham gia thử nghiệm nằm trong các lĩnh vực thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng (P2P Lending), hỗ trợ định danh khách hàng, giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo như Blockchain, hỗ trợ hoạt động ngân hàng (như chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn...).

Các doanh nghiệp tham gia Sandbox phải thoả mãn 6 tiêu chí về giải pháp Fintech như hoàn toàn chưa có hoặc một phần chưa có quy định pháp lý điều chỉnh, giải pháp sáng tạo lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam hoặc có tính sáng tạo cao, không có hoặc ít có khả năng gây ra tác động xấu tới các tổ chức tài chính nói riêng và cả hệ thống tài chính nói chung, có tính khả thi và thương mại cao....

Tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, thời gian thử nghiệm các giải pháp có thể kéo dài từ 1-2 năm. Sau đó, doanh nghiệp Fintech sẽ được cấp chứng nhận hoàn thành thử nghiệm (tốt nghiệp) hoặc phải gia hạn thử nghiệm, thậm chí dừng thử nghiệm.

Sandbox kỳ vọng sẽ “dẹp loạn” app vay biến tướng

Hiện vẫn còn nhiều đánh giá và ý kiến xung quanh các nội dung được Dự thảo đề cập. Nhưng nhìn chung, theo các chuyên gia tài chính, việc nhanh chóng có cơ chế pháp lý thử nghiệm cho các dịch vụ tài chính mới không những nâng cao hiệu quả quản lý, mà còn gia tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Fintech Việt, trong đó có P2P Lending.

 

.
.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Sandbox sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ. Đặc biệt, sẽ hạn chế rủi ro xảy ra cho khách hàng khi tham gia sử dụng dịch vụ Fintech chưa được cho phép chính thức.

Riêng trong lĩnh vực P2P Lending, đây là một chương trình thử nghiệm có kiểm soát để cơ quan chức năng quan sát và đánh giá hoạt động của các công ty Fintech hoạt động trong lĩnh vực P2P Lending. Một công ty được phép tham gia chương trình thử nghiệm này được xem là một sự chấp thuận của cơ quan chức năng cho phép công ty này hoạt động một cách hợp lệ, ít nhất trong thời gian thử nghiệm. Những công ty hoạt động trong lĩnh vực P2P Lending mà không nằm trong danh sách những công ty đang tham gia Sandbox, có thể được thị trường đánh giá thấp và có thể được xem là hoạt động “ngoài vòng kiểm soát”.

“Điều này có nghĩa là Sandbox sẽ gián tiếp phân loại những công ty P2P Lending đang hoạt động trên thị trường thuộc diện “hợp lệ” hay “không hợp lệ”, và đó là một tín hiệu quan trọng cho nhà đầu tư và bên đi vay khi quyết định tham gia vào hoạt động này”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Đánh giá sâu hơn về ảnh hưởng của Sandbox đến hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending), ông Ngô Tấn Vũ Khanh - Giám đốc quốc gia Kaspersky khu vực Indochina cho biết, giai đoạn 2018 - 2019 Việt Nam có trên 200 doanh nghiệp hoạt động theo mô hình P2P Lending hay cho vay online, hiện đã giảm dần xuống còn 50 doanh nghiệp và cũng chỉ có trên dưới 10 doanh nghiệp thật sự đầu tư nghiêm túc.

“Sự suy giảm nhanh chóng số lượng các doanh nghiệp P2P chủ yếu đến từ tác động của quy luật cạnh tranh công nghệ và truyền thông trong việc giảm thiểu vấn nạn tín dụng đen núp bóng cho vay ngang hàng. Do đó áp dụng Sandbox sớm sẽ giúp những doanh nghiệp chân chính phát triển và đâu đó từng bước “dẹp” được các đối tượng biến tướng lợi dụng mô hình P2P Lending để trục lợi”, ông Khanh nói.

Chờ Sandbox như “nắng hạn chờ mưa”

Nhiều doanh nghiệp P2P Lending nhận định, cơ chế Sandbox là điều mà hầu hết các doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc trong lĩnh vực này mong đợi.

“Vẫn còn một số vấn đề khiến chúng tôi băn khoăn trong việc xét duyệt các tiêu chí để được tham gia Sandbox, ví dụ với doanh nghiệp Fintech hoạt động trong lĩnh vực thanh toán hay P2P Lending, giải pháp công nghệ về cơ bản là khá giống nhau, vậy làm thế nào để chọn ra đâu là giải pháp đầu tiên và đâu là giải pháp có tính sáng tạo cao?”, một lãnh đạo P2P Lending cho hay.

 

.
.

Tuy nhiên, vị đại diện này cũng khẳng định chính sự chặt chẽ của Dự thảo sẽ góp phần sàng lọc thị trường P2P, vì rõ ràng chỉ có những doanh nghiệp có hồ sơ pháp lý minh bạch và hoạt động hiệu quả mới vượt qua được những tiêu chí này để tham gia Sandbox và “tốt nghiệp” từ cơ chế thử nghiệm này.

Theo quan sát trong cộng đồng P2P Lending, nhiều doanh nghiệp lớn đã chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình thử nghiệm sắp tới.

Đại diện VFL, doanh nghiệp quản lý, vận hành VNVON.com (một trong những sàn P2P kết nối nhà đầu tư và doanh nghiệp được chú ý nhất hiện nay) cho biết đến thời điểm hiện tại, VFL đã gần như đã hoàn tất các hồ sơ pháp lý để đăng ký tham gia Sandbox ngay khi Dự thảo được Chính phủ thông qua.  

Trong giải pháp Fintech của VNVON.com, quy trình quản trị rủi ro được doanh nghiệp này đặc biệt quan tâm.

“Chúng tôi đã ban hành nhiều quy định nội bộ đầy đủ và phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành như quy trình thẩm định khách hàng, quy trình quan hệ khách hàng, quy trình giải ngân, quy trình quản lý rủi ro nhà đầu tư, quy trình xử lý nợ…

Tâm điểm của các quy trình trên là để kiểm soát rủi ro và bảo vệ nhà đầu tư, nhưng đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn với mức lãi suất hợp lý, quy trình thông thoáng, đơn giản để hổ trợ doanh nghiệp hiệu quả nhất”, đại diện VFL cho biết.

 

Theo baodautu.vn