VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

TRỰC TIẾP: Quốc hội thảo luận về tình hình KT-XH

03/11/2020 - 250 Lượt xem

 

(Chinhphu.vn) – Sáng 3/11, Quốc hội bắt đầu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020; kế hoạch năm 2021; mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Quốc hội dành 3 ngày trong chương trình kỳ họp thứ 10 cho nội dung này. Trong quá trình thảo luận, các thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội phát biểu một số vấn đề liên quan.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tường thuật trực tiếp các phiên thảo luận, mời quý vị theo dõi truyền hình trực tiếp TẠI ĐÂY.

Xem toàn văn báo cáo do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội TẠI ĐÂY.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (TP. Hà Nội) nêu thực trạng triển khai các dự án đường sắt đô thị đang tồn tại nhiều vấn đề như dự án lớn, đầu tư lớn nhưng đội vốn, kéo dài, gây bức xúc, cần rút kinh nghiệm để không lặp lại các dự án sau.

Ông Nguyễn Phi Thường cho rằng các dự án đường sắt đô thị cần phải gắn kết với định hướng phát triển hệ thống vận tải công cộng, liên kết chặt chẽ với không gian đô thị, bảo đảm tiện nghi phù hợp, có kết nối giữa nhà ga và đô thị, mạng lưới bãi xe, xe buýt trung chuyển,… Đầu tư đường sắt đô thị cần gắn với tái cấu trúc không gian đô thị, hệ thống giao thông công cộng nếu không đây chỉ là loại hình giao thông nhập khẩu.

Chúng ta cũng cần xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn đường sắt đô thị phù hợp điều kiện của Việt Nam, nghiên cứu mô hình đường sắt đô thị tư nhân như ở Tokyo.

Đại biểu TP. Hà Nộ cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để Đường sắt Cát Linh-Hà Đông vận hành vào cuối năm 2021, không để sai hẹn đến lần thứ 9.

Đại biểu Trần Văn Cường, đoàn Đồng Tháp bày tỏ cơ bản thống nhất với các báo cáo của Chính phủ, góp ý về việc quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thời gian qua. Theo đại biểu, cử tri phản ánh tình trạng khá phức tạp về thuốc giả, phân bón kém chất lượng, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Đại biểu cho rằng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện số lượng thuốc bảo vệ thực vật và tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều, quản lý khó khăn. Chế tài với các vi phạm chưa đủ sức răn đe, một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ đã lạm dụng thuốc. Danh mục chất cấm chưa đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực.

Đại biểu kiến nghị cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực về kiểm soát các hoạt chất, hóa chất độc hại; tăng cường chế tài với các vi phạm; thí điểm áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nông sản…

Một giải pháp quan trọng là thay đổi nhận thức người dân, để người dân nhận thức được tác hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật; ý thức về giống nòi mai sau và sự phát triển bền vững của đất nước…

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) phát biểu.

Mở đầu phiên thảo thuận, đại biểu Nguyễn Thị Lan (TP. Hà Nội) đề xuất một số kiến nghị chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là mô hình DN khởi nguồn công nghệ hình thành trong các trường ĐH để thương mại hóa các công nghệ được được nghiên cứu, phát triển trong các trường ĐH, viện nghiên cứu.

Bà Nguyễn Thị Lan để nghị cần rà soát hoàn thiện văn bản dưới luật liên quan để thúc đẩy thị trường KHCN, thương mại hóa như Luật Giáo dục ĐH, Luật KH&CN… ; bổ sung chiến lược, quy hoạch phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, dự báo đổi mới công nghệ; có chính sách đột phá, thích hợp để huy động được đội ngũ đông đảo những người làm khoa học trong nước khoa học tham gia đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, thu hút các nhà khoa học nước ngoài và Việt kiều.

Những dấu ấn nổi bật

Theo chương trình kỳ họp thứ 10, ngày 3/11, Quốc hội sẽ thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 (trong đó có thảo luận một số nội dung liên quan các vấn đề về an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập và phát triển điện lực; báo cáo kết quả 03 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng).

Quốc hội cũng thảo luận về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Cùng với đó, Quốc hội thảo luận về dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch: đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Các đại biểu cũng sẽ thảo luận về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.

Chiều cùng ngày, từ 16 giờ 40, Quốc hội thảo luận về công tác nhân sự.

Các ngày 4 và 5/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, Bản Mồng.

Thảo luận tại tổ ngày 1/11, ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, Báo cáo kinh tế-xã hội được Thủ tướng Chính phủ trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội rất sinh động, toàn diện, có minh chứng rõ ràng với những số liệu rất cụ thể và thuyết phục. Những kết quả đạt được có sự đóng góp rất quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với sự chỉ đạo, điều hành rất quyết liệt, sát sao, linh hoạt và nhạy bén.

Theo báo cáo của Chính phủ, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020.

Cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện.

Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2 - 3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hoá, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN); GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD.

Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30 - 35%). Mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, lao động giá rẻ, mở rộng tín dụng…, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.  Đồng thời, chúng ta tiếp tục duy trì và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến động mạnh.

Cùng với đó, trong 5 năm qua, các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt những kết quả tích cực. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Phát triển văn hoá, xã hội đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu được tăng cường và có những chuyển biến rõ nét. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh được cải thiện; phòng chống tham nhũng được quyết liệt chỉ đạo và đạt kết quả quan trọng

Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng./.

 

Theo baochinhphu.vn