VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Đại dịch COVID-19, hệ lụy và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

02/11/2020 - 283 Lượt xem

 

 (Chinhphu.vn) - Đại dịch COVID- 19 đang làm thay đổi thế giới, tác động tiêu cực trực tiêp tới kinh tế và thương mại quốc tế. Trong bối cảnh đó, cần khẩn trương nghiên cứu thực hiện các chính sách và giải pháp phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam.

Tất cả các nền kinh tế đều đồng thời bị tác động bất ngờ theo cách như nhau do COVID-19.

Đại dịch COVID- 19 đang làm thay đổi thế giới trên bốn góc độ.

Thứ nhất, trật tự và hoạt động kinh tế thế giới thay đổi mạnh mẽ do hầu hết các quốc gia đang trải qua thời kỳ cách ly tại nhà, giãn cách xã hội và thậm chí đóng cửa quốc gia. Hoạt động kinh tế chỉ nhằm cung cấp nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống, khu vực doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện bình thường mới-chính là sự ngưng trệ của tất cả các yếu tố hoạt động kinh tế.

Thứ hai, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn rơi vào tình trạng gay gắt, diễn ra trên nhiều lĩnh vực, mô hình quan hệ giữa các siêu cường thay đổi mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện.

Thứ ba, đại dịch COVID - 19 đã mang lại những thăng trầm chưa từng thấy trong tư tưởng chính trị và xã hội kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Để đối phó với đại dịch, mối quan hệ giữa chính phủ, xã hội và cá nhân đang có những điều chỉnh lớn.

Thứ tư, đại dịch COVID-19 đang định hình lại hướng đi của dư luận toàn cầu, dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài ngoại; tự do, mở cửa và xuyên quốc gia theo toàn cầu hoá cũng như tương tác xã hội xuyên khu vực đang phải đối mặt với thách thức và hạn chế nghiêm trọng. Điều này thúc đẩy sự ngăn chặn lẫn nhau; cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn ngày càng khốc liệt.

Đại dịch COVID-19 gây ra khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, khủng hoảng kinh tế và sinh kế, hiện nay nhiều nền kinh tế lớn đang rơi vào suy thoái nghiêm trọng, từ đó trật tự kinh tế thế giới có thể được cải tổ trên quy mô lớn và quá trình toàn cầu hóa sẽ được điều chỉnh. Đại dịch làm cho thế giới có thể bước vào thời kỳ cạnh tranh, phòng ngừa và cảnh giác giữa các quốc gia.

Với bối cảnh thế giới thay đổi trong và sau đại dịch, kinh tế và thương mại thế giới chịu tác động của 4 đặc điểm KHÁC BIỆT cơ bản. Thứ nhất, tất cả các nền kinh tế đều đồng thời bị tác động bất ngờ theo cách như nhau. Thứ hai, cả bên cung lẫn bên cầu đều suy giảm chứ không bị mất cân đối đáng kể so với trước đây.

Thứ ba, kinh tế và thương mại sa sút không phải do nguyên nhân trong hệ thống hay mang tính cơ cấu mà do hiệu ứng từ những biện pháp hành chính cần thiết để đối phó đại dịch như phong tỏa, giãn cách hay cách ly xã hội, phong tỏa biên giới quốc gia…

Thứ tư, mức độ toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và hội nhập quốc tế hiện tại cao hơn trước đây rất nhiều. Tăng trưởng kinh tế thế giới hiện đang giảm tốc và tác động mạnh mẽ đến tổng cầu kinh tế thế giới.

Các hệ lụy với kinh tế quốc tế

Kinh tế và thương mại quốc tế bị ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp trên bốn phương diện.

 Thứ nhất: Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn cục bộ, lưu thông hàng hoá, dịch vụ và lao động toàn cầu không còn như trước khiến cho mọi hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư không thể thông suốt và hiệu quả, do vậy kinh tế và thương mại quốc tế không thể hoạt động bình thường chứ chưa nói đến có thể tăng trưởng. Bên cạnh đó nguy cơ sa vào trì trệ hoặc thậm chí cả suy thoái không chỉ như hiện nay mà còn có thể gia tăng;

Thứ hai: Đại dịch COVID -19 đã làm suy giảm tiêu dùng của người dân và xã hội, ảnh hưởng nhiều nhất đến lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Vì thế những  nền kinh tế dựa vào du lịch và dịch vụ làm trụ cột và động lực tăng trưởng đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất và tiêu cực nhất bởi đại dịch này;

Thứ ba: Đại dịch COVID-19 hoành hành và diễn biến phức tạp như hiện nay, mặc dù một số quốc gia đang khẩn trương phát triển tiến tới đưa vacxin phòng chống dịch vào sử dụng trong cộng đồng nhưng vẫn làm giảm nhiệt huyết của các nhà đầu tư và các doanh nhân cũng ngần ngại đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, điều này tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư;

Thứ tư: Mối quan hệ và mức độ hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các đối tác trên thế giới bị ngưng trệ khi chính phủ và các doanh nghiệp quyết định ngừng hoạt động kinh tế ở những nơi bị dịch bệnh, đồng thời chuyển dịch cơ sở sản xuất ra nơi khác.

Hệ luỵ đối với khu vực doanh nghiệp Việt Nam

Trong 9 tháng đầu năm 2020 cả nước có 98.954 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên số DN thành lập mới trong 9 tháng đầu năm bị sụt giảm trong giai đoạn 2015-2020. Trong khi đó, 9 tháng đầu năm giai đoạn 2015-2019 số DN thành lập mới bình quân mỗi năm tăng 14,3%. Có 78,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có 38,6 nghìn DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 81,8% với cùng kỳ năm 2019.

Theo đánh giá của cộng đồng DN, đến thời điểm trung tuần tháng 9 năm 2020 có tới trên 80% doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch. Tuy vậy, cũng có 3,3% số doanh nghiệp nhận được ảnh hưởng tích cực từ đại dịch, các doanh nghiệp này hoạt động trong những ngành như bảo hiểm, y tế, bưu chính và chuyển phát, ....

Doanh thu của khu vực DN giảm, trong đó DN siêu nhỏ giảm nhiều nhất, tiếp đến là DN nhỏ, DN vừa và DN lớn. Điều này phản ánh sức chống chọi của DN phụ thuộc rất lớn vào quy mô DN. Doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ giảm doanh thu nhiều nhất, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng. Doanh nghiệp khu vực Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm doanh thu ít nhất.

Lao động bình quân 9 tháng đầu năm 2020 của khu vực doanh nghiệp giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng có tỷ lệ lao động giảm ở mức cao nhất.

Kinh tế nước ta có độ mở lớn không chỉ với hàm ý xuất khẩu là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Cộng đồng DN cho biết hiện có khoảng 1/3 số doanh nghiệp đang thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào. Nhóm doanh nghiệp có quy mô càng lớn có tỷ lệ thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào càng cao, tỷ lệ này giảm dần theo quy mô doanh nghiệp.

Điều này không có nghĩa trong bối cảnh đại dịch doanh nghiệp càng nhỏ càng gặp ít khó khăn khi tiếp cận nguồn nguyên, vật liệu đầu vào. Đối với doanh nghiệp càng nhỏ sự thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào càng đáng lo ngại. Hiện tại doanh nghiệp siêu nhỏ việc tiếp cận nguyên, vật liệu đầu vào chỉ thỏa mãn được gần 1/5 nhu cầu, tỷ lệ này tăng dần theo quy mô doanh nghiệp đến nhóm doanh nghiệp lớn là trên 1/3 nhu cầu.

Thị trường tiêu thụ trong nước bị thu hẹp, khi có tới trên 2/3 số doanh nghiệp cho rằng thị trường tiêu thụ trong nước giảm mạnh. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu thu hẹp ở mức khá cao. Các doanh nghiệp xuất khẩu có quy mô càng lớn có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu thu hẹp càng cao.

Sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu và khó khăn trong lưu thông hàng hóa đang là những khó khăn lớn nhất của đại bộ phận doanh nghiệp; chi phí vận chuyển, lưu kho tăng cũng là vấn đề đáng quan ngại.

Theo quy mô doanh nghiệp, khó khăn trong lưu thông hàng hóa đang là vấn đề lớn nhất với nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ; trong khi với nhóm doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn, khó khăn lớn nhất do sụt giảm đơn hàng xuất khẩu.

Với tiềm lực tài chính và khả năng thanh khoản của khu vực DN nước ta còn yếu, khi đại dịch COVID -19 lan rộng và diễn biến phức tạp, gây đình trệ sản xuất làm cho khu vực DN càng gặp nhiều khó khăn hơn về vốn cho sản xuất.

Giải pháp hỗ trợ cần kịp thời

Để thích ứng với đại dịch cộng đồng doanh nghiệp đã nhanh chóng tìm hướng đi mới, thực hiện nhiều giải pháp nhằm duy trì hoạt động SXKD trong giai đoạn khó khăn. Có khoảng 2/3 số doanh nghiệp đã áp dụng ít nhất một trong những giải pháp để cố gắng thích ứng hoạt động sản xuất trong điều kiện bình thường mới.

Một nét đẹp trong cộng đồng DN thể hiện sự “tương thân, tương ái”, hình thức liên kết được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhất là cho trả chậm tiền hàng, với 33,3% doanh nghiệp áp dụng; chia sẻ đơn hàng với 7,9%; hàng đổi hàng với 3,8%; cho vay với 2,8% doanh nghiệp áp dụng. Trong hoạt động này, nhóm doanh nghiệp vừa và lớn có mối quan hệ mật thiết giữa các doanh nghiệp hơn nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Doanh nghiệp khu vực công nghiệp và xây dựng có mối liên hệ chặt chẽ nhất với tỷ lệ là 50,1%, tiếp theo là ngành dịch vụ 46,8%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 43,5%.

Với thực trạng “sức khoẻ” của khu vực DN và những hệ luỵ của đại dịch COVID -19 gây ra cho DN và nền kinh tế, cần khẩn trương nghiên cứu thực hiện các chính sách và giải pháp phù hợp, có quy mô tác động đủ lớn, thời gian thực hiện trong trung và dài hạn.

Các giải pháp này cần đáp ứng 4 mục tiêu: đảm bảo ổn định kinh tế-xã hội, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh trong giai đoạn hậu COVID -19; hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể doanh nghiệp, tạo điều kiện để khu vực DN phục hồi nhanh khi tác động của đại dịch suy giảm và chấm dứt; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, bảo đảm an sinh xã hội.

Cụ thể, thực hiện chính sách tài khoá nghịch chu kỳ, sử dụng ngân sách Nhà nước cấp tiền hoặc cho vay ưu đãi để các DN có đủ vốn vượt qua khó khăn. Rà soát lại các quy định, điều kiện, nới lỏng các yêu cầu về điều kiện thụ hưởng, đổi mới công tác triển khai cũng như xoá bỏ các quy định cồng kềnh để DN có thể thụ hưởng chương trình hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách và gói hỗ trợ tín dụng, chấp nhận thà giúp nhầm còn hơn bỏ sót để hỗ trợ thực sự đến được những doanh nghiệp dễ bị tổn thương.

Khi nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi tăng trưởng sau đại dịch, chính sách tài khoá cần chuyển hướng sang hỗ trợ có trọng tâm để bảo vệ cho các DN dễ bị tổn thương, hỗ trợ tạo động lực cơ cấu lại nền kinh tế; hỗ trợ đầu tư trong nước hiệu quả hơn và hỗ trợ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc để tranh thủ được xu hướng chuyển dịch đầu tư trực tiếp nước ngoài do đại dịch tạo ra.

Điều hành lãi suất linh hoạt, hạ lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi , phí; linh hoạt thực hiện chính sách  ưu đãi tín dụng tại các ngân hàng thương mại, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng.

Khẩn trương có giải pháp và triển khai thực hiện hỗ trợ DN tiếp cận kênh thông tin về xuất, nhập khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào, tránh phụ thuộc vào một thị trường và thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời hỗ trợ DN đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ.

Có giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất;

Thực hiện kích cầu tiêu dùng và đầu tư, với nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước gần 100 triệu dân và thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Hỗ trợ giá, bù đắp chi phí vận chuyển, lưu kho tăng do cộng đồng doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ các thị trường mới với các chi phí liên quan cao hơn như: giá nguyên, vật liệu cao hơn, chi phí vận chuyển cao hơn do phải chuyển chở quãng đường dài hơn. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng vật tư trong nước vượt qua khó khăn, tiếp tục thực hiện vai trò nhà cung ứng nguyên liệu, hàng hoá đầu vào trong nước.

Ban hành và triển khai thực hiện một số chính sách đặc thù để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thuộc một số ngành lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như du lịch, hàng không...,

Nghiên cứu, ban hành và khẩn trương thực hiện chính sách kinh tế mới để “lôi kéo” doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất trong điều kiện bình thường mới của nền kinh tế.

Đào tạo lực lượng lao động, đặc biệt đội ngũ lao động trẻ hiện nay chiếm 28,5% lực lượng lao động, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại, tăng cường kỹ năng cho người lao động để lực lượng lao động đáp ứng được nhu cầu lao động trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với những thay đổi của thế giới do đại dịch COVID-19 tạo ra.

Các chính sách và giải pháp cần thực hiện kịp thời, đúng thời điểm vì chính sách được thực hiện muộn vẫn là chính sách nhưng không còn tác dụng.

 

Theo baochinhphu.vn