VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Tập đoàn, tổng công ty lỗ lũy kế trên 10.268 tỷ đồng

15/10/2020 - 341 Lượt xem

 

Năm 2019, các tập đoàn, tổng công ty có tổng các khoản phải thu 360.982 tỷ đồng, tăng 11%, trong đó, nợ phải thu khó đòi 18.251 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2018
 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2019 sẽ được gửi tới Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 thì kết thúc năm tài chính 2019, cả nước có 107/818 doanh nghiệp có vốn nhà nước kinh doanh thua lỗ.

Hơn 13% doanh nghiệp thua lỗ

Bộ Tài chính cho biết, tính đến cuối năm 2019, Nhà nước đã đầu tư 1.601.182 tỷ đồng vào 818 doanh nghiệp (trong đó có 491 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước), nhưng số doanh nghiệp bị thua lỗ chiếm trên 13%; số doanh nghiệp có lãi đã nộp vào ngân sách nhà nước 396.356 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2018.

Mặc dù có tới 107 doanh nghiệp có vốn nhà nước năm 2019 hoạt động kinh doanh thua lỗ, song theo ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính thì doanh nghiệp có vốn nhà nước, trong đó trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn là công cụ để điều tiết nền kinh tế, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội.

“Các DNNN hoạt động chủ yếu trong những lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân không làm được, hoặc đóng vai trò dẫn dắt, khai phá những lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế như điện lực, năng lượng, an ninh, quốc phòng, cảng biển, sân bay… Đồng thời, DNNN cũng có các hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ nguyên tắc thị trường, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác”, ông Dũng cho biết.

Nguyên nhân dẫn thua lỗ, ngoài nguyên nhân khách quan như tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và có các yếu tố không thuận lợi; kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại, cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn gia tăng, rủi ro trên thị trường quốc tế gia tăng, nhiều quốc gia nới lỏng chính sách tài chính, tiền tệ..., theo ông Dũng còn có nhiều nguyên nhân chủ quan.

Đó là một số vấn đề tồn tại nội tại của nền kinh tế được tích tụ của nhiều năm vẫn chưa được giải quyết triệt để, trong đó có các vướng mắc, khó khăn, hạn chế liên quan đến hoạt động của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước nên việc tái cơ cấu gặp khó khăn.

 Tập đoàn, tổng công có nợ phải thu khó đòi tăng tăng 25%

Theo số liệu của Bộ Tài chính, so với năm 2018 thì năm 2019, tổng tài sản của DNNN tăng 3%; vốn chủ sở hữu tăng 4%; doanh thu tăng 7%; lãi phát sinh trước thuế giảm 2%; tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu đạt 11% - giảm một điểm phần trăm so với năm 2018... Đặc biệt có tới 12 tập đoàn, tổng công ty và 6 công ty mẹ có lỗ lũy kế đến 31/12/2019 trên 10.268 tỷ đồng.

Năm 2019, theo số liệu của Bộ Tài chính, các tập đoàn, tổng công ty có tổng các khoản phải thu là 360.982 tỷ đồng, tăng 11%, trong đó, nợ phải thu khó đòi là 18.251 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2018. Mặc dù tổng nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty năm 2019 không tăng nhưng vẫn ở mức rất cao (1.448.622 tỷ đồng) khiến hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của nhiều doanh nghiệp lớn hơn mức cho phép là 3 lần, trong đó nhiều công ty mẹ của tập đoàn, tổng công ty có hệ số nợ phải trả gấp từ 4 đến hơn 8 lần vốn chủ sở hữu, thậm chí hệ số này của Công ty mẹ Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Cửu Long lên tới gần 200 lần, Công ty mẹ Tổng công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân gần 31 lần...

 

Năm 2019, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Cửu Long lên tới gần 200 lần.
Năm 2019, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Cửu Long lên tới gần 200 lần.

 

Hoạt động của các doanh nghiệp độc lập do các bộ ngành, địa phương làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước năm 2019 cũng rất khó khăn khi có tới 39 doanh nghiệp có số lỗ phát sinh tăng 35% so với năm 2018. Kết thúc năm 2018 vẫn còn 81 doanh nghiệp nhà nước độc lập có lỗ lũy kế 1.890 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hoạt động của 327 doanh nghiệp cố phần có vốn nhà nước năm 2019 lại sáng sủa hơn. Cụ thể, năm 2019, tổng tài sản của khu vực này tăng 3%; nợ phải trả giảm 2%; nợ phải thu giảm, trong đó nợ phải thu khó đòi đã được xử lý qua việc trích lập dự phòng nợ... Doanh thu, vốn chủ sở của khu vực doanh nghiệp này đều tăng, đặc biệt là lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách nhà nước tăng trên 10%; tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tài sản đều cao hơn rất nhiều so với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp độc lập.

Hoạt động của DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước năm 2020, theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê, không chỉ khó khăn hơn rất nhiều do với năm 2018 mà còn khó khăn hơn cả khu vực tư nhân và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

“Doanh nghiệp nhà nước, có vốn nhà nước hầu hết có quy mô rất lớn, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, trên nhiều địa bàn nên chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 mạnh hơn khu vực doanh nghiệp khác vì vậy chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ giải thể, đóng cửa, phá sản của khu vực này thấp hơn khu vực tư nhân vì doanh nghiệp nhà nước đã hoạt động rất nhiều năm, trải qua nhiều khó khăn nên có kinh nghiệm vượt qua”, ông Thúy bình luận.

 

Theo baodautu.vn