VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Chưa đến 40 doanh nghiệp cổ phần hoá đúng hẹn

14/10/2020 - 352 Lượt xem

 

Đến nay mới có 37 doanh nghiệp hoàn tất cổ phần hoá, còn lại 90 đơn vị vẫn chưa xong khâu định giá để thoái vốn nhà nước năm nay.

 

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, 128 doanh nghiệp nằm trong kế hoạch cổ phần hoá giai đoạn 2017-2020 do Thủ tướng phê duyệt nhưng tới nay, mới có 37 đơn vị trong số này hoàn thành. Còn lại 91 doanh nghiệp thuộc diện phải cổ phần hoá trong năm nay, nhưng tới 90 đơn vị vẫn chưa xong việc xác định và công bố giá trị để cổ phần.

Từ 2016 đến hết tháng 9 năm nay, có 178 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị hơn 440.000 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước hơn 200.000 tỷ đồng.

Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến hết tháng 9 năm nay là hơn 25.600 tỷ đồng, thu về hơn 172.900 tỷ đồng (gồm khoản thoái 3.400 tỷ đồng, thu về 109.900 tỷ đồng tại Sabeco năm 2017 và thoái 1.030 tỷ đồng, thu về 20.200 tỷ đồng của SCIC tại Vinamilk).

Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thoái vốn với giá trị lớn trong năm nay gồm Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thành phố Hà Nội.

Báo cáo của Chính phủ nhận định, việc chậm trễ trong cổ phần hoá một phần do tình hình dịch bệnh và căng thẳng thương mại, chính trị thế giới ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn này hầu hết là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai, hoặc hoạt động trong lĩnh vực công ích.

Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị theo Chính phủ còn chưa cao và chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động, công khai minh bạch, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm. Nhiều doanh nghiệp nhà nước không muốn thoái vốn khỏi những ngành phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao làm cho tiến độ thoái vốn chậm lại.

Ngoài ra, việc lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Nghị định số 167 của Chính phủ còn rất chậm, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.

Việc cổ phần hoá cũng còn nhiều vướng mắc khi sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất đối với tài sản công, đặc biệt đối với các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, một số đơn vị thuộc diện thoái vốn đang bị cơ quan pháp luật thanh tra, kiểm tra, điều tra vì vi phạm các quy định về quản lý sử dụng vốn nhà nước theo quy định hiện hành...

 

Theo báo vnexpress.net