VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Cải cách hành chính

Nhiều bất cập trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành

24/09/2020 - 229 Lượt xem

 

(BĐT) - Trong khi các nước trên thế giới đang thực hiện các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp (DN), chúng ta vẫn loay hoay xóa bỏ rào cản kinh doanh, trong đó có vấn đề liên quan đến thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Đây là vấn đề tiếp tục được đưa ra thảo luận tạo Hội thảo “Thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành: Vấn đề và kiến nghị” vừa diễn ra tại Hà Nội.
 
Sau gần 2 năm, số lượng văn bản về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tăng hơn 120 văn bản. Ảnh: Lê Tiên

Sau gần 2 năm, số lượng văn bản về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tăng hơn 120 văn bản. Ảnh: Lê Tiên

Theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thực hiện cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã đạt được một số kết quả, song vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Trên thực tế, những thay đổi tích cực trong hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn còn quá ít so với yêu cầu của Chính phủ và kỳ vọng của cộng đồng DN. Những vướng mắc, bất cập về quy định, thủ tục trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn đang là rào cản, gây tốn kém thời gian và chi phí của DN.

Kết quả nghiên cứu của CIEM cho thấy, sau gần 2 năm, số lượng văn bản về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tăng hơn 120 văn bản. Đáng ngại hơn, một số quy định ở văn bản mới ra còn gây trở ngại, làm khó DN. “Thông tư số 22/2018/TT-BLĐTBXH thay thế Danh mục tại Thông tư số 03/2010/TT-BLĐTBXH yêu cầu kiểm tra an toàn lao động trước thông quan đối với những nhóm sản phẩm, hàng hoá chỉ có thể kiểm tra khi đã lắp đặt, đưa vào vận hành như thang cuốn, thang máy... Bất cập rất rõ, nhưng đến nay không có động thái nào của cơ quan quản lý gỡ khó cho DN”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc CIEM dẫn chứng.

Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành chưa áp dụng đầy đủ nguyên tắc quản lý rủi ro trên cơ sở mức độ tuân thủ pháp luật của DN và mức độ rủi ro của hàng hóa theo chỉ đạo của Chính phủ…

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, DN thủy sản gặp rất nhiều vướng mắc với quy định mã số mã vạch (MSMV) nước ngoài đối với hàng xuất khẩu tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP. Theo VASEP, đây là quy định rất yếu về cơ sở pháp lý vì Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa không đề cập và không có bất kỳ quy định nào về MSMV. Hơn nữa, thông tệ quốc tế cũng không có yêu cầu này…, gây ra tốn kém thời gian và chi phí cho DN. Sau nhiều phản ánh của DN, đến nay, quy định này mới tạm dừng thực thi. Song tại Dự thảo Thông tư ghi nhãn điện tử, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) lại đưa ra yêu cầu sử dụng MSMV thì phải được kết nối từ cơ sở dữ liệu MSMV quốc gia, tức là lại yêu cầu DN có MSMV do nước ngoài cấp vẫn phải làm các thủ tục đăng ký vào cơ sở MSMV quốc gia như trước.

Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng bày tỏ quan ngại về việc thực hiện các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành ở Việt Nam do rất nan giải, mất nhiều thời gian…

Trước thực tế này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, hoạt động cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Sự nhiêu khê về thủ tục nếu không được gỡ bỏ sẽ làm tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh và làm suy giảm niềm tin của DN, người dân.

Trên cơ sở đó, CIEM đưa ra một loạt kiến nghị nhằm cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành như: Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng chỉ đạo sát sao việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các nghị quyết liên quan tới cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Đặc biệt, cần tăng cường đối thoại với DN, giải quyết triệt để các vấn đề và khuyến khích cộng đồng DN chia sẻ và tham gia thảo luận chính sách…

Trước những vướng mắc của DN trong việc thực hiện quy định về MSMV, ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị cần bỏ quy định này trong Dự thảo Thông tư ghi nhãn điện tử. Đồng thời, sớm sửa đổi Nghị định 74/2018/NĐ-CP để hủy bỏ quy định MSMV nước ngoài…

Và để hoạt động cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành thực sự hiệu quả, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM nhấn mạnh yêu cầu cần phải thay đổi tư duy quản lý, kiểm tra chuyên ngành, thay đổi nhanh sang hậu kiểm, quản lý theo kết quả, rủi ro.

 

Theo baodauthau.vn