VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

17/09/2020 - 328 Lượt xem

 

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 16/9/2020.
 
Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô lắp ráp trong nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 109/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Cụ thể, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9 và tháng 10/2020 với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, cụ thể như sau:

Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3/2020 chậm nhất là ngày 20/9/2020.

Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 4/2020 chậm nhất là ngày 20/10/2020.

Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 5/2020 chậm nhất là ngày 20/11/2020.

Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9, tháng 10/2020 chậm nhất là ngày 20/12/2020.

Nghị định quy định đối với một số trường hợp. Theo đó, trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế được gia hạn dẫn đến làm tăng số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp và gửi đến cơ quan thuế trước khi hết thời hạn nộp thuế được gia hạn thì số thuế được gia hạn bao gồm cả số thuế phải nộp tăng thêm do khai bổ sung.

Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn thực hiện kê khai, nộp tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật hiện hành, nhưng chưa phải nộp số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh trên tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt đã kê khai.

Trường hợp doanh nghiệp có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thực hiện khai thuế tiêu thụ đặc biệt riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì các chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trường hợp chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất hoặc lắp ráp ô tô thì chi nhánh, đơn vị trực thuộc không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nghị định cũng quy định chi tiết trình tự, thủ tục gia hạn nộp thuế.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2020.

Nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Quyết định nêu rõ việc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách  thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14.

Vốn đầu tư công nguồn ngân sách  của các bộ, cơ quan , địa phương được phân bổ theo ngành, lĩnh vực theo quy định.

Về tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách , Quyết định nêu rõ vốn đầu tư công nguồn ngân sách  bố trí cho nhiệm vụ, chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi đầu tư của ngân sách  theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước và thuộc đối tượng đầu tư công quy định tại Điều 5 của Luật Đầu tư công.

Đối với vốn đầu tư công nguồn ngân sách  trong nước thì dành tối đa không quá 30% để bổ sung có mục tiêu cho địa phương và được phân bổ theo ngành, lĩnh vực thì dành tối đa không quá 30% để bổ sung có mục tiêu cho địa phương và được phân bổ theo ngành, lĩnh vực, không bao gồm vốn các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia.

Mức vốn còn lại được phân bổ như sau: 1- Phân bổ cho các bộ, cơ quan  theo ngành, lĩnh vực. Các bộ, cơ quan  chịu trách nhiệm phân bổ cụ thể cho các chương trình, dự án theo đúng quy định của pháp luật và theo các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên quy định; 2- Phân bổ cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án cụ thể bao gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhiệm vụ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, nghĩa vụ thanh toán của ngân sách , các chính sách khác sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách  theo quy định của pháp luật.

Đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, phân bổ trên cơ sở định hướng thu hút và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong giai đoạn 2021 – 2025, nhu cầu của các bộ, cơ quan , địa phương đối với các dự án đang triển khai, các dự án chuyển tiếp, các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư theo ngành, lĩnh vực.

Nguyên tắc phân bổ cho bộ, cơ quan

Quyết định nêu rõ việc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách  cho bộ, cơ quan  thực hiện theo quy định trên và phân bổ theo nguyên tắc, tiêu chí cụ thể sau:

Thứ nhất, ưu tiên bố trí vốn kế hoạch đầu tư trung hạn còn thiếu của các dự án thuộc danh mục của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025, thu hồi vốn ứng trước.

Cụ thể, hoàn trả vốn ứng trước thuộc trách nhiệm của ngân sách  nhưng chưa có nguồn để hoàn trả và được cấp có thẩm quyền cho phép hoãn hoàn trả trong giai đoạn 2016-2020.

Số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách  giai đoạn 2016-2020 chưa được bố trí trong kế hoạch hằng năm của các dự án đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

Thứ hai, số vốn còn lại bố trí cho các dự án mới thuộc các ngành, lĩnh vực theo quy định và phân bổ theo thứ tự ưu tiên quy định tại khoản 8 Điều 4 của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14.

Quyết định cũng nêu rõ, vốn đầu tư công nguồn ngân sách  phân bổ cho bộ, cơ quan  quy định tại khoản 4 Điều 4 của Luật Đầu tư công theo ngành, lĩnh vực quy định tại Quyết định này.

Đến 2050, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm châu Á

Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định 1412/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch nhằm đánh giá thực trạng kinh tế-xã hội của thành phố Hải Phòng thời kỳ 2011-2020, dự báo và đề xuất các phương án phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định được các quan điểm, mục tiêu, khâu đột phá phát triển và phương án phát triển các ngành, lĩnh vực, lựa chọn phương án tối ưu, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của thành phố, đảm bảo phát triển bền vững dài hạn trên cả 3 trụ cột là kinh tế-xã hội-môi trường.

Đồng thời, quy hoạch là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp của thành phố Hải Phòng sử dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý Nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển; là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư công trên địa bàn thành phố Hải Phòng, đảm bảo tính khách quan, khoa học; tổ chức không gian phát triển kinh tế-xã hội đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch thành phố nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Quy hoạch thành phố đưa ra được phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn; lựa chọn được các phương án tổ chức, phát triển hoạt động kinh tế-xã hội có hiệu quả, là cơ sở cho việc đề xuất: phương án tổ chức không gian chung, hệ thống kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng có vai trò động lực; phương án tổ chức phát triển mạng lưới và không gian cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu... và giải pháp bố trí không gian phát triển hợp lý nhằm giải quyết các xung đột về không gian trên địa bàn thành phố cho các nhu cầu phát triển trong tương lai trên cơ sở huy động hiệu quả các điều kiện bên trong và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài.

Mục tiêu đến năm 2025, thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đạt các tiêu chí đô thị loại I; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ biển của cả nước, trung tâm nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc; Cát Bà, Đồ Sơn trở thành trung tâm du lịch quốc tế. Hoàn thành việc di chuyển trung tâm hành chính thành phố sang phía bắc sông Cấm; xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đến năm 2030, trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ với các ngành nghề hàng hải, đại dương học, kinh tế biển. Cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt. Hoàn thành việc chuyển đổi 50% số huyện thành đơn vị hành chính quận. Chính quyền đô thị được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của thành phố thông minh.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Ninh Bình

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi quy hoạch phần lãnh thổ tỉnh Ninh Bình với tổng diện tích tự nhiên là 1.386,79 km2.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm xây dựng tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm du lịch-dịch vụ của vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước; phát triển công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với vùng Thủ đô Hà Nội, vùng duyên hải Bắc Bộ, làm cơ sở phát triển hệ thống các đô thị và xây dựng nông thôn mới tiên tiến, kiểu mẫu, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; phát triển nhanh và bền vững gắn với bình đẳng, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.

Tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển về du lịch-dịch vụ chất lượng cao, có nền công nghiệp hiện đại, nông nghiệp thông minh và là tỉnh phát triển nhanh và bền vững dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo...

Nội dung quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải thực hiện theo đúng các quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch năm 2017 và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ, bao gồm các nội dung chủ yếu sau: Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của địa phương; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế-xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; đánh giá về việc thực hiện quy hoạch thời kỳ trước; xây dựng quan điểm, xác định mục tiêu và lựa chọn các phương án phát triển, phương án quy hoạch, phương hướng phát triển các ngành quan trọng và phương án tổ chức hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nội dung lập quy hoạch cần định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế-xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 4 trụ cột chính là du lịch, thương mại, dịch vụ; công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, tiên tiến; xây dựng đô thị, phát triển nông thôn và kinh doanh bất động sản; nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ. Phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành, các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh và tăng cường liên kết vùng; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.

Đồng thời, xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm sự phát triển cân bằng giữa kinh tế, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia; ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.

UBND tỉnh Ninh Bình căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt, tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp quy định của Luật Quy hoạch và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành hướng dẫn, phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình triển khai thực hiện lập quy hoạch bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả./.

 

Theo baochinhphu.vn