VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Lãi suất giảm, tín dụng không dễ tăng

26/08/2020 - 227 Lượt xem

 

Nguồn vốn đang thừa, tín dụng khó tăng, nhưng ngân hàng rất thận trọng với việc giải ngân mới và chỉ áp lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp có khả năng trả nợ.

 

Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 5%/năm. Trong ảnh: Giao dịch tại Sacombank. Ảnh: Lê Toàn

Chi phí đầu vào giảm

Trong tuần từ 10-14/8/2020, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND của tổ chức tín dụng có xu hướng giảm sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm thêm lãi suất điều hành vào đầu tháng 8/2020. Tính từ đầu năm, lãi suất tiền gửi các ngân hàng thương mại đã giảm 70-90 điểm cơ bản ở các kỳ hạn dưới 12 tháng và giảm hơn 100 điểm cơ bản ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên so với mức bình quân năm 2019.

Thông tin từ NHNN, hiện lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1- 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,7 - 4,25%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4 - 6,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6 - 7,3%/năm. 

Theo Trung tâm Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research), tình trạng dư thừa thanh khoản của từng ngân hàng phụ thuộc lớn vào đầu ra tín dụng, lãi suất tiền gửi có thể phân hóa và kéo rộng khoảng cách giữa các nhóm ngân hàng. Trong đó, các ngân hàng có đầu ra tín dụng yếu có thể giảm tiếp lãi suất, đặc biệt là các kỳ hạn ngắn. Từ giờ đến cuối năm, lãi suất có thể giảm tiếp khoảng 50-70 điểm cơ bản ở kỳ hạn dưới 12 tháng và 20-30 điểm cơ bản ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Chi phí đầu vào tiếp tục giảm là điều kiện để các ngân hàng cắt giảm lãi suất cho vay. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng vừa ban hành Văn bản số 5596 /NHNN-VP về việc triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới; hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất - kinh doanh sau dịch.

Thực tế, trong nửa đầu năm nay, các nhà băng cũng đã tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để tái cơ cấu nợ cho khách hàng. Cụ thể, Sacombank giảm 1.500 - 2.000 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh; Vietcombank giảm 2.000 tỷ đồng lợi nhuận; Eximbank giảm khoảng 150 -200 tỷ đồng; Nam A Bank giảm lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng...

Không dễ giải ngân mới

Sau làn sóng thứ hai của Covid-19 ở Việt Nam, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng nắm bắt, cập nhật kịp thời các thông tin chính thức về diễn biến mới của dịch bệnh, đảm bảo hoạt động an toàn, thông suốt, không bị gián đoạn trong mọi trường hợp. Tập trung mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân theo quy định, chủ động cân đối giữa nguồn vốn sử dụng vốn, đảm bảo thanh khoản.

Mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND có xu hướng giảm so với trước. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 5%/năm. Lãi suất cho vay USD phổ biến mức 3 - 6%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3 - 4,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,2 - 6%/năm.

Các ngân hàng cũng khá cẩn trọng trong việc giải ngân mới, cho dù tín dụng 7 tháng đầu năm nay tăng trưởng âm ở nhiều nhà băng (Eximbank âm 4%, Saigonbank âm 2,79%...). TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, với sức hấp thụ vốn chậm của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh, tín dụng khó tăng cao và kỳ vọng đạt mức tăng 10% năm 2020.

Tuy thanh khoản dồi dào, thậm chí nguồn vốn dư thừa, song lãnh đạo các nhà băng cho biết, việc giải ngân vốn mới cẩn trọng hơn để ngăn nợ xấu tăng trong bối cảnh dịch bệnh. Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn mới. Vì vậy, ngân hàng tập trung tái cơ cấu, giãn thời gian trả nợ và tăng trích dự phòng rủi ro.

NHNN cũng nhấn mạnh, nguồn vốn đang thừa, tín dụng khó tăng, nhưng không phải vì thế mà hạ chuẩn cho vay. Ngược lại, ngân hàng phải kiểm soát chặt hơn chất lượng tín dụng để kiểm soát rủi ro nợ xấu tăng trong dịch bệnh.

Tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng 7 tháng đầu năm nay chưa tới 4%, chỉ bằng khoảng một nửa so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến ngày 31/5/2020, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tăng 16,3% so với cuối năm 2019.

Trong kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 4%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước tính đến cuối năm nay sẽ lên mức 2,41%.

Theo baodautu.vn