VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Nghị quyết 115/NQ-CP: 'Cú hích' để phát triển công nghiệp hỗ trợ

18/08/2020 - 358 Lượt xem

 

(TBTCVN) - Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ là cơ sở, tiền đề cho các bộ, ngành nghiên cứu đưa ra các chính sách cụ thể để giải quyết các vấn đề nội tại, nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới.
 
ho
Sản phẩm của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại sự kiện “Kết nối ngành Công nghiệp chế tạo 2020” được nhiều khách hàng quan tâm.

 

Đây là trao đổi của ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) với phóng viên TBTCVN.

* PV: Ngày 6/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp. Xin ông cho biết, mục tiêu của chính sách và kỳ vọng gì cho công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo?

- Ông Trương Thanh Hoài: Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

hoai
Ông Trương Thanh Hoài

Nhận thấy được tầm quan trọng đó, thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và định hướng là một trong những ngành ưu tiên phát triển và được ưu đãi đầu tư. Nghị quyết 115/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 6/8/2020 thể hiện quyết tâm của Chính phủ phát triển công nghiệp hỗ trong giai đoạn 5, 10 năm tới. Trong đó, với các mục tiêu đặt ra sẽ là các chỉ tiêu lớn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phấn đấu, phát triển đóng góp cho nền kinh tế đất nước. 

Bên cạnh đó, việc tác động của dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua đã cho thấy sự ảnh hưởng rất lớn đối với chuỗi giá trị ngành sản xuất toàn cầu. Việc đưa ra cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong giai đoạn này là một trong những giải pháp cấp thiết, không chỉ giúp phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà còn tác động đến toàn ngành công nghiệp nói riêng và sự phát triển bền vững kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn. 

Hy vọng đây sẽ là tiền đề cho các bộ, ngành, địa phương đưa ra nhiều chính sách cụ thể để giải quyết các vấn đề nội tại của ngành và tạo ra giá trị gia tăng cao. 

* PV: Nghị quyết 115 đặt ra mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; năm 2030 đáp ứng 70% nhu cầu nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Để đạt được mục tiêu trên, cần những giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?

- Ông Trương Thanh Hoài: Nghị quyết nêu 7 nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, bao gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách; đảm bảo và huy động hiệu quả nguồn lực phát triển công nghiệp hỗ trợ; giải pháp về tài chính, tín dụng; phát triển chuỗi giá trị trong nước; phát triển và bảo vệ thị trường; nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; thông tin truyền thông, thống kê và cơ sở dữ liệu. Nhóm giải pháp này đã được rà soát, tham vấn kỹ lưỡng về tính khả thi và hiệu quả dựa trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị liên quan. 

Để đạt được các mục tiêu, cơ quan, đơn vị các cấp quản lý nhà nước và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ cần sự quyết tâm, nỗ lực, phối hợp tập trung thực hiện 7 nhóm giải pháp nêu trên.

* PV: Từ nghị quyết trên, Bộ Công thương sẽ đề ra những chính sách cụ thể nào để phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới; đồng thời, đón đầu các dòng vốn đầu tư lớn trong xu thế chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đổi mới mô hình phát triển công nghiệp, thưa ông?

- Ông Trương Thanh Hoài: Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 115 của Chính phủ, Bộ Công thương sẽ xây dựng kế hoạch hành động triển khai chi tiết các nhiệm vụ đặt ra. Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ có các văn bản thông báo đến các bộ, ngành và địa phương để tích cực phối hợp triển khai các nhiệm vụ này. 

Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị để sửa đổi, bổ sung, xây dựng trình các cấp thẩm quyền ban hành và ban hành một số cơ chế chính sách như: sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ và Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 để phù hợp với quan điểm, định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ thực tiễn hiện nay. 

Đồng thời, Bộ Công thương cũng xây dựng các chính sách cho các ngành công nghiệp hạ nguồn nhằm tạo dung lượng thị trường phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa và thu hút đầu tư. Ví dụ như: Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giầy đến năm 2030, tầm nhìn 2035; sửa đổi các qui định nhằm khuyến khích ngành sản xuất, lắp ráp ô tô nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước; xây dựng nghị định phát triển ngành cơ khí trọng điểm…

* PV: Xin cảm ơn ông!

7 nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ            

Nghị quyết nêu 7 nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, bao gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách; đảm bảo và huy động hiệu quả nguồn lực phát triển công nghiệp hỗ trợ; giải pháp về tài chính, tín dụng; phát triển chuỗi giá trị trong nước; phát triển và bảo vệ thị trường; nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; thông tin truyền thông, thống kê và cơ sở dữ liệu.

 

Theo Thoibaokinhtevietnam.vn