VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

WB: Kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục phục hồi

14/08/2020 - 272 Lượt xem

 

(TBTCO) - Theo bản tin Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, quá trình phục hồi kinh tế trong nước của Việt Nam vẫn tiếp diễn cho dù chưa thể quay lại nhịp độ như thời trước khủng hoảng.
 
ct
Ảnh T.L minh họa

 

Doanh nghiệp nội địa đóng góp lớn cho quá trình phục hồi

Phân tích của WB cho thấy, trong tháng 7/2020, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục, với sản lượng chế tạo chế biến và doanh số bán lẻ trong nước tăng lần lượt 2,1% và 4,6% (so cùng kỳ năm trước), cùng với việc nới dần giãn cách xã hội, nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm 2019.

Trước khi dịch bùng phát lại, kinh tế trong nước vẫn phục hồi với chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tăng 2,5% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 7. Tốc độ tăng này thấp hơn một chút so với tháng 5 và tháng 6. Tương tự, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng 4,6% (so cùng kỳ năm trước). Tốc độ tăng trưởng chế tạo chế biến và doanh số bán lẻ đều thấp hơn so với tháng 7/2019. Điều đó cho thấy, nền kinh tế chưa thực sự phục hồi lại ở mức như trước khi có khủng hoảng.

Thương mại hàng hóa nhìn chung tiếp tục hồi phục, chủ yếu nhờ các doanh nghiệp trong nước chứ không phải doanh nghiệp xuất khẩu của nước ngoài. Trong tháng 7, Việt Nam có khả năng duy trì thặng dư thương mại hàng hóa ở mức 1,6 tỷ USD, góp phần nâng thặng dư trong 7 tháng đầu năm 2020 lên đến 9,4 tỷ USD so với 3,3 tỷ USD cùng kỳ năm 2019.

Tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 1,4% so với tháng 6/2020 nhưng vẫn tương đương với tháng 7/2019, thể hiện khả năng chống chịu ở mức độ ngoài dự kiến trong bối cảnh quốc tế đình trệ, chủ yếu nhờ sự đóng góp các doanh nghiệp nội địa.

Kết quả xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ hơn (tăng 10,6%) trong khi doanh số của các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc khu vực nước ngoài giảm khoảng 5% so cùng kỳ năm trước. Trong lúc hầu hết các thị trường đều suy giảm thì kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản lại tăng lên trong tháng 7. Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 20% so với tháng 6/2019 nhưng vẫn thấp hơn 3,6% so với tháng 7/2019.

Bên cạnh đó, dòng vốn FDI cũng được giữ vững. FDI vào Việt Nam trong tháng 7 mạnh hơn so với tháng 5 và tháng 6, nhưng về tổng thể, tổng cam kết vốn FDI giảm 7% trong 7 tháng đầu năm 2020 (so cùng kỳ năm trước). Xu hướng tăng từ cuối tháng 4 theo quan sát cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến Việt Nam - là quốc gia vượt trước quỹ đạo của dịch Covid-19 mà lại nằm gần Trung Quốc, nhờ vậy có thể tận dụng được quá trình tái cơ cấu các chuỗi giá trị toàn cầu và nỗ lực đa dạng hóa rủi ro hiện nay của các công ty đa quốc gia.

Chỉ số CPI của tháng 7 vẫn đi ngang so với tháng 6, ghi nhận mức tăng rất nhỏ lên mức 3,4%, do giá lương thực thực phẩm tăng trong khi giá vận tải giảm. Còn tăng trưởng tín dụng hạ nhiệt khi tỷ lệ biến động tín dụng với nền kinh tế so cùng kỳ năm trước giảm mạnh kể từ tháng 2, xuống 9,9% vào tháng 6.

Các cân đối của Chính phủ cần được theo dõi thận trọng

Theo các chuyên gia kinh tế của WB, mặc dù nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục phục hồi, thể hiện khả năng chống chịu ở mức độ ngoài dự kiến trong bối cảnh quốc tế đình trệ, tuy nhiên, các cân đối của Chính phủ cần được theo dõi thận trọng.

Tăng trưởng tín dụng chững lại đáng kể, ở mức dưới 10% trong những tháng gần đây cho thấy, hoạt động kinh tế suy giảm dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chính sách giảm lãi suất để khuyến khích tín dụng thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp dễ bị tổn thương.

Tỷ lệ dưới 10% này là mức thấp chưa từng có, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP. Mặc dù có lý do, nhưng chính sách nới lỏng tiền tệ và tín dụng trên cần được theo dõi thận trọng vì nó làm giảm biên lợi nhuận của ngân hàng trong điều kiện tỷ lệ nợ xấu vốn dĩ đang tăng nhanh.

Bội chi ngân sách dự kiến tăng, do số thu của Chính phủ trong nửa đầu của năm chỉ bằng 76% so với cùng kỳ năm 2019 theo báo cáo. Trong khi chi tiêu lại tăng do phải triển khai các biện pháp xã hội nhằm giảm nhẹ tác động của khủng hoảng bên cạnh những nỗ lực nhằm đẩy nhanh triển khai chương trình đầu tư để kích thích khôi phục kinh tế.

Kể từ tháng 4, số thu của Chính phủ đã và đang giảm đáng kể trong khi chi tiêu phải tăng lên nhằm ứng phó khủng hoảng. Trong nửa đầu của năm, Chính phủ chỉ thu được 76% so với con số cùng kỳ năm 2019 do tăng trưởng kinh tế giảm kết hợp với biện pháp giãn nộp thuế cho cá nhân và doanh nghiệp để đối phó với cuộc khủng hoảng.

Tác động tiêu cực của Covid-19  phần nào được giảm nhẹ do Chính phủ đã và đang nỗ lực đẩy nhanh triển khai chương trình đầu tư công, nhất là ở các địa phương. Thực hiện mục tiêu tăng đầu tư công để kích thích khôi phục kinh tế, tổng số giải ngân theo ước tính đạt 45,7 ngàn tỷ VND (1,97 tỷ US%) vào tháng 7, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong 7 tháng đầu năm, tổng giải ngân đầu tư công đạt 203 ngàn tỷ VND, tương đương 42,7% kế hoạch năm và tăng đến 27,2% so cùng kỳ năm 2019. Sau một vài tháng chững lại trên thị trường vốn trong nước, Kho bạc Nhà nước đã huy động được trên 58,67% ngàn tỷ VND (trên 2,5 tỷ USD), tăng 80% so với tháng 6.

WB nhận định, đợt bùng phát vào cuối tháng 7/2020 ở Đà Nẵng và các biện pháp ứng phó nhằm kiểm soát bệnh dịch của chính quyền có thể gây ảnh hưởng đến khôi phục kinh tế trong thời gian tới. Do đó, cần quan tâm hơn nữa đến diễn biến phát triển của dịch bệnh, tác động tài khóa của nó và chính sách xử lý trong trung và dài hạn./.

 

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn