VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Dù khó khăn về nguồn vốn và đầu ra, vẫn phải giữ nhân lực chất lượng

21/07/2020 - 343 Lượt xem

 

TS Trần Hồng Minh - Viện trưởng CIEM. Ảnh: CIEM

TS Trần Hồng Minh - Viện trưởng CIEM. Ảnh: CIEM

 

Chia sẻ với Lao Động, tân Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - TS Trần Hồng Minh phân tích về 3 cấu phần quan trọng của "cỗ xe tam mã" trong cấu trúc kinh tế Việt Nam. 

Tiến sĩ (TS) Trần Hồng Minh nhấn mạnh: Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm qua. Trong giai đoạn 2016-2019, tổng đầu tư toàn xã hội (giá hiện hành) tăng trung bình 10,6%/năm, bình quân đạt gần 33,5% GDP. Trong cùng giai đoạn, xuất khẩu tăng trung bình 13,0%/năm, còn tiêu dùng cuối cùng tăng trung bình 7,27%/năm. Nhờ những yếu tố này, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có bước cải thiện đáng kể cho đến năm 2019.

- Thủ tướng đang chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, góp phần tăng trưởng kinh tế sau đại dịch. Bà nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Đầu tư công giải ngân nhanh hơn, song còn phải cải thiện rất nhiều để đạt được kế hoạch đề ra và đáp ứng mong muốn bù đắp động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Khó khăn đã hiện hữu, song Chính phủ đã có nhiều giải pháp quan trọng và đúng hướng. Nhiều giải pháp thúc đẩy đầu tư liên quan đến điều chỉnh kế hoạch vốn, hoàn thiện thủ tục, giao vốn và đẩy nhanh tiến độ với các dự án có quy mô lớn với tính chất lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đã được tích cực triển khai.

Các bộ ngành và địa phương vẫn chủ động tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài đang hiện diện hoặc có quan tâm đến đầu tư ở Việt Nam, để chia sẻ thông tin, tháo gỡ các khó khăn liên quan đối với hoạt động FDI. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài.  

- TS đánh giá thế nào về xuất khẩu trong bối cảnh mới sau đại dịch?

Bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng có những biện pháp thích ứng tương đối tích cực trong bối cảnh bình thường mới. Các ứng dụng công nghệ, đặc biệt trên nền tảng số được sử dụng phổ biến hơn trong giai đoạn giãn cách và trở thành “thông lệ” trong tổ chức sản xuất, kết nối giữa các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp trong nước vẫn giữ được sự linh hoạt để tiếp tục khai thác thị trường xuất khẩu, với mức tăng trưởng xuất khẩu 2 con số trong 6 tháng đầu năm. Dù khó khăn về nguồn vốn và đầu ra, doanh nghiệp vẫn nhận thức yêu cầu phải giữ được đội ngũ nhân lực chất lượng để chờ đến thời kỳ phục hồi hậu COVID-19, và phối hợp với người lao động để cùng chia sẻ khó khăn, chia sẻ giờ làm và thu nhập.

Các kiến nghị của doanh nghiệp cũng thẳng thắn và kịp thời hơn, không chỉ về các vấn đề “kinh niên” như tiếp cận vốn ngân hàng mà còn cả những yêu cầu cấp thiết cho bối cảnh mới như hỗ trợ đào tạo người lao động, nới lỏng điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ,...

- Theo TS, để đẩy nhanh, tạo sức bền cho cả "ba con ngựa kéo" nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn này, cần những giải pháp nào?

 

Nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Khánh Vũ

Nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Khánh Vũ

 

Thứ nhất, công tác điều hành cần giữ được tâm lý bình tĩnh, không vội vàng, không lơi lỏng chủ quan, có tham vấn và đồng thuận cao của tất cả các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Quá trình triển khai, áp dụng các biện pháp chính sách cần đảm bảo minh bạch, kịp thời và hiệu quả.

Thứ hai, công tác điều hành vẫn phải gắn với việc cập nhật và đánh giá các kịch bản tăng trưởng.

Thứ ba, đà cải cách môi trường kinh doanh vẫn cần được tiếp nối, dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong giai đoạn 2014-2019.

Thứ tư, cần đẩy nhanh khai thác các đột phá công nghệ, đặc biệt là các lĩnh vực gắn với chuỗi giá trị, tiêu dùng trong nước. Hiệu quả chỉ thực chất nếu nỗ lực phát triển nền kinh tế số, chính phủ số song hành với chuyển đổi số tương ứng của các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp...

Thứ năm, đại dịch COVID-19 có tác động rộng khắp, vượt qua khỏi biên giới của từng quốc gia riêng lẻ, do đó đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện, phối hợp hành động chặt chẽ ở tầm khu vực và quốc tế. Hợp tác quốc tế hiệu quả sẽ đóng góp tích cực, nếu không nói có tính quyết định, vào cải thiện niềm tin của Việt Nam với các đối tác, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài.

 

Theo laodong.vn