VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Đón đầu cơ hội phục hồi trong quý III

15/07/2020 - 349 Lượt xem

 

Gác lại quý II khá ảm đạm khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc mạnh (GDP quý II chỉ tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong 10 năm trở lại đây) và VN-Index giảm về gần vùng 820-823 điểm, giới đầu tư có thể sẽ tận hưởng thời gian còn lại của năm với không khí vui vẻ hơn khi các DN đang nỗ lực phục hồi hoạt động đi kèm với các gói hỗ trợ bắt đầu thẩm thấu vào nền kinh tế.

 

Báo cáo mới đây của hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cho thấy Việt Nam nổi bật trong số các thị trường cân biện và mới nổi châu Á năm nay về khả năng phục hồi kinh tế và thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19. Việt Nam cũng là một trong bốn quốc gia được Fitch dự kiến có tăng trưởng kinh tế tích cực và nền kinh tế sẽ tăng tốc vào năm 2021 khi nhu cầu bên ngoài, bao gồm cả xuất khẩu du lịch, phục hồi.

 

Các thương vụ thoái vốn của nhà nước có thể mang đến cơ hội mới cho các NĐT

 

Việt Nam nhìn chung đã được hưởng lợi từ việc dịch chuyển đầu tư liên quan đến chi phí gia tăng ở Trung Quốc và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Dữ liệu ban đầu cũng cho thấy thị phần của Việt Nam đã tăng thêm khi xuất khẩu của Trung Quốc bị gián đoạn bởi coronavirus.

Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ tài khóa khoảng 27 nghìn tỷ đồng (3,4% GDP) để giúp bù đắp những ảnh hưởng của đại dịch, bao gồm hoãn thuế, cắt giảm và miễn thuế, cũng như chuyển tiền mặt cho công nhân và hộ gia đình bị ảnh hưởng. Các động thái hỗ trợ này sẽ bắt đầu thấy rõ hơn tác dụng trong thời gian tới.

Mặc dù các chỉ số vĩ mô quý II không thực sự khả quan so với quý I, nhưng đây cũng là điều có thể hiểu được do giai đoạn cách ly đầu tháng 4 và các hoạt động sản xuất mới đang dần trở lại bình thường vào tháng 6. Trên thực tế, nếu so với tháng 5 thì tình hình kinh tế tháng 6 cho thấy đã có dấu hiệu hồi phục. “Khó có thể chắc chắn kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục nhanh trong quý III, quý IV bởi còn phụ thuộc nhiều vào tình hình dịch bệnh của các nước trên thế giới, nhưng chúng tôi cho rằng sẽ khả quan hơn nhiều so với quý II bởi việc thúc đẩy đầu tư công đã được khởi động từ giữa quý II cùng với hiệu lực EVFTA và những nỗ lực của Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế”, Công ty Chứng khoán Yuanta nhận định.

Tháng 7 là thời điểm quan trọng của các DN khi dòng tiền của người tiêu dùng có thể quay trở lại, đơn cử như trên thị trường bất động sản. Theo ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc bộ phận R&D của hãng DKRA, diễn biến trầm lắng của quý II là do tâm lý thận trọng, tạm dừng giao dịch để quan sát diễn biến thị trường của người mua. Với viễn cảnh kinh tế phục hồi tốt hơn và dịch bệnh đã được kiểm soát, các nhà đầu tư có thể sẽ bắt đầu rót tiền vào thị trường bất động sản kể từ quý III trở đi.

Ngay trong tháng này, hàng loạt các DN địa ốc như Phát Đạt, An Gia, Đất Xanh, Hưng Thịnh, Phú Mỹ Hưng, Vinhomes... có kế hoạch tung ra hàng nghìn sản phẩm bất động sản. Nguồn cung quay trở lại có thể kích thích không khí thị trường sôi động hơn.

Theo Công ty Chứng khoán Yuanta, với các giả định về sự hồi phục kinh tế từ quý III, dự báo tốc độ tăng trưởng quý III đạt khoảng 3,97% và GDP cả năm ở mức 3,1%, các nhà đầu tư có thể xem xét tích lũy hoặc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong tháng 7/2020. Đồng thời, các nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ tỷ trọng cao ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa, hạn chế các nhóm Penny trong giai đoạn này. Các nhóm cổ phiếu đáng chú ý là nhóm Sản xuất thực phẩm (FMC, VNM, VHC), nhóm Ngân hàng (BID, CTG), bất động sản khu công nghiệp (SZC, VHM) và nhóm kim loại (HPG, HSG).

Đặc biệt các thương vụ thoái vốn của nhà nước có thể mang đến cơ hội mới cho các nhà đầu tư. Hiện Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thông báo kế hoạch thoái toàn bộ 36% cổ phần còn lại tại Sabeco trong năm nay. Danh sách thoái vốn của SCIC còn có các tên tuổi nổi bật khác như BVH, FPT, BMI, TRA, DMC, VGT.

 

Theo thoibaonganhang.vn