VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Điểm nhấn pháp lý mới về đầu tư, kinh doanh

14/07/2020 - 396 Lượt xem

 
Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, và đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
 

Tạm dừng dự án BT, cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước... là những điểm mới tại 3 luật về đầu tư, kinh doanh được công bố cuối tuần qua.

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin về những điểm mới, những chính sách đột phá của 3 đạo luật quan trọng về đầu tư, kinh doanh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin về những điểm mới, những chính sách đột phá của 3 đạo luật quan trọng về đầu tư, kinh doanh.

 

Sáng 10/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo về lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, trong đó có Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật Đầu tư PPP), đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Chiều cùng ngày, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì soạn thảo 3 dự án luật nói trên - tổ chức họp báo để cung cấp thông tin về những điểm mới, những chính sách đột phá của 3 đạo luật quan trọng này. “Khi đi vào cuộc sống, 3 đạo luật này sẽ tạo ra những điểm nhấn mới”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng khẳng định.

Nhiều dự án BT phá vỡ quy hoạch

Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, Luật Đầu tư PPP tạo dựng khung pháp lý có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn, giúp tránh được các rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp thay đổi chính sách.

Một trong những nội dung đáng chú ý là Luật Đầu tư PPP đã thể chế chủ trương dừng thực hiện các dự án hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) trong giai đoạn tới. Theo đó, quy định chuyển tiếp cho các dự án đang triển khai được quy định cụ thể. Đặc biệt, kể từ ngày 15/8/2020, các dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư phải dừng thực hiện.

Tại cuộc họp báo sáng 10/7, trả lời câu hỏi “Luật Đầu tư PPP chủ trương dừng thực hiện các dự án BT trong giai đoạn tới, trong khi nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế, thì nguồn tiền để thực hiện các dự án như thế nào?”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, bản chất của hình thức BT là nhà đầu tư tư nhân bỏ tiền ra xây dựng các công trình hạ tầng, sau đó Nhà nước trả quỹ đất để họ phát triển quỹ đất đó nhằm cân bằng 2 chi phí.

Đối với băn khoăn về nguồn lực đầu tư các dự án, ông Vũ Đại Thắng nói: “Đất đai chúng ta đã có, pháp luật cho phép đấu thầu, đấu giá. Do vậy, có thể đấu giá mặt bằng để lấy kinh phí thực hiện dự án đầu tư theo nhu cầu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Tạm dừng dự án BT là nhằm quản lý hiệu quả hơn quỹ đất bắt đầu hạn hẹp tại các địa phương”.

Chiều cùng ngày, trở lại sự cần thiết dừng các dự án BT, ông Thắng nhận định, thời gian qua, dự án BT có khá nhiều mặt trái, khi triển khai Luật Quy hoạch thì có các dự án BT phá vỡ quy hoạch của các địa phương.

Nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Luật Doanh nghiệp 2020 không chỉ sửa khái niệm doanh nghiệp nhà nước, mà còn nâng cao hiệu lực quản trị, xác định rõ loại doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu hơn 50% (đến dưới 100%) vốn điều lệ để có cách thức và phương thức quản lý, giám sát phù hợp.

Luật Doanh nghiệp 2020 cũng bổ sung quy định kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và đảm bảo tính minh bạch hoá, công khai hoá thông tin của doanh nghiệp có sở hữu nhà nước. Luật còn tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp, bổ sung quy định về chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần (thay vì chỉ được chuyển đổi thành công ty TNHH như quy định hiện hành).

Không quá lo dịch vụ đòi nợ biến tướng

Với Luật Đầu tư 2020, một trong những nội dung đáng chú ý là đã bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Sau khi Luật Đầu tư được thông qua, đã có những ý kiến băn khoăn về số phận của hơn 200 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ và câu hỏi này lại được đặt ra tại buổi họp báo công bố Luật.

Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, các doanh nghiệp đang được cấp phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ tiếp tục hoạt động bình thường đến ngày 1/1/2021 (thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực), sau đó dịch vụ đòi nợ sẽ chấm dứt. Toàn bộ các thanh quyết toán liên qauan đến dịch vụ này cũng phải hoàn thành trước khi Luật có hiệu lực.

Tại cuộc họp báo chiều cùng ngày, ông Thắng khẳng định, không có chuyện không quản được thì cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, mà hiện đã có khung pháp lý, có nhiều cơ chế để giải quyết vấn đề này. Không cần quá lo lắng khi cấm dịch vụ đòi nợ thì hoạt động này sẽ đi vào hoạt động bí mật hay lén lút, nếu có chuyện đó thì sẽ xử lý theo pháp luật hình sự.

Nhiều quy định mới tuyệt vời

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM rất nhiều lần sử dụng hai chữ tuyệt vời khi đề cập các quy định mới tại 3 luật mới về đầu tư, kinh doanh.

“Tôi đặc biệt ấn tượng khoản 3, Điều 29, Luật Đầu tư, quy định trường hợp tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ có một người đăng ký tham gia hoặc đấu giá không thành theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ có một nhà đầu tư đăng ký theo quy định của pháp luật về đấu thầu, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư khi nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật có liên quan”, ông Châu nói.
 

Theo baodautu.vn