VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tọa đàm trực tuyến về kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng, phát triển năng lượng sạch

13/07/2020 - 287 Lượt xem

(Chinhphu.vn) – Chiều 10/7, Báo Nhân Dân tổ chức Tọa đàm trực tuyến Đưa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị vào cuộc sống với chủ đề “Kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng, phát triển năng lượng sạch”.

 

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Ngày 11/2 vừa qua, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết nhấn mạnh mục tiêu: Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng...

Nghị quyết 55 cũng chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém của ngành năng lượng nước ta. Đó là, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi. Cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ. Trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hoá và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hóa cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế. Chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội…

Nghị quyết chỉ rõ, những hạn chế, yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trong đó, đặc biệt là một số cơ chế, chính sách hiện hành chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa thúc đẩy việc xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh. Chính sách về đầu tư phát triển, quản lý tài nguyên năng lượng còn thiếu, chưa đồng bộ…

Tại Tọa đàm, đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia, trong lĩnh vực năng lượng, các doanh nghiệp tư nhân đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, đóng góp những ý kiến tâm huyết liên quan đến việc xây dựng các cơ chế, chính sách hiệu quả để thu hút các nhà đầu tư tư nhân, có tâm, có tầm, có vốn và công nghệ tiên tiến chung tay phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia.

Đồng thời, các đại biểu tập trung thảo luận về những vấn đề đặt ra trong quản lý nhà nước về năng lượng. Những vướng mắc cần tháo gỡ đối với doanh nghiệp tư nhân trong đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng năng lượng. Các giải pháp ưu tiên phát triển, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Cơ chế tài chính và huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành năng lượng. Phát triển công nghệ, sản xuất thiết bị điện theo hướng hiện đại ít tiêu hao năng lượng và bảo đảm bảo vệ môi trường…

Theo baochinhphu.vn