VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

08/07/2020 - 409 Lượt xem

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

Quy định về tuyển chọn, đào tạo sĩ quan dự bị

Việc tuyển chọn, đào tạo sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam được quy định tại Nghị định số 78/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Nghị định trên quy định đối tượng được tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị gồm: Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ; hạ sĩ quan dự bị, cán bộ, công chức, viên chức và công dân tốt nghiệp đại học trở lên; sinh viên khi tốt nghiệp đại học.

Tiêu chuẩn tuyển chọn

Theo quy định, các đối tượng trên muốn được tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị phải đạt tiêu chuẩn chung: Có lịch sử chính trị của gia đình và bản thân rõ ràng, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc có đủ điều kiện chính trị để bồi dưỡng phát triển thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; có trình độ, kiến thức chuyên môn, học vấn, tuổi đời phù hợp với từng đối tượng; sức khỏe từ loại 1 đến loại 3 theo quy định tuyển chọn sức khỏe tuyển quân, tuyển sinh quân sự của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Nghị định cũng nêu rõ tiêu chuẩn cụ thể. Theo đó, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ, hạ sĩ quan dự bị đã giữ chức phó trung đội trưởng hoặc cán bộ tiểu đội và tương đương; tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên, nếu thiếu, tuyển chọn đến tốt nghiệp trung học cơ sở, với người dân tộc thiểu số tuyển chọn trình độ học vấn lớp 7 trở lên; tuổi đời đối với quân nhân chuyên nghiệp không quá 35, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ và hạ sĩ quan dự bị không quá 30.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức tuổi đời không quá 35; riêng đào tạo sĩ quan dự bị ngành y, dược, tuổi đời không quá 40; đào tạo sĩ quan dự bị chính trị phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Công dân tốt nghiệp đại học trở lên, tuổi đời không quá 35; sinh viên khi tốt nghiệp đại học, tuổi đời không quá 30.

Các học viện, nhà trường Quân đội được giao đào tạo và cấp giấy chứng tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị.

Thời gian đào tạo

Theo quy định, hạ sĩ quan dự bị, cán bộ, công chức, viên chức và công dân tốt nghiệp đại học trở lên đào tạo sĩ quan dự bị bộ binh, chính trị và ngành y, dược là 3 tháng.

Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ đào tạo sĩ quan dự bị bộ binh; sinh viên khi tốt nghiệp đại học đào tạo sĩ quan dự bị bộ binh và ngành y, dược là 4 tháng.

Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ đào tạo sĩ quan dự bị quân chủng, binh chủng là 5 tháng.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chương trình, nội dung đào tạo đối với từng đối tượng quy định trên.

Thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 956/QĐ-TTg thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia.

Cụ thể, thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia (Hội đồng) có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh theo Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới để đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng nhân lực y tế.

Hội đồng có nhiệm vụ xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp cho các chức danh hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để đơn vị chức năng thuộc Bộ Y tế trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; tham gia giám sát, đánh giá việc tuân thủ chuẩn năng lực nghề nghiệp của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước về y tế và theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; xây dựng và thử nghiệm Bộ ngân hàng câu hỏi đánh giá năng lực hành nghề; xây dựng tiêu chuẩn của cơ sở tổ chức đánh giá năng lực hành nghề; xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia về đánh giá năng lực hành nghề.

Về cơ cấu tổ chức, Hội đồng gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên là các chuyên gia trong lĩnh vực y tế đạt tiêu chuẩn về uy tín, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực chuyên môn của Hội đồng. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Y tế kiêm nhiệm; có 1 Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng hoạt động chuyên trách. Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng.

Ủy viên Hội đồng có từ 27-29 thành viên, trong đó có đại diện Tổng Hội y học Việt Nam và một số chuyên ngành y tế; một số cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe; một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, một số Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế về đào tạo, khám bệnh, chữa bệnh, pháp chế; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ủy viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm, miễn nhiệm Ủy viên Hội đồng.

Ban chuyên môn của Hội đồng giúp Hội đồng thực hiện các nhiệm vụ theo từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể. Thành viên của Ban chuyên môn là thành viên Hội đồng và chuyên gia đạt tiêu chuẩn về uy tín, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của mỗi Ban, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Văn phòng Hội đồng giúp việc cho Hội đồng trong triển khai các hoạt động hành chính, tổ chức, nhân sự, tài chính thuộc chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng.

Kiện toàn BCĐ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trên cơ sở BCĐ Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 được thành lập theo Quyết định số 1584/QĐ-TTg ngày 10/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 795/QĐ-TTgngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban.

Phó Trưởng ban là ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ủy viên thường trực gồm: Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Các Ủy viên bao gồm: Ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thiếu tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Bên cạnh đó, mời các ông, bà sau đây làm Ủy viên: Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.

Quy chế hoạt động của BCĐ Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 được tiếp tục thực hiện theo các quy định tại Quyết định số 317/QĐ-BCĐCTMTQG ngày 20/10/2016 về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Nghiên cứu thông tin báo nêu về phát huy hiệu quả thực thi EVFTA

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý thông tin báo Diễn đàn Doanh nghiệp nêu về những giải pháp phát huy hiệu quả thực thi EVFTA.

Trước đó, báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ngày 1/7/2020, có bài viết "Chủ tịch EuroCham: Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 châu Á vào 2050", trong đó nêu: EuroCham đánh giá Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư nhờ chi phí thấp, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu tăng và môi trường đầu tư thuận lợi.

Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả thực thi EVFTA, một trong những yếu tố hàng đầu là tiếp tục thúc đẩy những tiến bộ tích cực trong cải cách hành chính, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư và hiện đại hóa khung pháp lý, trong đó có việc thành lập Hội đồng doanh nghiệp của EVFTA để xem xét các thách thức trong quá trình triển khai và phối hợp giải quyết các vướng mắc.

Về nội dung trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền.

Phê chuẩn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2016-2021.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Lâm Minh Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy Kiên Giang.

Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu lập Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu, kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Yêu cầu về nội dung lập Quy hoạch cần định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên.

Đồng thời, đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.

Bên cạnh đó, xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng phát triển các khu vực có điều kiện khó khăn và đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai; ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập Quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.

Nội dung Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải thực hiện theo đúng các quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NQ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ, bao gồm các nội dung: Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Đắk Nông; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; đánh giá về việc thực hiện Quy hoạch thời kỳ trước; xây dựng quan điểm, xác định mục tiêu và lựa chọn các phương án phát triển, phương án quy hoạch; xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng và phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Đắk Nông căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt, tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm phù hợp quy định của Luật Quy hoạch và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Triển khai Nghị quyết về chuyển đổi phương thức đầu tư 3 dự án giao thông

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Tại Thông báo, Phó Thủ tướng kết luận, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là dự án quan trọng quốc gia, đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017. Tại Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020, Quốc hội đã quyết nghị chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14, trong đó chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 03 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và bổ sung vốn đầu tư không quá 23.461 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. 3 dự án này khi chuyển đổi sang đầu tư công sẽ thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Mặc dù tại Tờ trình số 282/TTr-CP ngày 5/6/2020, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội cho phép cấp quyết định đầu tư dự án trước đây tiếp tục thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư để thực hiện điều chỉnh dự án và các trách nhiệm khác của người quyết định đầu tư.

Tuy nhiên, Quốc hội không quyết nghị nội dung này. Vì vậy, trong khi pháp luật chưa quy định rõ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dẫn đến dự án thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia có được áp dụng đối với dự án đang đầu tư theo hình thức PPP được chuyển đổi sang đầu tư công hay không như ý kiến của Bộ Giao thông vận tải; để bảo đảm chặt chẽ; yêu cầu Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để triển khai Nghị quyết số 117/2020/QH14 của Quốc hội, trên nguyên tắc đúng thẩm quyền theo quy định đối với dự án quan trọng quốc gia (Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư các dự án quan trọng quốc gia sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư).

Để sớm triển khai 03 dự án chuyển đổi phương thức đầu tư, đáp ứng tiến độ hoàn thành theo yêu cầu của Quốc hội; sau khi Chính phủ có Nghị quyết, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện thủ tục trình, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi theo đúng quy định; yêu cầu các cơ quan là thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước (theo Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tham gia tích cực, có trách nhiệm để Hội đồng thẩm định Nhà nước sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư 03 dự án nêu trên.

Đối với 05 dự án triển khai theo hình thức đối tác công tư, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương phát hành hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư và triển khai các bước tiếp theo, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Xem xét di dời ga đường sắt Đà Nẵng

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND TP Đà Nẵng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các Bộ; thống nhất với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan về việc di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị bảo đảm phù hợp quy hoạch, đúng quy định pháp luật./.


Theo baochinhphu.vn