VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Ngăn chặn chuyển giá trong hoạt động đầu tư nước ngoài

22/06/2020 - 372 Lượt xem

 

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành nguồn lực quan trọng và là mảng sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam, thông qua việc cung cấp vốn, công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra năng lực sản xuất mới, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, dòng vốn FDI cũng tồn tại những mặt trái, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của nền kinh tế, như hoạt động chuyển giá.

 

Thất thu lớn cho ngân sách

Phó Tổng kiểm toán nhà nước (KTNN) Đoàn Xuân Tiên cho biết, hoạt động chuyển giá của các DN FDI đã gây thất thu cho ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng trong nhiều năm qua. Quy mô các khoản thu này không nhỏ vì các DN FDI đã chiếm tới khoảng 20% GDP, khoảng 25% vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN). Thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 50% DN FDI kê khai lỗ, trong đó, nhiều DN thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, gần 60% trong số hơn 3.500 DN FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm. Một trong những địa phương thu hút được nhiều dự án FDI như Bình Dương cũng có đến 50% số DN FDI báo cáo lỗ từ năm 2006-2011. Mặc dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn nhưng DN FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, điển hình như trường hợp của Coca-Cola hay Pepsi. Điều đáng nói là, trong khi DN FDI báo lỗ thì hầu hết các DN trong nước cùng ngành nghề đều có lãi, nhất là trong lĩnh vực may mặc, da giày.

Hiện tượng này được ông Nguyễn Anh Thơ, Kiểm toán trưởng, KTNN khu vực IV nêu dẫn chứng từ số liệu của ngành thuế: Sau 12 năm hoạt động đầu tư ở Việt Nam, Metro Việt Nam đã sáu lần thay đổi giấy phép kinh doanh, nâng tổng vốn đầu tư lên hơn 301 triệu USD. Tuy nhiên, DN này liên tục kê khai lỗ với số lỗ lũy kế lên đến 1.657 tỷ đồng. Mặc dù lỗ, Metro Việt Nam vẫn tiếp tục mở thêm 19 điểm bán lẻ trên toàn quốc. Cơ quan thanh tra thuế đã thanh tra và xác định có hành vi chuyển giá, qua đó yêu cầu Metro Việt Nam điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế với số tiền lên đến hơn 500 tỷ đồng và xác định Metro Việt Nam đã có lãi trong các năm 2010 và 2011 với số tiền 234,8 tỷ đồng. Một trường hợp khác là Adidas Việt Nam trong quá trình hoạt động luôn rơi vào thua lỗ, không phải nộp thuế thu nhập DN. Nguyên nhân vì DN đẩy các chi phí lên cao, thông qua hoạt động chuyển giá. Cụ thể, Adidas Việt Nam thực hiện thanh toán cho Công ty Adidas AG phí bản quyền 6%, chi phí tiếp thị quốc tế 4% doanh thu ròng đối với các sản phẩm được tiêu thụ và cả giá trị sản phẩm được cấp phép, làm phát sinh nhiều chi phí trung gian đầu vào, khiến giá thành nhập khẩu các sản phẩm tại thị trường Việt Nam bị đội lên cao.

GS,TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài nhận định: Tình trạng chuyển giá đã được phát hiện trong những năm gần đây gắn với tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhưng nguyên nhân quan trọng là do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của DN FDI.

Tăng cường vai trò kiểm toán nhà nước

Một trong những giải pháp quan trọng để ngăn chặn chuyển giá là tăng cường vai trò của KTNN. GS,TSKH Nguyễn Mại cho biết, Luật KTNN năm 2015 quy định “đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”. Do đó, trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến tài sản công ở DN, dự án có vốn nước ngoài, KTNN có thể vào cuộc để xác định giá trị tài sản công bị thiệt hại và xử lý theo thẩm quyền. Theo PGS,TS Phan Duy Minh, nguyên Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, bất cứ hành vi nào nhằm trốn, tránh nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước đều là vi phạm việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, tức là thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN. Vì vậy, KTNN không thể đứng ngoài cuộc, cần phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành phân tích đánh giá kỹ lưỡng tình hình thực tế nhằm tiến tới tổ chức kiểm toán chuyên đề về chống chuyển giá, trốn thuế của các DN FDI. Việc kiểm toán chuyên đề cần thực hiện định kỳ, trước mắt có thể là 3 đến 5 năm một lần, sau đó có thể thực hiện hằng năm. Cùng quan điểm, PGS,TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cần tăng cường sự tham gia của cơ quan KTNN trong kiểm toán hoạt động chuyển giá bên cạnh việc tăng cường trách nhiệm của kiểm toán độc lập.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng đề xuất cần hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá theo hướng nâng lên thành luật. Đồng thời bổ sung các quy định chặt chẽ trong pháp luật về thuế, ngoại hối, hải quan, đầu tư, khoa học và công nghệ cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu, công bố thông tin để kiểm soát, quản lý và ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập và trong quá trình hoạt động của DN FDI. Đại diện VCCI nhấn mạnh giải pháp xây dựng bộ máy chuyên trách chống chuyển giá đủ mạnh, đủ năng lực và có cơ chế kiểm tra liên ngành, chuyên ngành để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng chuyển giá của DN FDI. Đối với các DN liên doanh có thực hiện hoạt động chuyển giá nghiêm trọng với các bên có quan hệ liên kết ở nước ngoài, KTNN cần quan tâm thực hiện kiểm toán hoạt động chuyển giá này với mục đích bảo toàn, chống thất thoát phần vốn góp của Nhà nước trong liên doanh. Tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề độc lập về chống chuyển giá nhằm đánh giá tính hợp lý, tính đầy đủ, tính khả thi và tính hiệu lực hiệu quả của quá trình xây dựng, thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ. Chỉ ra những khiếm khuyết, bất cập và hạn chế trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành nhằm chống gian lận, trốn thuế và hoàn thiện công tác quản lý kiểm soát giá.

Qua hoạt động kiểm toán hằng năm, KTNN đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến các DN FDI trong hoạt động chuyển giá, từ đó kiến nghị các cơ quan quản lý khắc phục những sai sót, yếu kém, sửa đổi, bổ sung những quy định để ngăn chặn các lỗ hổng về cơ chế, chính sách. Theo các chuyên gia kinh tế, các giải pháp chống chuyển giá phải được thực hiện đồng bộ với các chính sách hoàn thiện thể chế, chính sách chung về đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng của dòng vốn này.

Từ khi thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1987) đến nay, cả nước có 32.025 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 376,6 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án ước đạt 218,48 tỷ USD, bằng 58% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Vốn FDI đã đầu tư vào 19 trong tổng số 21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 220,3 tỷ USD, chiếm 58,5% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 58,3 tỷ USD (chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với 27,5 tỷ USD (chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư). Hiện có 136 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, đứng đầu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Xin-ga-po.

(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

 

 

Theo nhandan.com.vn