VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

%C4%90i%E1%BB%83m%20n%C3%B3ng%3A%20T%C3%A1i%20c%E1%BA%A5u%20tr%C3%BAc%20n%E1%BB%81n%20kinh%20t%E1%BA%BF

Xử lý dứt điểm, vực dậy các “đại dự án” kém hiệu quả (Bài 1)

19/06/2020 - 610 Lượt xem

 

Theo Ðề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương (Ðề án 1468), đến cuối năm nay là mốc thời gian hoàn thành việc xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp này.

 

Xử lý dứt điểm, vực dậy các “đại dự án” kém hiệu quả

Hai tàu lớn đang được sửa chữa tại ụ tàu của Nhà máy đóng tàu Dung Quất.

 

Tính toán một cách cơ học, thời điểm hiện tại, hơn 75% khối lượng công việc trong Ðề án đã hoàn thành, ở vài dự án đã thấy ánh sáng le lói cuối đường hầm. Tuy nhiên, xét về mặt hiệu quả, vẫn còn quá nửa số dự án chìm trong thua lỗ. Càng kéo dài thời gian, nguồn lực Nhà nước càng bị “bốc hơi”, kéo theo nguy cơ mất vốn và nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Nếu quyết định giải cứu không được đưa ra kịp thời, cơ hội hồi sinh sẽ vuột mất và khi đó, khối tài sản nhiều nghìn tỷ đồng chỉ còn là “xác sống” ăn bám nền kinh tế...

BÀI 1: Le lói hy vọng

Hiện nay, trong 12 dự án và doanh nghiệp (DN) chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, ngoại trừ những dự án có số lỗ lũy kế còn quá lớn, chưa thể giải quyết sớm và một số dự án chưa quyết toán xong phần xây dựng, số còn lại đã từng bước phục hồi, duy trì sản xuất, kinh doanh, từng bước làm ăn có lãi và trả được một phần nợ gốc.

Những chuyển biến bước đầu

Báo cáo mới nhất của Bộ Công thương gửi Quốc hội cho thấy, hai dự án là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Thép Việt - Trung đang hoạt động có lãi (dù vẫn lỗ lũy kế). Bên cạnh đó, trong năm 2019, hai dự án khác là Nhà máy Ðạm Ninh Bình và Nhà máy Ðóng tàu Dung Quất cũng giảm lỗ lần lượt là 134 và 64,04 tỷ đồng.

Ðiểm sáng lớn nhất trong danh sách 12 dự án thua lỗ ngành Công thương là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng do Công ty cổ phần DAP - Vinachem (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam góp 64% vốn điều lệ) làm chủ đầu tư. Dự án khởi công tháng 7-2003, bàn giao tháng 3-2012. Theo đánh giá của Bộ Công thương, từ năm 2017 đến nay, nhà máy đã đi vào sản xuất ổn định, có lãi, nộp ngân sách đầy đủ; đạt được hiệu quả đầu tư (tổng mức đầu tư quyết toán thực tế là 2.328 tỷ đồng, giảm 437 tỷ đồng so tổng mức đầu tư được duyệt 2.765 tỷ đồng). Ðến hết năm 2019, vốn chủ sở hữu là 1.248 tỷ đồng, tổng tài sản là 1.991 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 770 tỷ đồng, còn lỗ lũy kế 215,4 tỷ đồng. Hiện, nhà máy đã hoàn thành việc thực hiện các giải pháp, về cơ bản đáp ứng tiêu chí để xem xét đưa ra khỏi danh sách 12 dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả. Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo nhà máy, năm 2020, ngành phân bón được dự báo tiếp tục gặp khó khăn do hầu hết giá nguyên liệu vật tư đầu vào tăng, giá cà-phê, cao-su, hồ tiêu tại Ðông Nam Bộ và miền trung, Tây Nguyên tiếp tục ở mức thấp. Ðặc biệt, 10 trong tổng số 13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn, đây là khu vực tiêu thụ phân bón lớn nhất cả nước, báo hiệu một mùa vụ khó khăn không những đối với nông dân mà khó khăn chung với cả các nhà sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước. Do đó, để tháo gỡ khó khăn, giúp DN phân bón DAP/MAP sản xuất trong nước đứng vững, nhà máy đã kiến nghị Bộ Công thương xem xét gia hạn thuế phòng vệ thương mại mặt hàng DAP/MAP, đồng thời đưa phân bón sang mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 0% hoặc 5%. Bên cạnh đó, giữ vững và tiếp tục phát triển hệ thống đại lý, tiêu thụ trong nước, phối hợp các đối tác xuất khẩu truyền thống để đẩy mạnh tìm kiếm thêm đơn hàng, gia tăng sản lượng xuất khẩu; linh hoạt điều chỉnh chính sách hỗ trợ tiêu thụ, điều chỉnh giá bán phù hợp giá thị trường,...

Một dự án khác cũng có bước chuyển tích cực là Nhà máy Thép Việt - Trung (VTM) của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung. Có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 335 triệu USD (trong đó Nhà máy gang thép khoảng 307 triệu USD, Mỏ sắt Quý Xa hơn 28 triệu USD), dự án khởi công vào tháng 4-2011, nhưng do bối cảnh thị trường nhiều biến động, giá cả vật liệu xây dựng, tỷ giá ngoại tệ và lãi suất ngân hàng tăng cao cho nên đến tháng 12-2014, nhà máy mới đưa vào hoạt động dây chuyền luyện gang sản xuất phôi thép. Ngay trong năm đầu hoạt động, VTM đã lỗ 91 tỷ đồng và tiếp tục kéo dài tình trạng này trong hai năm tiếp theo khiến khoản lỗ lũy kế đến hết năm 2016 lên 1.271 tỷ đồng, cao gấp hơn hai lần khoản lỗ 550 tỷ đồng dự kiến trong hai năm đầu hoạt động. Lúc này, nhà máy chính thức được “điền tên” vào danh sách 12 dự án yếu kém ngành Công thương. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2017-2019, VTM đã thực hiện tốt các phương án xử lý, nhiệm vụ theo Ðề án 1468, nhờ đó “gượng dậy” và hoạt động khởi sắc hơn. Phó Tổng Giám đốc VTM Trần Trọng Mạnh cho biết, VTM đã duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định và có lợi nhuận; lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2017-2019 đạt hơn 550 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 3.460 tỷ đồng, kéo giảm lỗ lũy kế đến hết năm 2019 chỉ còn 694 tỷ đồng. Mặc dù VTM còn lỗ lũy kế, nhưng dự án mỏ Quý Xa và Nhà máy gang thép Lào Cai vẫn mang lại nhiều lợi ích thiết thực, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bỏ lỡ nhiều cơ hội “vàng”

“Mỗi sáng thức giấc, ý nghĩ đầu tiên của tôi là tìm đâu ra tiền để nuôi gần 200 cán bộ, công nhân viên cũng như bù đắp khoản thâm hụt tài chính hơn một tỷ đồng mỗi tháng”, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPOLY) Trần Huy Thư nói. Tiền thân của VNPOLY là Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex). Ði vào vận hành thương mại từ tháng 5-2014, VNPOLY ôm tham vọng đáp ứng từ 35 đến 40% nhu cầu nguyên liệu sản xuất (100 tấn sợi và 400 tấn xơ/ngày) cho ngành dệt may trong nước. Thế nhưng, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với hàng nhập khẩu (nhất là về giá), VNPOLY đã “hụt hơi”, liên tục thua lỗ do chi phí sản xuất cao hơn giá bán sản phẩm, phải dừng hoàn toàn hoạt động từ giữa tháng 9-2015. Thời điểm đó, lợi nhuận cho lô hàng tốt nhất của nhà máy chỉ đạt 160 đến 170 USD/tấn, trong khi ngưỡng hòa vốn phải là 190 USD/tấn cho nên phải dừng sản xuất là tất yếu. Theo kế hoạch kinh doanh lập ra lúc bấy giờ, VNPOLY đã dự đoán thị trường sơ xợi sẽ tốt trở lại trong giai đoạn 2017-2018. Thực tế, đúng là từ năm 2018, giá xơ sợi trên thị trường đã tăng trở lại với biên lợi nhuận cao vọt, đạt tới 280 USD/tấn vào quý III năm 2019. Nhận thấy cơ hội đang ở ngay trước mắt, đội ngũ lãnh đạo công ty đã cố gắng tìm mọi cách vận hành lại nhà máy. Tuy nhiên, do máy móc dừng hoạt động quá lâu, cộng thêm nhiều thiết bị, vật tư, hạng mục đến hạn thay thế, cần khoảng hơn 50 tỷ đồng để vận hành toàn bộ nhà máy trở lại. Cho dù có bản kế hoạch khá khả thi với mức cam kết sau 5 năm, lợi nhuận có thể tăng lên hơn 800 tỷ đồng, nhưng đang “đeo mác” thua lỗ, cho nên nhà máy không được phép nhận thêm vốn nhà nước và cũng bị phía ngân hàng từ chối “bơm vốn”, nên cơ hội vàng lúc đó đã vuột khỏi tầm tay. Mặc dù vậy, nhận thấy mảng sản xuất sợi có thể chạy lại hoàn toàn độc lập (cần ít chi phí bảo dưỡng), đến tháng 4-2018, VNPOLY đã nỗ lực khởi động lại ba trong số 27 dây chuyền sản xuất sợi, sau đó nâng dần lên 12 dây chuyền vào tháng 5-2019. Do khâu sản xuất sợi chỉ chiếm 20% tổng công suất thiết kế của nhà máy, cho nên hiệu quả vận hành lại 12 dây chuyền cũng chỉ đủ nuôi 100 công nhân tham gia trực tiếp sản xuất, không thể trang trải cho khoản nợ gần 8.000 tỷ đồng đang ngày càng phình to.

Ðược Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thành lập vào tháng 2-2006, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) được thiết kế, đầu tư rất quy mô để chuyên đóng những gam tàu lớn nhất với trọng tải lên tới 400 nghìn DWT. Sau này, khi rơi vào khủng hoảng, được chuyển về Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) với vốn điều lệ 3.758 tỷ đồng, DQS vẫn được định hướng là công ty “đầu tàu”, trung tâm kết nối các nhà máy đóng tàu trên khắp cả nước. Tính đến hết năm 2019, tổng nợ phải trả là hơn 6.900 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 3.900 tỷ đồng, DQS luôn nằm trong “danh sách đen” về tài chính, không thể tham gia đấu thầu các dự án đóng tàu mới, bị loại khỏi cuộc chơi ngay từ “vòng gửi xe”. Do đó, dù vẫn có một số đơn hàng thi công đóng mới cho các đơn vị trong ngành dầu khí, nhưng công việc chủ yếu của DQS vẫn chỉ tập trung sửa chữa tàu. Khi dịch Covid-19 bùng phát, cơ hội mở ra với DQS, các hãng tàu bắt đầu tìm kiếm dịch vụ sửa chữa tại Việt Nam để tránh tâm dịch từ Trung Quốc, và cái tên DQS nổi lên như một địa chỉ tin cậy. Hiện, số lượng tàu nước ngoài cần sửa chữa đổ về nhà máy chiếm hơn 60%. Theo nhận định của một chuyên gia ngành đóng tàu, thực tế này cho thấy nếu trước đây chỉ có thể tính đến chuyện “hớt váng” hay đón phần công suất dư thừa từ Trung Quốc thì hiện đã có thể là thời cơ để ngành đóng tàu Việt Nam chuyển sang giai đoạn cạnh tranh một cách sòng phẳng và hiệu quả hơn. Ðiều đáng tiếc là tuy khách hàng ngày càng đông, nhưng DQS lại không đủ khả năng tiếp nhận do thiếu cầu tàu, cơ sở vật chất, hạ tầng đã đầu tư có hiệu suất sử dụng không cao, chỉ đạt 20 - 30%. Thông thường, các nhà máy đóng và sửa chữa tàu cần đầu tư đồng bộ cả cầu tàu và ụ tàu. Khi tàu vào ụ sửa chữa, chỉ làm phần việc dưới mớn nước, sau đó đưa ra cầu tàu để xử lý tiếp nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa giúp tối ưu hóa chi phí, quay vòng hạ tầng thiết bị hiệu quả hơn, giá thành sửa chữa cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, nhà máy hiện chỉ có ụ chứ chưa được đầu tư cầu tàu, như người có tim mà không có phổi, sức khỏe vì thế cứ yếu dần. “Mong mỏi đơn hàng từng ngày để kiếm tiền nuôi quân, thế mà có tuần chúng tôi phải từ chối 6 - 7 đơn hàng do năng lực hạ tầng không cho phép, tiếc đến đứt ruột, đứt gan. Chúng tôi đã tính đến phương án tìm đối tác đầu tư xây cầu tàu theo hình thức đối tác công - tư (PPP), nhưng lại chưa có cơ chế nào hướng dẫn và cấp trên chưa chỉ đạo, cho phép DQS tiến hành”, Tổng Giám đốc DQS Phan Tử Giang ngậm ngùi chia sẻ.

(Còn nữa)

Sau hơn hai năm thực hiện Ðề án 1468, đến nay một số dự án, DN đã có những chuyển biến nhất định nhưng nhìn chung vẫn còn rất nhiều khó khăn, tồn tại. Chỉ có hai dự án, DN có lãi (trong đó một DN vẫn còn lỗ lũy kế); hai dự án, DN giảm được lỗ (nhưng chưa bền vững), một dự án, DN dừng hoạt động nay đã vận hành trở lại; bảy dự án, DN còn thua lỗ hoặc dở dang, dừng hoạt động. Có năm dự án, DN có tranh chấp, vướng mắc EPC với nhiều nội dung được DN đàm phán nhiều lần với đối tác theo chỉ đạo nhưng vẫn không thành công.

(Nguồn: Bộ Công thương)

Theo nhandan.com.vn