VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin mới

Chuyên gia chỉ ra thế mạnh và việc cần làm của VN khi chuỗi cung ứng tái định hình

28/05/2020 - 383 Lượt xem

(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh các công ty đa quốc gia củng cố chuỗi cung ứng sau đại dịch, Việt Nam, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á là các địa điểm được tính đến.

Các công ty rục rịch tái cơ cấu chuỗi cung ứng

Đại dịch coronavirus dường như đang đẩy thế giới tiến nhanh đến khả năng phân tách giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã liên tục có các phát ngôn mạnh mẽ đối với Trung Quốc. Hôm 14/5, ông tuyên bố "có thể cắt đứt toàn bộ mối quan hệ" với Trung Quốc.

Một vài ngày trước đó, Robert Lighthizer, cố vấn thương mại của Tổng thống, đã đề cập đến việc kết thúc của kỷ nguyên đặt các chuỗi cung ứng ở nước ngoài và tuyên bố các công ty sản xuất ở các quốc gia như Trung Quốc sẽ sớm đưa sản xuất về nước.

Đại dịch Covid-19 là chất xúc tác mới quan trọng, đặc biệt là đã làm bộc lộ ra ngành sản xuất của Mỹ, như dược và thực phẩm đang phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc như thế nào.

Trong một cuộc họp trực tuyến với báo chí vừa tổ chức vào giữa tháng 5, ông Keith Krach - Thứ trưởng Phụ trách Phát triển kinh tế, Năng lượng và môi trường, Bộ Ngoại giao Mỹ - cho biết: "Trong nỗ lực hướng đến an ninh kinh tế 5G, Mỹ nhận ra rằng, niềm tin là nền tảng của quan hệ đối tác thành công. Và đây là lý do vì sao chúng tôi xây dựng Mạng lưới kinh tế thịnh vượng, hoạt động dựa trên các nguyên tắc của lòng tin".

Một số lượng lớn các công ty Mỹ được cho là đang cân nhắc rút khỏi Trung Quốc. Ngày càng nhiều ý kiến được ghi nhận về đa dạng hóa, ví dụ bằng cách thêm các cơ sở mới ở Đông Nam Á để bổ sung cho các nhà máy hiện có ở Trung Quốc.

Trong khi đó, Nhật Bản đã ra mắt một quỹ nghiên cứu trị giá 2 tỷ USD để giúp các công ty của nước này cân nhắc lại về chuỗi cung ứng. Ấn Độ cũng cho biết, nước này đang đàm phán với hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài quốc tế để thuyết phục chuyển sản xuất từ Trung Quốc.

Rajiv Biswas, Giám đốc điều hành và nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại công ty phân tích thông tin kinh tế IHS Markit đặt tại Anh cho rằng, trong bối cảnh đại dịch, cũng xuất hiện các lợi ích tiềm năng với các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á vì thế giới cũng đang tìm cách củng cố chuỗi cung ứng.

"Đại dịch toàn cầu đã làm lộ rõ lỗ hổng của chuỗi cung ứng sản xuất khi chuỗi sản xuất tại các trung tâm sản xuất toàn cầu quan trọng như Trung Quốc và Ấn Độ bị gián đoạn", ông Biswas nói. 

Điều này có khả năng đẩy nhanh nỗ lực của các công ty đa quốc gia nhằm đa dạng hóa hơn nữa chuỗi cung ứng về mặt địa lý. Về trung hạn, Việt Nam có thể là một nước có được chiến thắng quan trọng.

Thế mạnh của Việt Nam

Trao đổi với Tổ quốc về phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng, Mỹ sẽ cùng Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam đưa kinh tế toàn cầu tiến lên, ông Stephen Olson, nghiên cứu thương mại tại Quỹ Hinrich Foundation nhận định, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đang cố gắng thúc đẩy các nước để tạo điều kiện cho việc tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đề cập đến khả năng Việt Nam có thể trở thành một trung tâm sản xuất của thế giới, ông Stephen Olson cho rằng, dịch Covid-19 đã khiến nhiều cơ sở sản xuất cân nhắc việc chuyển dịch dây chuyền của mình, điều đó có thể mang lại lợi ích cho Việt Nam. Quan trọng là Việt Nam có đủ năng lực để "hấp thụ" thêm các cơ sở sản xuất mới di dời về hay không.

Việt Nam cần cải thiện triển vọng của mình bằng cách tăng cường kỹ năng của lực lượng lao động và cơ sở hạ tầng. Quy mô lực lượng lao động của Trung Quốc lớn hơn nhiều và có nhiều kỹ năng hơn. Cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, cả nhà xưởng và công nghệ, cũng tiên tiến hơn, ông nói trong email với phóng viên.

 

Chúng tôi đang có quan hệ đối tác tốt đẹp với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh và ngoại giao nhân dân. Mỹ ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vương và độc lập, có đóng góp cho an ninh quốc tế và thương mại công bằng, có đi có lại.

 

Ông Keith Krach - Thứ trưởng Phụ trách Phát triển kinh tế, Năng lượng và môi trường, Bộ Ngoại giao Mỹ

 

Bên cạnh đó, chuyên gia tại Quỹ Hinrich Foundation cũng lưu ý, Việt Nam là một lựa chọn rất phù hợp cho ít nhất một số lĩnh vực đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc chiến thương mại hoặc đại dịch, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin, các sản phẩm như máy tính xách tay và điện thoại di động.

Mỗi công ty có thể có lý do riêng để chuyển cơ sở sang Việt Nam, nhưng một phần lý do có thể là do kết quả của việc Samsung đã sản xuất rất nhiều sản phẩm này tại Việt Nam.

Trong khi đó, về phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ, ông Frederick Burke, hãng luật Baker McKenzie cho rằng, Mỹ cuối cùng đã hiểu ý nghĩa của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và kết quả của việc rút khỏi hiệp định đối với vai trò của nước này trong khu vực.

"Hiện tại, họ đang cố gắng kết hợp một giải pháp thay thế. Đó không phải là một điều xấu, chỉ là hơi muộn", ông Burke nói.

Với Việt Nam, việc có một chính sách đối ngoại đa phương bao gồm quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc rộng lớn, cân bằng với một loạt các lựa chọn thay thế là rất thực tế.

Trong tương lai, khi dân số Trung Quốc già đi và lực lượng lao động của Trung Quốc thu nhỏ lại, nước này sẽ không thể trở thành "công xưởng của thế giới", Việt Nam và các quốc gia khác có thể đẩy mạnh vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Burke chia sẻ nhận định với Tổ quốc.

Thiết lập chuỗi cung ứng mới mất bao lâu?

Tuy nhiên, ông Stephen Olson cũng lưu ý, do Trung Quốc sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh mà các quốc gia khác không dễ dàng có được, nên sẽ có những hạn chế về mức độ thành công của chính sách chuyển dịch này, đặc biệt là trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, mặc dù tất nhiên đã có một số sự chuyển dịch do tác động chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành tập đoàn Kerry Logistics William Ma Wing-kai cho biết có thể mất 3 - 5 năm để dời chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn với South China Morning Post, ông nói thêm rằng "vai trò của Trung Quốc khó có thể bị suy giảm trong thời gian ngắn".

James Crabtree, Phó Giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore nhận định, vì nhiều lý do, việc di chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc có thể sẽ là một quá trình phức tạp và lâu dài.

James Crabtree cho rằng, các công ty đa quốc gia khó có thể từ bỏ Trung Quốc vì một lý do: hầu hết các lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc để bán cho người dân Trung Quốc, đây là thị trường tăng trưởng quan trọng nhất thế giới. Năm 2019, vốn FDI của Mỹ vào Trung Quốc thực sự đã tăng lên tới 14 tỷ USD ngay cả trong bối cảnh các biện pháp thuế quan của Tổng thống Trump bắt đầu có tác dụng.

Cũng theo Phó Giáo sư trường Chính sách công Lý Quang Diệu, các nước sẽ triển khai chính sách "Trung Quốc 1", nghĩa là đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở một quốc gia khác ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, những thay đổi chuỗi cung ứng sẽ dần dần được thúc đẩy bởi thay đổi chi phí sản xuất hơn là yếu tốt địa chính trị, và ít xảy ra trong các ngành "chiến lược" như các sản phẩm chăm sóc sức khỏe… so với các ngành công nghệ thấp như đồ chơi.

 

Theo toquoc.vn