VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Nhật Bản dành 2,2 tỷ USD hỗ trợ chuyển dây chuyền ra khỏi Trung Quốc trước dịch Covid-19

18/05/2020 - 452 Lượt xem

(Tổ Quốc) - Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD trong gói cứu trợ kinh tế cao kỷ lục của nước này để giúp các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển dây chuyền ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh dịch -19 phá vỡ chuỗi cung ứng giữa các đối tác thương mại lớn. Đây là cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp Việt Nam đón nhận, đại diện Công ty Tân Thành Long An khẳng định.
 

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến quan hệ thương mại toàn cầu xấu đi, buộc doanh nghiệp và Chính phủ các nước phải di dời nguồn lực khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Những thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19 đã củng cố thêm niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần định vị Việt Nam trở thành điểm đến an toàn cho hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất quốc tế.

Là một trong hai khu vực còn dư địa phát triển lớn về bất động sản khu công nghiệp (theo đại diện JLL), tỉnh Long An vừa chính thức khởi công dự án Khu công nghiệp & đô thị Việt Phát (Việt Phát) nằm tại xã Tân Long với diện tích lên đến 1.800 ha, Việt Phát trở thành một trong những khu công nghiệp có diện tích lớn nhất hiện nay. Dự án do Công ty Tân Thành Long An và CTCP Quản lý Khu công nghiệp Sáng Tạo Việt Nam (VNIP) phối hợp phát triển, được quy hoạch theo mô hình mới kết hợp giữa khu công nghiệp và khu đô thị.

Trong đó diện tích đất dành cho khu công nghiệp là hơn 1.200 ha và đất dành cho khu đô thị là hơn 625 ha. Toàn bộ diện tích của dự án đã được hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng sẵn sàng đáp ứng đa dạng nhu cầu của nhà đầu tư.

Ông Lê Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tân Thành Long An cho biết: "Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến dòng vốn FDI. Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD trong gói cứu trợ kinh tế cao kỷ lục của nước này để giúp các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển dây chuyền ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh phá vỡ chuỗi cung ứng giữa các đối tác thương mại lớn. Đây là cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp Việt Nam đón nhận".

 

Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD hỗ trợ chuyển dây chuyền ra khỏi Trung Quốc trước dịch Covid-19, đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 1.

Phối cảnh dự án.

 

Về dự án Việt Phát, chủ đầu tư tự tin khẳng định sẽ đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn từ đối tác ngoại. Không chỉ ở vị trí thuận lợi, là cầu nối giữa các tỉnh ĐBSCL với Tp.HCM, có cảng Logistics… mà doanh nghiệp còn tổ chức bày bản đúng chuẩn mực quốc tế như có áp mái sử dụng năng lượng tái tạo, có quy trình xử lý rác thải, đưa công nghệ vào hệ thống quản trị.

"Tầm nhìn ra thế giới, muốn đón được chuỗi cung ứng tái cấu trúc thì khu công nghiệp cần diện tích lớn, và quy mô 1.800ha thì đáp ứng được. Chúng tôi cũng mời các đơn vị tư vấn ngoại là Surbana Jurong và JLL để tạo sự khác biệt, cần nhấn mạnh khác biệt ở đây không phải khác lạ mà là đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư ngoại", chủ đầu tư nói thêm.

Hiện, dự án đã đón nhận nhiều đoàn nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Singapore… sang khảo sát; tuy nhiên Việt Phát ưu tiên xem xét, lựa chọn nhà đầu tư cùng triết lý kinh doanh và phải đồng hành lâu dài. Doanh nghiệp cũng chưa thể chia sẻ chi tiết về vốn đầu tư, chỉ tiết lộ là một con số rất lớn, một phần do vùng đất tại đây yếu nên chi phí đầu tư sẽ gấp rưỡi các khu vực lân cận như Đồng Nai, Bình Dương.

Nói về đầu ra, vị này chia sẻ trước hết sẽ hướng đến chế biến nông sản – đây cũng là sản phẩm mà thị trường có nhu cầu lớn sau dịch, chưa kể Việt Phát thuận lợi là ở ngay trung tâm nguồn nguyên liệu.

Tính đến nay, toàn tỉnh Long An có 32 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam với tổng diện tích hơn 11.500ha; trong đó tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động đạt gần 87%. Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được phê duyệt có 62 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.106 ha; trong đó có 21 cụm công nghiệp, diện tích 1.08 ha đã đi vào hoạt động, tỉ lệ lấp đầy đạt gần 90%.