VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Công nghiệp hỗ trợ còn bị xem nhẹ, khi nào mới phát triển?

13/05/2020 - 387 Lượt xem

VOV.VN - Phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo thế chủ động cho nhiều ngành công nghiệp khác về nguồn cung nguyên phụ liệu, tránh bị phụ thuộc vào nước ngoài.
 

Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chiếm gần 4,5% tổng số DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Một số DN sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt ở những lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn...

Tuy nhiên, quy mô và năng lực của các DN CNHT còn nhiều hạn chế. Với tỷ lệ quả nhỏ trong toàn ngành công nghiệp nên năng lực sản xuất của các DN này còn rất thấp; thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh đó, DN CNHT chủ yếu lại là các DN tư nhân nên khả năng tài chính yếu, vốn tự có thấp. Những điều này đã khiến nhiều sản phẩm CNHT Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và tương thích kỹ thuật, trong các chuỗi cung ứng lớn quy mô toàn cầu.

 

cong nghiep ho tro "yeu ot" vi thieu duoc cham soc hinh 1
Nếu được đầu tư đúng mức, sản phẩm CNHT của Việt Nam sẽ không thua kém với bất cứ quốc gia nào.

 

Theo ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí SKD, thời gian qua nhà nước đã có một số giải pháp hỗ trợ đối với ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ trong việc kết nối chuỗi, tạo lập thị trường. Các giải pháp này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm đầu ra sản phẩm, liên kết tăng sức cạnh tranh. 

Nhưng riêng từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đa phần các DN đều gặp khó khăn cả về nhập khẩu nguyên vật liệu, cũng như đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Nhiều DN CNHT gần như không có nguồn hàng để sản xuất và chưa thể ký kết thêm các hợp đồng mới.

“Để ứng phó với tình hình mới, DN gần như đã cắt giảm các vị trí không cần thiết, chỉ duy trì nhân lực để sản xuất, đáp ứng đơn hàng đã ký kết từ trước đó nhưng khi hoàn thành cũng chưa biết thể giao hàng kịp cho đối tác. Vì vậy, doanh nghiệp rất mong được hỗ trợ để có thể duy trì hoạt động trong bối cảnh hiện nay”, ông Kết cho hay.

Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu. Chính vì thế, khi nguồn cung bất ngờ bị đứt gãy như trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, nhiều DN ở vào thế bị động, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất.

Hỗ trợ cần tập trung và cụ thể

Thời gian qua, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp nói chung, CNHT nói riêng, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng chỉ đạo thêm các giải pháp hỗ trợ đặc thù cho các DN hoạt động trong các ngành sản xuất, chế biến chế tạo và lĩnh vực CNHT. Theo ông Trương Thanh Hoài, Nhà nước cần khuyến khích các DN CNHT trong nước, đặc biệt là các DN sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.

“Hiện nay, một số DN FDI đa quốc gia đang phối hợp với Cục Công nghiệp tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu. Tuy nhiên, do năng lực sản xuất các mặt hàng CNHT trong nước còn thấp, việc kết nối cung ứng cho các DN FDI trong thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn”, ông Hoài cho biết.

Do đó, về lâu dài, ông Hoài cho rằng cần chú trọng đầu tư nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, Trung ương và địa phương tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là CNHT và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới...

“Điều này sẽ khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực các DN thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai…”, ông Hoài khuyến nghị.

Liên quan tới vấn đề tài chính cho DN CNHT, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam cho hay, thời gian qua đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển ngành CNHT, giúp các DN tiến bộ khá nhiều. Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ DN CNHT về tài chính hầu như khá khó khăn.

"Việc tiếp cận tín dụng giá rẻ ở Việt Nam là khó khăn, kể cả các quỹ hỗ trợ tín dụng cũng khó tiếp cận vì thủ tục cực kỳ phức tạp, chủ yếu yêu cầu thế chấp. Trong khi ở các nước, DN chỉ cần có đơn hàng của Samsung, Canon là có thể thế chấp nhưng ở Việt Nam điều này không thể. Doanh nghiệp phải tự "chiến đấu", bà Bình chỉ rõ.

Được biết, thời gian tới, để thúc đẩy phát triển ngành CNHT, Bộ Công Thương đã nêu rõ phương hướng rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập để hỗ trợ cho DN. Đồng thời, tiếp tục có các chính sách mới trong quản lý và thu hút đầu tư, để đảm bảo các doanh nghiệp FDI có sự liên kết và chuyển giao công nghệ cũng như tạo ra những lan tỏa cho doanh nghiệp CNHT trong nước.../.