VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Dốc sức phục hồi kinh tế

13/05/2020 - 298 Lượt xem

 

Đất nước chính thức bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế sau hơn 90 ngày chống chọi đại dịch Covid-19. Mục tiêu trước mắt được Chính phủ đặt ra là ngay trong năm 2020, phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP hơn 5%, đưa nền kinh tế trở về trạng thái “bình thường mới” để từ đó phát triển bứt phá, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045.

 

Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó không thể thiếu vai trò chủ công của cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân Việt Nam.

Từ chỗ có hơn 750 nghìn DN vào cuối năm 2019, đến nay, lực lượng DN đã bị giảm sút đáng kể về số lượng, “sức khỏe” cũng bị bào mòn nhưng sức sống kiên cường và tinh thần kinh doanh vẫn luôn mãnh liệt. Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về triển vọng kinh doanh quý III-2020 cho thấy, khoảng 55% số DN có ý định tiếp tục duy trì ở quy mô hiện tại; 22% quyết định mở rộng quy mô và chỉ có 21% tính đến khả năng thu hẹp. Dịch Covid-19 đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực làm đứt gãy chuỗi cung ứng và sụt giảm tổng cầu, đẩy nhiều DN đến tình trạng thua lỗ nhưng trong hoàn cảnh đó nhiều DN vẫn xoay xở bằng mọi cách để duy trì việc làm cho công nhân. Hành động này không chỉ thể hiện sự chia sẻ khó khăn của DN với người lao động mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của DN, doanh nhân trong lúc đất nước khó khăn.

Lúc này, câu hỏi lớn đặt ra là khôi phục kinh tế bắt đầu từ đâu, cần hành động như thế nào để vượt qua thách thức? Ngay từ đầu tháng 3, Chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ tín dụng, tài khóa, an sinh xã hội và quy mô của các gói hỗ trợ này sẽ còn tăng lên. Tuy nhiên, theo phản ánh, hiện tại không ít DN vẫn đang phải loay hoay tìm hướng tiếp cận đầu mối chính sách hỗ trợ và cách thức thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu vì thủ tục hành chính rườm rà, quy trình phức tạp, tiến độ thực hiện chậm, thái độ và tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ thực thi chính sách chưa thật sự hỗ trợ, đồng hành cùng DN.

Để “ngọn lửa tăng trưởng phải cháy, sớm bùng lên trở lại khi dịch được kiểm soát” như quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ, rất cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị trên mặt trận kinh tế. Chính điều này đã giúp Việt Nam giành chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và đây là thời điểm quan trọng để vận dụng, tạo ra “thắng lợi kép” trên mặt trận kinh tế. Cần quán triệt quan điểm hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển, coi thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, phát triển DN và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách. Cần thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập đang cản trở sự phát triển của DN. Các chuyên gia kinh tế nhận định, những giải pháp này có ý nghĩa quan trọng hơn việc chi tiền cứu trợ và đây cũng chính là nguyện vọng lớn nhất của cộng đồng DN Việt Nam. Trong hoàn cảnh khó khăn vừa qua, khi dịch Covid-19 bùng phát, kiến nghị lớn nhất của DN không tập trung vào các gói hỗ trợ tài chính mà là mong mỏi được trao cơ chế để nắm bắt cơ hội trong một trật tự thế giới mới ở giai đoạn hồi sinh sau đại dịch.

 

Theo nhandan.com.vn