VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Không vì thúc đẩy xuất khẩu mà coi nhẹ phòng, chống dịch bệnh

26/03/2020 - 309 Lượt xem

Tuy nhiên, năng lực thông quan tại các cửa khẩu hiện vẫn còn hạn chế. Thí dụ, tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), trung bình mỗi ngày chỉ xuất khẩu được từ 130 đến 150 xe, trong đó tỷ lệ sang tải hàng hóa chỉ đạt 50%, số còn lại phải tồn lại tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Pò Chài - Trung Quốc. Nguyên nhân là do nhân lực vận chuyển, giao nhận, bốc xếp, sang tải hàng hóa tại khu vực cửa khẩu của cả Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn thiếu; hàng hóa dù được thông quan, nhưng tiến độ sẽ chậm hơn nhiều so với trước do bắt buộc phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhất là khi phía Trung Quốc đang tăng cường công tác kiểm soát đối với người và phương tiện vận tải của Việt Nam trong bối cảnh diễn biến tình hình dịch bệnh của nước ta đang bước vào giai đoạn phức tạp hơn. Trong khi đó, lưu lượng xe và hàng hóa xuất khẩu đưa lên khu vực cửa khẩu biên giới ngày càng nhiều cho nên khó tránh khỏi tình trạng ùn ứ. Tính đến hết ngày 19-3, trên toàn tuyến biên giới phía bắc đang tồn khoảng 1.141 xe, trong đó riêng tỉnh Lạng Sơn có 1.068 xe, chủ yếu là hàng nông sản.

Trước tình hình nêu trên, Cục Xuất, nhập khẩu (Bộ Công thương) trong ngày 20-3 đã có công văn hỏa tốc gửi sở công thương các địa phương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu để thông báo về diễn biến tình hình, đồng thời đề nghị thực hiện một số khuyến nghị. Cụ thể, các bên cần theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới phía bắc nhằm chủ động kế hoạch sản xuất, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, tránh phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác; phối hợp chặt chẽ với sở công thương cũng như lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu biên giới trong việc triển khai đúng và đủ hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh. Mặt khác, đẩy mạnh xuất khẩu theo hình thức chính ngạch, triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói,… để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn như đã thỏa thuận với Trung Quốc nhằm tận dụng tốt cơ hội thị trường trong bối cảnh phía bạn đang dần phục hồi nhu cầu sản xuất và tiêu dùng sau khi đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Riêng đối với tuyến biên giới tây và tây nam, trước các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hiện cả Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia cũng đã áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn tại cửa khẩu biên giới đất liền, hạn chế và thậm chí ngừng hẳn việc cho phép công dân qua lại biên giới; từ đây, bắt đầu phát sinh hiện tượng ùn tắc hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công thương đã có nhiều văn bản gửi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đề nghị giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp hai bộ: Công thương và Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng quy trình về kiểm dịch y tế đối với người và phương tiện vận tải tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu để thống nhất áp dụng trên toàn quốc theo hướng bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, nhưng không gây tác động quá mức cần thiết đến việc lưu thông hàng hóa qua biên giới. Bộ Công thương nhấn mạnh, trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, các địa phương, doanh nghiệp cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan cần đặt ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho người dân và người lao động; không vì sức ép giải tỏa ùn tắc, thúc đẩy xuất, nhập khẩu hàng hóa mà coi nhẹ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Nguồn: báo Nhân dân

https://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/43762502-khong-vi-thuc-day-xuat-khau-ma-coi-nhe-phong-chong-dich-benh.html