VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Chi tiêu ngân sách ngày càng hiệu quả hơn

05/03/2020 - 287 Lượt xem

PV: Ông đánh giá như thế nào về tình hình thu, chi NSNN của Việt Nam những năm gần đây?

- TS. Hà Huy Tuấn: Có thể nói, những năm gần đây, tình hình thu, chi NSNN và nợ công được cải thiện khá rõ nét. Tổng thu NSNN tăng dần qua các năm. Thu nội địa ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu NSNN, tỷ trọng thu từ dầu thô giảm dần, giúp giảm yếu tố phụ thuộc vào từ dầu thô. Đặc biệt, trong giai đoạn gần đây, thu NSNN đã được đảm bảo để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu lớn của đất nước.

Tổng chi NSNN tăng ở mức hợp lý. Chi đầu tư chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng chi ngân sách. Điều này thể hiện việc chú trọng bố trí nguồn lực cho chi đầu tư phát triển, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Cơ cấu đầu tư giữa các ngành, lĩnh vực được điều chỉnh phù hợp hơn và tỷ trọng thu nội địa đã tăng cao trong tổng thu NSNN. Có thể khẳng định, đây chính là hướng đi đúng, hiệu quả, được Bộ Tài chính thực hiện trong thời gian qua.

Trên thực tế, chi tiêu ngân sách đã ngày càng hiệu quả hơn, đúng mục tiêu đề ra. Cùng với đó, công tác quản lý, giám sát tài chính trong nền kinh tế đã ngày càng tốt hơn. Đến nay, tầm bao quát của các cơ quan tài chính đối với hoạt động trong nền kinh tế ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.

 TS. Hà Huy Tuấn
TS. Hà Huy Tuấn



PV: Như ông vừa nói, Bộ Tài chính đã đi đúng hướng trong cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, tăng thu từ nội địa. Ông có thể nói thêm về điều này?

- TS. Hà Huy Tuấn: Đúng là những năm gần đây nguồn thu từ bên ngoài ngày càng khó lường, thuế xuất nhập khẩu giảm theo cam kết; thu từ dầu thô, tài nguyên bất ổn theo tình hình kinh tế chính trị của thế giới. Do đó, việc tăng thu nội địa là hướng đi hết sức đúng đắn của Bộ Tài chính. Bộ đã làm tốt việc này. 

Tuy nhiên, để thu ngân sách bền vững hơn nữa, cần mở rộng cơ sở thu, cải thiện nguồn thu theo chiều hướng tích cực hơn, đó là thu từ sản xuất kinh doanh, tăng dần tỷ trọng thu ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Về quản lý thu, cần tập trung chống thất thu, đẩy mạnh thu hồi các khoản nợ đọng thuế, tăng cường thanh kiểm tra, chống chuyển giá, hoàn thuế giá trị gia tăng.

Bên cạnh việc mở rộng diện thu thuế, tôi cho rằng, cần giảm bớt ưu đãi thuế. Ưu đãi thuế sẽ tạo nhiều tạo kẽ hở, gây tình trạng trốn thuế, tránh thuế. 

PV: Ông có thể chia sẻ về ý tưởng của mình khi ông từng đề cập đến việc huy động nguồn lực từ đất đai thông qua chính sách thuế mang tính chất như thuế tài sản?

- TS. Hà Huy Tuấn: Chính sách liên quan đến đất đai có nhiều loại, chúng ta cũng nên suy nghĩ về một loại thuế gọi là thuế tài sản, thực hiện đúng thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Thuế tài sản chuẩn mực đó là, giá tính thuế bám sát giá thị trường; thuế suất ở mức hợp lý, vì thuế tài sản là thuế lâu dài, mang tính tích lũy của tài sản nên mức thuế chỉ cần thu vừa phải. Bởi vì, loại thuế này ngoài tạo nguồn thu, còn có mục đích là giám sát tài sản đất đai, cho nên áp mức thuế vừa phải là phù hợp.

PV: Để chính sách tài chính thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế cần phải thực hiện bài bản, có lộ trình. Theo ông, đâu là giải pháp xuyên suốt, trọng tâm để cải cách chính sách tài chính, đảm bảo thành công trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng?

- TS. Hà Huy Tuấn: Để cải cách chính sách tài chính, câu chuyện vẫn xoay quanh 2 vấn đề quan trọng cốt lõi là thu - chi NSNN. Theo đó, về cơ bản, trong điều hành NSNN, phải bám sát dự toán, quản lý ngân sách theo hướng ngày càng đề cao kỷ cương, kỷ luật tài chính, quản lý, giám sát tài chính chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. 

Về thu NSNN, cần bao quát các nguồn thu, nhất là các nguồn thu mới; tiếp tục tăng tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN, bảo đảm hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu; hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách xã hội trong các sắc thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng.

Cùng với đó, chi tiêu ngân sách phải hiệu quả hơn nữa, không chỉ trong lĩnh vực chi đầu tư mà cả trong chi thường xuyên. Bởi vì trong chi tiêu thường xuyên, hiện vẫn còn dư địa để cải cách hiệu quả hơn, tiết giảm hơn. Ngoài ra, việc giám sát nguồn thu; nhiệm vụ chi cũng cần được tăng cường hơn nữa. Cần giám sát chặt việc cho vay, sử dụng vốn của các quỹ ngoài ngân sách; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát vốn vay về cho vay lại…

Về tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, tôi cho rằng trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện. Luật NSNN đã phân cấp, phân quyền trong quản lý, sử dụng tài sản công và ngân sách cho các bộ, ngành, địa phương, do đó cần nâng cao trách nhiệm giải trình của các đơn vị sử dụng ngân sách, để đảm bảo sử dụng ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: thời báo tài chính Việt Nam

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2020-03-02/chi-tieu-ngan-sach-ngay-cang-hieu-qua-hon-83197.aspx